Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi lo người nước ngoài “mướn chỗ” phạm pháp

Thứ ba, 04/02/2020 18:00

Trao đổi với Báo Công an TP Đà Nẵng, Thượng tá Hồ Thanh Hưng- Phó trưởng CAQ Thanh Khê (Đà Nẵng), cho biết: “Công tác quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài (NNN) là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác của CATP, CAQ nên thời gian qua, Đội An ninh CAQ đã tăng cường, tập trung lực lượng phối hợp nắm tình hình, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm của NNN trên lĩnh vực xuất nhập cảnh và các vi phạm của cơ sở lưu trú trong việc khai báo tạm trú cho NNN”.

Các học viên đang dự lớp truyền đạo trái phép bị CAQ Thanh Khê phát hiện.

Qua công tác nắm tình hình, Đội An ninh CAQ Thanh Khê từng phát hiện 118 người Trung Quốc tạm trú tại một số khách sạn trên địa bàn phát hiện dấu hiệu bất minh về cư trú, hoạt động. Qua theo dõi, kiểm tra, phát hiện số NNN này đang làm việc tại một văn phòng kinh doanh cho thuê trên địa bàn Q. Thanh Khê. Tất cả các đương sự đều thông qua dịch vụ trên mạng để xin thị thực nhập cảnh Việt Nam với mục đích du lịch (thị thực ký hiệu DL). Tuy nhiên, sau khi nhập cảnh, các đương sự không thực hiện theo chương tình, tour tuyến của các công ty bảo lãnh mà đến tạm trú tại Q. Thanh Khê, Đà Nẵng để làm việc. Tại đây, số NNN nói trên được chia thành 7 nhóm và mỗi nhóm có 1 người là nhóm trưởng chịu trách nhiệm quản lý các thành viên và mỗi thành viên được trưởng nhóm trang bị 1 máy tính kết nối Internet. Số NNN này đều khai nhận làm việc cho các ông chủ ở Trung Quốc. Thông qua các phần mềm, trang web của Trung Quốc để dụ dỗ, lôi kéo nhiều người Trung Quốc khác tham gia vào các chương trình do số đối tượng này tạo ra nhằm mục đích kiếm lời hoặc lôi kéo, dụ dỗ thêm nhiều người Trung Quốc khác sang Việt Nam để được huấn luyện, đào tạo để tham gia vào hoạt động vi phạm của số này.

Mới đây, vào lúc 12 giờ 45 ngày 1-2-2020, CAP Chính Gián phối hợp với Đội An ninh CAQ Thanh Khê kiểm tra tạm trú tại nhà số 294/26- Điện Biên Phủ do ông Nguyễn Nam Nhật (1984, trú P. Hòa Thuận Tây, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện 4 người Trung Quốc đang tạm trú từ ngày 25-1-2020 đến nay nhưng lại chưa có thông tin khai báo tạm trú. Chủ cơ sở cũng chưa cung cấp được các giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh nên cơ quan CA đã lập hồ sơ để xác minh, xử lý theo quy định.

CAQ Thanh Khê kiểm tra thiết bị đánh bạc qua mạng Internet của một nhóm đối tượng người Trung Quốc.

