Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi khổ người lao động Philippines ở Hồng Kông

Thứ bảy, 25/04/2015 12:07

(Cadn.com.vn) - Người lao động Philippines tại Hồng Kông phải trả rất nhiều khoản phí cho chính phủ ở trong lẫn nước ngoài.

Bà Feliza Guy Benitez, 58 tuổi, lần đầu tiên đến Hồng Kông vào năm 1993 với mức lương hàng tháng 3.200 HKD (413USD). Bà nghĩ, hợp đồng 2 năm là đủ để giúp đỡ gia đình và sẽ trở về nhà. Nhưng gia đình phải đối mặt với loạt các vấn đề tài chính buộc bà phải ký hợp đồng mới.

Hơn 22 năm qua, lương của bà chỉ tăng 810 HKD, từ 3.200 HKD lên 4.110 HKD trong năm nay. Hầu như tất cả tiền lương của bà đều được gửi về gia đình để lo cho người mẹ nằm viện, người qua đời vào năm 2005. Bà Benitez, hiện là Chủ tịch Liên hiệp người lao động nhập cư Philippines, tham gia tích cực các chiến dịch của người lao động nhập cư Philippines tại Hồng Kông trong suốt những năm bà ở đây.

QUÁ NHIỀU KHOảN PHÍ

Bà Benitez là một trong số 105.410 lao động Philippines đến đây vào năm 1993. Theo Ủy ban Lao động Nhập cư, năm 2012, số lao động Philippines tại đây tăng lên 156.000 người, trong đó khoảng 98% là phụ nữ.

Trước khi rời khỏi Philippines, người lao động Philippines ở nước ngoài phải trả đến 150.000 Php (3.400 USD) lệ phí cho cơ quan tuyển dụng chính phủ, Dolores Balladarez-Pelaez, Chủ tịch Tổ chức người Philippines  tại Hồng Kông (UNIFIL), cho biết. Người lao động Philippines cho rằng, khoản lệ phí mà nhà nước áp dụng này là "không cần thiết".

Các cơ quan chính phủ khác kiếm được tổng cộng khoảng 21 tỷ Php (470 triệu USD)/năm từ 5.500 người Philippines làm việc ở nước ngoài. Sau đó, tại Hồng Kông, người lao động Philippines cũng phải trả thêm nhiều khoản phí, chẳng hạn như phí gia hạn hàng năm cho OWWA, chứng thực hợp đồng, xác minh và chứng nhận việc làm ở nước ngoài.

TƯƠNG LAI NÀO?

Để tăng thêm sức mạnh, những người tham gia cuộc họp thành lập Mạng lưới công nhân người Philippines ở nước ngoài (OFW) phản đối các khoản phí của chính phủ. Đây là sự hồi sinh của Liên minh chống chính phủ (CAGE) vào năm 1998. CAGE thành công trong các chiến dịch giảm lệ phí hộ chiếu từ 510 HKD xuống còn 435 HKD và phí xử lý từ 500 HKD xuống 87 HKD; mở văn phòng Tổng Lãnh sự quán Philippines vào ngày chủ nhật; và làm sáng tỏ các quy định lệ phí OWWA.

Hồng Kông có hơn 360.000 người lao động nước ngoài, đại diện cho 15% lực lượng lao động nữ của thành phố. Họ là động lực của nền kinh tế nhưng bị loại khỏi xã hội. Mỗi lao động nước ngoài có 2 năm làm việc theo hợp đồng tiêu chuẩn do Cục Xuất nhập cảnh đưa ra vào năm 1974. Mức lương tối thiểu bị hạ xuống hai lần vào năm 1999 và 2003 do suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi trong suốt những năm 2000, mức lương tăng lên không tương xứng. Hầu hết các công nhân nước ngoài ở lại lâu hơn bằng cách tìm nhà tuyển dụng mới hoặc ký lại hợp đồng bởi họ không hoàn trả được nợ.

An Bình

(Theo Diplomat)