Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi lo thảm họa môi trường

Thứ ba, 16/01/2018 09:28

Sau nhiều ngày gặp nạn và bốc cháy, tàu chở dầu Sanchi của Iran cuối cùng đã phát nổ vào cuối ngày 14-1 và chìm xuống biển.

Việc tàu Sanchi chìm xuống biển đặt ra rất nhiều lo ngại về thảm họa môi trường tại vùng biển này vì chắc chắc nó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho sinh vật biển. Bởi lẽ, trước khi tàu Sanchi chìm xuống biển, tác động từ sự cố tràn dầu trên có thể được hạn chế khi dầu ngưng tụ bốc hơi nhanh hơn các loại dầu khác. Theo các phương tiện truyền thông, trong ngày 15-1, sự cố tràn dầu đã xảy ra, bao phủ lên đến gần 100km2 tại hiện trường.

Tàu chở dầu Sanchi, thuộc Cty tàu chở dầu quốc gia Iran (NITC), vận chuyển 136.000 tấn condensate, một loại dầu thô siêu nhẹ, đã va chạm với tàu chở hàng CF Crystal của Hồng Kông (Trung Quốc) vào ngày 6-1 tại vùng biển cách phía đông cửa sông Dương Tử 160 hải lý. Thủy thủ trên tàu chở hàng đều là người Trung Quốc và được giải cứu an toàn. Trong khi đó, trên tàu chờ dầu, 32 thủy thủ đã mất tích, gồm 30 người Iran và 2 người Bangladesh. Cho đến nay, các lực lượng chức năng chỉ mới tìm thấy 3 thi thể của một thủy thủ trên tàu chở dầu. Hiện vẫn còn 29 nạn nhân chưa được tìm thấy nhưng được cho là đã thiệt mạng.

Sau nhiều ngày liên tiếp bốc cháy, tàu Sanchi trôi dạt vào vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản trước khi bốc cháy và chìm. Những bức ảnh nổi bật cho thấy, cột khói đen khổng lồ. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, thùng nhiên liệu của Sanchi có thể chứa được khoảng 1.000 tấn dầu. Vì vậy, thậm chí nếu chỉ có 20% lượng dầu bị tràn ra biển, nó vẫn là một khoảng tương đương với sự cố tràn dầu Exxon Valdez năm 1989 ở Alaska, Mỹ. Và nếu tất cả số dầu này tràn ra biển, đây sẽ là vụ tràn dầu lớn nhất ở khu vực trong nhiều thập kỷ và có thể giết chết sinh vật biển trên diện rộng.

May mắn là dầu thô nhẹ trên tàu Sanchi sẽ “ít tác động lên đại dương” hơn các loại dầu khác, và tác động “tối thiểu” lên con người. Tuy nhiên, tàu chìm ngay trước khi có dầu bị đốt cháy hết thật sự tạo  ra “tình huống tồi tệ nhất”. Bởi vì không giống như dầu thô, condensate không tạo ra bề mặt dầu trên biển nhưng gây ra khí độc hydrocacbon dưới mặt biển. Điều này sẽ gây nguy hại rất lớn cho các sinh vật dưới biển.

THANH VĂN