Báo Công An Đà Nẵng

Nói không với thực phẩm giả, kém chất lượng

Thứ năm, 11/04/2019 11:52

Ngày 10-4, UBND TP Đà Nẵng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019 với chủ đề: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”. Tháng hành động sẽ diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại lễ phát động.

Thực phẩm giả vẫn còn trôi nổi trên thị trường

Theo Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng, trong những năm qua, công tác bảo đảm ATTP đã được cấp ủy Đảng, chính quyền và các sở, ban ngành, đoàn thể các cấp ở địa phương quyết liệt triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp khác nhau qua đó đạt một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống chưa nghiêm túc; thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả vẫn còn trôi nổi trên thị trường; thực phẩm bị nhiễm chất cấm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả, trái cây không đảm bảo an toàn vẫn còn, đe dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Ông Võ Văn Nhựt – Phó Phòng phụ trách Phòng Kỹ thuật an toàn – Môi trường (Sở Công thương TP) cho rằng, hiện nay thị trường nói chung và doanh nghiệp, người tiêu dùng nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt các mặt hàng liên quan đến ATTP, sức khỏe. Thời gian gần đây, các vụ vi phạm về ATTP ngày càng tăng cao, tình trạng thực phẩm giả, kém chất lượng bày bán công khai, thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt các cơ quan quản lý. Qua khảo sát thực tế một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chống hàng giả cho thấy hàng giả, kém chất lượng đang phổ biến ở tất cả các phân khúc của thị trường từ cao cấp đến bình dân; từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa; từ hàng thời trang cho đến đồ gia dụng, thực phẩm chức năng hay các loại thực phẩm được sử dụng hàng ngày như dầu ăn, gạo, mắm... Điều đó đã gây lo lắng, bức xúc trong xã hội, khiến cho phần đông người tiêu dùng luôn hoang mang, không biết đâu là hàng thật, hàng giả, còn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính thì rất lo sợ sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái... Theo thống kê, mỗi năm, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nuớc xử lý hàng chục nghìn vụ vi phạm liên quan buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Riêng trong năm 2018, lực lượng QLTT TP Đà Nẵng đã kiểm tra và xử phạt 55 vụ vi phạm về  ATTP, ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền xử phạt hơn 344 triệu đồng, tịch thu 80 gói hạt nêm giả nhãn hiệu, 415kg gạo giả nhãn hiệu... Tuy nhiên, so với con số thực tế về hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường hiện nay thì số hàng hóa vi phạm bị phát hiện và bắt giữ cũng chỉ như “phần nổi của tảng băng chìm”.

Lực lượng CATP Đà Nẵng phát hiện, thu giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Chung tay chống thực phẩm bẩn

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, ATTP có tầm quan trọng đặc biệt vì đó không chỉ là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn tác động tới sự phát triến kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh chính trị... “Thời gian qua, Đà Nẵng đã có những quyết sách và thành công bước đầu đối với việc bảo đảm bữa ăn an toàn cho mọi gia đình. Những nỗ lực của các sở, ban ngành, chính quyền các cấp và toàn thể cộng đồng góp phần hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn, đồng thời nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm cũng dần tăng lên qua các năm”, ông Chinh cho hay.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP, vấn đề ATTP vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và không thể giải quyết triệt để trong một thời gian ngắn mà đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục, bền bỉ và lâu dài. Chính vì vậy, để thực hiện tốt việc đảm bảo chất lượng ATTP trong thời gian tới và để khẩu hiệu: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” thành hành động thiết thực và được triển khai rộng khắp, ông Chinh đề nghị Ban Quản lý ATTP Sở Công thương, Sở NN&PTNT, UBND quận, huyện chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATTP đến tất cả người dân.  Đồng thời, các đơn vị liên quan yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm túc các quy định, ký cam kết về ATTP. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hàng giả, nhập lậu. Trong đó, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chăn nuôi, giết mổ; đặc biệt phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả không để dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào Đà Nẵng.  “Một trong những yếu tố quan trọng để Tháng hành động về ATTP cũng như các chương trình liên quan đến ATTP triển khai thành công chính là tinh thần, trách nhiệm của người dân thành phố. Mỗi người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin để trở thành người tiêu dùng thông minh, nói không với thực phẩm bẩn. Đồng thời chủ động phát giác, phản ánh đến các cơ quan chức năng đối với các hành vi vi phạm vệ sinh ATTP của các cơ sở sản xuất, các hộ kinh doanh, chế biến thực phẩm...”, ông Chinh nhấn mạnh.

LÊ HÙNG