Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi lo ở những công trình trọng điểm

Thứ tư, 30/09/2015 10:47

(Cadn.com.vn) - Năm qua, tỉnh Quảng Nam tiến hành xây dựng rất nhiều công trình trọng điểm. Trong đó, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua địa bàn tỉnh được xây dựng có ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển kinh tế không chỉ cho tỉnh mà còn mang lại lợi ích giao thương cho cả miền Trung.

Thế nhưng để có được sự phát triển “nhanh và mạnh ấy” địa phương đang phải đánh đổi rất nhiều. Tỉnh Quảng Nam đã có nhiều biện pháp hạn chế, khắc phục nhưng những vụ việc như nứt nhà do nổ mìn, hút cát sông phục vụ cho công trình xây dựng làm sạt lở sông... diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, khiến nhiều hộ dân sống ven công trình lại càng thấp thỏm hơn khi mùa mưa lũ đang cận kề.



“Rút ruột” dòng sông lấy cát cho công trình.

Lo ngại đường cao tốc thành đê ngăn lũ

Nhiều ngày nay, việc thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi qua địa phận thôn Phú Quý 3, xã Tam Mỹ Đông buộc phải tạm dừng vì bị người dân 2 xã Tam Mỹ Đông và Tam Mỹ Tây (H. Núi Thành) phản đối. Lo ngại đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trở thành đê chắn lũ, người dân yêu cầu cơ quan chức năng thay đổi thiết kế mở rộng đường thoát nước. Theo quan sát khu vực cánh đồng có cao tốc ngang qua nằm dưới chân núi Trường Sơn và đã được đắp lên cao. Ông Nguyễn Tiến (56 tuổi) cho biết: “Sống ở đây lâu năm nên tui biết mùa mưa nước ngập kinh lắm. Chỉ cần mưa lớn một ngày thôi là nước đã ngập trắng đồng rồi. Nay nhìn đường cao tốc sừng sững như dải núi trong khi nhà dân cũ kỹ thế này thì dân nông tụi tui sao không khỏi lo âu”.

Ông Châu Quang Sơn, Trưởng thôn Phú Quý 3 cho biết: “Khu vực này rất đặc biệt vì là vùng trũng nước chảy mạnh vào mùa mưa lũ  nên tôi nghĩ cần làm cầu vượt là hợp lý. Tuy nhiên khi nhà thầu đến thi công đã đổ đất lấp bàu chứa nước và đắp đường lên cao. Khi người dân hỏi thì nhà thầu cho biết họ chỉ làm theo thiết kế. Theo đó, đoạn đường này không làm cầu vượt để thoát lũ mà sẽ được đắp cao lên 6 m, chiều rộng từ 60-70 m, ở giữa có 2 đường ống thoát nước có đường kính 1,5 m. Chỉ chừng đó thôi thì không ổn, chưa nói đến việc nước không rút mà chỉ rút chậm thôi đã khổ người dân rồi”.

Nhiều người dân cho rằng, chính trong đợt lũ bất thường vào tháng 3 vừa qua đã thể hiện rõ nỗi bức xúc của họ là có căn cứ. “Sau đợt lũ ấy không có chỗ thoát nước nên nhiều hoa màu đã bị hư hại. Đó chỉ mới là một đợt lũ trái mùa thôi nếu như mưa liên tục thì không biết sẽ như thế nào”, một người dân cho biết.

Mặc dù các đơn vị liên quan đối thoại, giải thích cho người dân rằng theo tính toán sẽ không ngập lụt nhưng người dân vẫn không đồng tình khiến hơn 10 ngày nay, việc thi công phải tạm dừng. Thực tế, người dân nơi đây lo ngại chính đáng bởi trong quá khứ đã từng có những hệ lụy từ việc thi công chưa tính toán chặt chẽ đến vấn đề thoát nước làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nơi đây. Cuối năm 2009 khi đơn vị thi công đường sắt tiến hành đắp đường đã khiến cho tình hình lũ lụt trên địa bàn thêm trầm trọng và đã xảy ra trường hợp đuối nước do nước lũ lên nhanh.

Ông Trần Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây cho biết, không chỉ người dân xã Tam Mỹ Đông mà người dân ở xã Tam Mỹ Tây cũng không đồng tình với việc đắp đường ở thôn Phú Quý 3. “Cả hai xã đã họp với dân và thống nhất gửi văn bản lên cấp trên yêu cầu thiết kế lại cầu vượt cạn để thoát nước. Mùa mưa bão đã bắt đầu đây cũng là vấn đề mà địa phương vô cùng sốt ruột”.

Ngày 19-9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi làm việc với lãnh đạo 3 địa phương có đường cao tốc đi qua là TP Đà Nẵng, 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã bày tỏ quan ngại của mình về việc tại một số nơi xây dựng cao tốc vô tình sẽ trở thành đê ngăn lũ. Ông Thu cũng lưu ý bài học về tuyến đường tránh thị xã Điện Bàn trước đây đã làm lũ không thoát kịp gây ngập úng trên diện rộng.

Ông Thu đề nghị VEC (Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) phải có phương án phòng chống lụt bão bởi năm trước từng có nhóm công nhân bị nước cô lập nhiều ngày. Yêu cầu VEC khảo sát, tính toán lại các điều kiện thủy văn vào mùa mưa lũ, vì khi làm đường cao tốc sẽ thay đổi cao trình nhiều khu vực, tính toán các đường thoát nước, đường  dân sinh để không phải đào lên làm lại sau này.