Gần đây với phương thức thủ đoạn tương tự, vào giữa năm 2019, Đội An ninh CAQ tiếp tục nắm tình hình và phát hiện 10 người Trung Quốc thông qua người Việt Nam để thuê nguyên một khách sạn đã nghỉ kinh doanh để làm “bình phong” phục vụ cho hoạt động của nhóm này. Số này thông qua dịch vụ trên mạng để xin thị thực du lịch vào Việt Nam, tuy nhiên lại không đi theo chương trình được bảo lãnh mà trên thực tế là vào Việt Nam để lao động, làm việc. Tại thời điểm kiểm tra, trong số này có 1 đối tượng người Trung Quốc cầm đầu đang tiến hành các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo số người Trung Quốc khác thông qua mạng Internet để tham gia vào các hoạt động vui chơi có thưởng. Đồng thời đối tượng cầm đầu này còn tích cực dụ dỗ, lôi kéo số người Trung Quốc khác sang Việt Nam để được huấn luyện, đào tạo sử dụng máy tính, điện thoại do chính đối tượng này cấp để nhằm thực hiện hoạt động trên. Lực lượng chức năng còn bắt quả tang trường hợp hoạt động truyền đạo trái phép. Ngày 22-8-2019, CAQ Thanh Khê bất ngờ kiểm tra một trung tâm ngoại ngữ trên đường Nguyễn Phước Nguyên (P. An Khê, Q. Thanh Khê), phát hiện 4 giáo viên nữ, trong đó có một người Hàn Quốc đang tổ chức truyền đạo Tân Thiên Địa trái phép cho 18 học viên.

Thực tế là trong thời gian vừa qua, không chỉ ở địa bàn Q.Thanh Khê mà tại nhiều địa bàn khác ở Đà Nẵng đã  xảy ra nhiều vụ các đối tượng người nước ngoài hoạt động phi pháp, phạm tội với tính chất ngày càng nghiêm trọng dưới vỏ bọc kinh doanh, du lịch… Đó là, vào ngày 29-9-2019, CAQ Hải Châu đã tạm giữ Lee Sam (người Hàn Quốc) là kẻ trốn lệnh truy nã quốc tế, khi đến Đà Nẵng đã sử dụng ma túy, gây rối trật tự tại một khách sạn. Ngày 15-9-2019, CAQ Ngũ Hành Sơn phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, CATP Đà Nẵng khám xét đột xuất khách sạn Chula (Q. Ngũ Hành Sơn), phát hiện 34 người Trung Quốc đang dùng thiết bị điện tử kết nối với các trang mạng ở Trung Quốc thực hiện hành vi ủy thác đầu tư hoặc thao túng thị trường chứng khoán bị cấm ở Trung Quốc. Để tạo vỏ bọc, qua mắt lực lượng chức năng, nhóm người này thuê bảo vệ, lễ tân là người Việt. Trước đó, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của CATP Đà Nẵng đồng loạt kiểm tra 6 tụ điểm có người Trung Quốc thuê lưu trú, sử dụng kinh doanh. Tại những nơi này, phát hiện 35 người đang sử dụng Internet để tổ chức đánh bạc.

CAQ Thanh Khê phát hiện nhóm người Trung Quốc thuê khách sạn để đánh bạc qua mạng.

Đã có không ít trường hợp có đối tượng được người Việt Nam tiếp tay, đứng ra thuê căn hộ, đăng ký kinh doanh thay các đối tượng tội phạm, khiến cơ quan chức năng khó khăn trong công tác theo dõi, quản lý. Điển hình là Sầm Thị Sen (24 tuổi, trú tỉnh Gia Lai) biết bạn trai mình là Trương Huệ Mẫn (người Trung Quốc) cùng đồng bọn thuê nhà để sản xuất phim đồi trụy, nhưng không tố giác mà còn tiếp tay cho chúng. Sen là người trực tiếp đăng tin trên mạng xã hội để tuyển các cô gái trẻ “có ngoại hình dễ nhìn, làm việc nhẹ nhàng lương cao”, rồi dụ dỗ đóng phim đồi trụy để phát tán trên mạng.

Liên quan đến vấn đề NNN lưu trú trên địa bàn, ông Huỳnh Đức Thơ- Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, từng khẳng định: “Đà Nẵng mở cửa du lịch, hội nhập kinh tế, nhưng không thể để các hành vi phản cảm hay hoạt động phi pháp xảy ra. Một mặt chúng ta cố gắng để tạo ra TP Đà Nẵng thân thiện, bình yên, nhân văn, được mọi người yêu mến; mặt khác phải nghiêm khắc, cứng rắn với các đối tượng vi phạm pháp luật”. 

PHƯƠNG KIẾM