Nỗi lo sông “gặm” làng
Hà Tĩnh là địa phương có hệ thống sông ngòi khá nhiều, kéo theo đó là tình trạng sạt lở đất diễn ra khá phổ biến. Sạt lở không chỉ cuốn trôi đất sản xuất, mà còn đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.
Tuyến đường đi qua thôn Vĩnh yên mới thi công chưa được 2 năm đã bị sạt lở.
Thôn Phúc Xá (xã Hòa Lạc, H. Đức Thọ, Hà Tĩnh) trước những năm 1980 được biết đến bởi sự sầm uất, trù phú của một làng quê trên bến, dưới thuyền. Thời điểm đó, khi sông Ngàn Phố chưa đổi dòng, thôn Phúc Xá có diện tích sản xuất nông nghiệp rộng lớn. Người dân Phúc Xá yên tâm bám đất bám làng lao động sản xuất. Tuy nhiên, sau những năm 1980, sông Ngàn Phố bắt đầu đổi dòng, gây ra tình trạng sạt lở đất. Ban đầu, khúc sông chỉ lấn vào một vài mét, nhưng rồi trải qua những mùa lũ sau đó, sông nuốt hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Phúc Xá, ngôi chợ ngày nào cũng bị trôi.
Trước thực trạng sạt lở bờ sông đoạn qua thôn Phúc Xá ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ lấn sâu vào khu dân cư, năm 2001 H. Đức Thọ đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng tuyến kè dài 500 mét. Trên tuyến kè xây dựng một tuyến đường bao để người dân thuận tiện đi lại. Thời điểm đó, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên kè chỉ được ghép bằng rọ đá nên không thể chống chọi với sự hung hãn của dòng sông khi xảy ra mưa lũ. Hiện tại nước sông Ngàn Phố đã làm sạt lở cuốn trôi hơn 2/3 chiều dài tuyến kè, nhiều đoạn bị khoét sâu tạo thành những hàm ếch. Tuyến đường giờ cũng đã sạt lở không thể đi lại. Nhiều diện tích đất vườn, đất ở và cả nhà cửa của người dân ở trong tuyến kè cũng đang đối diện với nguy cơ sạt lở. Đã có những gia đình buộc phải bỏ đất bỏ làng di dời về những nơi an toàn.
Cũng tại H. Đức Thọ, tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra khá phức tạp ở xã Đức Lạng, đặc biệt tại thôn Vĩnh Yên đoạn cầu Treo chợ Bộng. Mùa mưa lũ khu vực thôn Vĩnh Yên như một túi nước. Xét thấy sự nguy hiểm của dòng chảy, chính quyền xã Đức Lạng qua các thời kỳ đã huy động người dân trồng tre, tạo ra những thành lũy che chắn bao bọc. Thế nhưng những bụi tre cổ thụ giờ đây cũng bị nước lũ đánh bật. Hiện tại nước sông Ngàn Sâu đang tiếp tục xâm hại đến hàng chục héc-ta đất nông nghiệp, đất vườn, đất ở của người dân. Nhiều tuyến đường dân sinh cũng bị sạt lở cuốn trôi. Tuyến đường chạy qua thôn Vĩnh Yên vừa mới làm và đưa vào sử dụng chưa đầy 2 năm, thế nhưng chỉ sau trận lũ tháng 10- 2020 đã làm 1/3 chiều dài bị sạt lở.
Bà Nguyễn Thị Phương Nga (thôn Vĩnh Yên) cho biết: “Dọc đoạn này sạt lở mất luôn cả con đường, dân chúng tôi bây giờ không có đường đi”. Cũng theo bà Nga, hiện có những nơi, con sông đã sạt lở vào sát ngõ, sát vườn, khiến cho một số hộ dân không còn đường để đi lại, muốn đi ra ngoài chỉ còn cách đi băng qua vườn nhà hàng xóm, xe cộ phải gửi ở nơi khác.
Chị Lê Thị Diên bên biển cảnh báo sạt lở tại thôn Vĩnh Yên.
Bên cạnh đó, chị Lê Thị Diên (thôn Vĩnh Yên) cũng cho biết thêm: “Bây giờ lại đang vào mùa mưa lũ nữa rồi, nước sông càng dâng cao thì đất bên này càng sạt lở, dọc đây có nhiều gia đình đã bị sạt vào tới tận ngõ trong vườn rồi. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương cũng chỉ biết lập rào chắn, cắm biển cảnh báo để ngăn người dân không đi lại trên tuyến đường này”.
Có thể nói, tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh, thế nhưng giải pháp khắc phục thì vẫn chỉ dừng lại ở mức độ nhất định. Như tại H. Vũ Quang hiện đang có hàng chục ki-lô-mét sông Ngàn Trươi và sông Ngàn Sâu chảy qua địa bàn cần phải được kiên cố bởi tính chất xung yếu. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có khoảng 1/3 được đầu tư. Phần còn lại đang mặc cho nước lũ từ các dòng sông uy hiếp… Đặc biệt là khu vực dân cư nằm sát bờ sông Ngàn Sâu.
Trên chiều dài gần 3 km bờ sông chảy qua địa bàn, cho đến thời điểm này vẫn chưa có bất cứ đoạn nào được xây kè bảo vệ. Còn tại xã Quang Thọ, địa phương có sông Ngàn Trươi chảy qua. 2 năm gần đây mức độ sạt lở diễn ra rất phức tạp. Ngay tại vị trí tuyến đường độc đạo vào trung tâm hành chính xã, nước lũ sông Ngàn Trươi đã nuốt chửng gần 5 ha đất sản xuất nông nghiệp từ cách đây một vài năm, thì giờ đây lại tiếp tục uy hiếp vào trục đường chính. Trong khi nguồn lực huy động để xây dựng tuyến đê kè bảo vệ trục đường chính khỏi sự xâm hại của nước sông Ngàn Trươi thì lại vượt ra ngoài khả năng của chính quyền địa phương.
X.SƠN