Sạt lở ven sông thành nỗi “ám ảnh” thường trực.

“Rút ruột” dòng sông lấy cát cho công trình

Do nhu cầu nguồn nguyên vật liệu cung cấp cho các công trình xây dựng tăng mạnh nên tình trạng nạo vét sông lấy cát trở nên ồ ạt, nghiêm trọng. Trên sông Thu Bồn đoạn đang xây dựng cầu Giao Thủy (xã Đại Hòa, H. Đại Lộc) không khí khẩn trương tấp nập, cả công trình đang đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa bão. Chỉ cách đây mới mấy tháng, nơi đây còn là bến đò với khung cảnh vô cùng thơ mộng vậy mà nay bãi bờ đã trở nên hoang hoải còn dòng sông thì đục ngầu bởi do hút cát.  Cách cầu sắt Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, H. Duy Xuyên) vài trăm mét là công trình cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đang xây dựng. Đây là khu vực trồng trọt của người dân 2 xã Duy Châu và Duy Trinh nhưng tình trạng sạt lở xảy ra vô cùng nghiêm trọng. “Trước đây hoa màu trồng ở đây năng suất cao lắm nhưng bây giờ chẳng hiểu sao mùa nào cũng thất bát, đậu ớt lớn không nổi. Sông đã không còn phù sa bồi đắp cho đất đai ở đây nữa rồi”-một nông dân thở dài ngao ngán.

Còn nhớ cuối tháng 5 dư luận đã xôn xao trước thông tin 5.000m3 cát “bốc hơi” ngay dưới chân cầu Chiêm Sơn suốt một thời gian dài mà chính quyền địa phương vẫn không hề hay biết. Chỉ đến khi những hố nước lớn xuất hiện và sự vào cuộc rốt ráo của các ngành chức năng thì tình trạng trên mới tạm lắng.

Theo thống kê từ Phòng tài nguyên môi trường các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn mỗi mùa lũ đi qua lại có hàng chục héc-ta đất ven sông bị cuốn trôi. Điển hình như ven sông Vĩnh Điện bị sạt lở hơn 500m ảnh hưởng đến cuộc sống hơn 20 hộ dân và gây nguy cơ cho 157 ha đất trồng lúa. Đặc biệt các thôn Nhị Dinh 1,2,3 (xã Điện Phước) tình trạng sạt lở đất diễn ra nhiều năm với tốc độ xâm thực 20-30cm mỗi ngày kéo dài trên 2km gây sạt lở 150 ha đất sản xuất. Đã có nhiều ngôi làng phải xóa sổ, nhiều diện tích hoa màu mất trắng nhưng nỗi lo sạt lở ven sông vẫn chưa dừng lại khi những công trình vẫn đang xây dựng hối hả, đồng nghĩa với việc dòng sông đang bị rút ruột.

Có một thực tế rằng để xây dựng công trình với khối lượng nguyên vật liệu lớn như vậy thì việc cấp phép khai thác cho doanh nghiệp là cần thiết. Thế nhưng dường như các ngành chức năng vẫn chưa thể quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp này. Vẫn có nhiều doanh nghiệp lợi dụng sơ hở để khai thác vượt quá số lượng qui định hoặc cố tình khai thác khi giấy phép đã hết hạn. Theo ban điều hành dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường cao tốc này cần hơn 26 triệu m3 đất cát để san lấp nhưng hiện nay vẫn còn thiếu 22 triệu m3, trong đó Quảng Nam thiếu 14 triệu m3. Chính vì nhu cầu lớn như vậy nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn bất chấp đục khoét dòng sông.

Ông Nguyễn Thế Hởi - Trưởng phòng Tài Nguyên - Môi trường H. Duy Xuyên cho biết: “Duy Xuyên là huyện nóng về tình trạng khai thác cát. Những đợt truy quét, đẩy đuổi vẫn không làm giảm nhiệt tình trạng trên bởi hiện nay trên địa bàn huyện đang có nhiều công trình xây dựng. Những đối tượng khai thác cát trái phép cũng vô cùng manh động gây khó khăn cho công tác quản lý”. Vừa qua, sau nhiều thông tin về việc tình trạng khai thác cát trên sông đã trở nên đáng báo động, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo thành lập trạm kiểm tra, chốt chặn liên ngành tổ chức các hoạt động của các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch trong việc sử dụng phương tiện khai thác và khối lượng khai thác. Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên môi trường đánh giá trữ lượng thực tế để rà soát, cấp phép đúng qui hoạch, các bãi tập kết cát sỏi trên địa bàn phải cam kết không tiếp nhận cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp.

Thiết nghĩ, mặc dù các công trình  đã có sự tính toán, thiết kế kỹ lưỡng nhưng người dân với kinh nghiệm lâu năm sống tại địa phương sẽ cho cái nhìn trung thực nhất về tình hình lũ lụt, thoát nước tại địa phương. Để tránh những hệ quả khôn lường chúng ta cần có nhiều kịch bản ứng phó bởi năm 2015 được dự báo là năm có nhiều đợt thiên tai,bão lũ lớn.

Phóng sự: Đồng Dao