Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi lo trẻ em vi phạm pháp luật

Thứ bảy, 24/09/2016 11:05

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, sự xuất hiện của trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật tại cơ quan CA các xã trên địa bàn nông thôn Hòa Vang (Đà Nẵng) không còn làm chúng tôi ngạc nhiên nữa, bởi việc hư hỏng, phạm pháp lâu nay của lứa tuổi này đã trở thành vấn nạn của xã hội. Mặc dù biết rõ là như vậy nhưng khi tìm hiểu, chúng tôi vẫn đau đáu một nỗi lo...

Sáng 17-9, khi bị CAX Hòa Phong (H. Hòa Vang) làm rõ hành vi trộm cắp tài sản, Nguyễn Anh D. (2002, trú địa phương) khai nhận, từ tháng 4 đến nay, bản thân đã thực hiện 10 vụ trộm tài sản của bà con trong thôn. Thậm chí D. còn qua xã giáp ranh Hòa Nhơn “dụ dỗ” 2 em nhỏ ra chỗ vắng lột dây chuyền bạc. Trước đó, Nguyễn Như H., Trần Thanh K. (2002, cùng trú xã Hòa Phong) cũng bị CAX làm rõ hành vi trộm xe đạp của nhiều người dân dựng xung quanh các chợ Túy Loan, Cầu Giăng, sau đó đem bán cho các đề-pô phế liệu từ 70-100 ngàn đồng/xe. Hay như trường hợp Lê P. (2005, trú xã Hòa Phong), lợi dụng lúc nhà hàng xóm vắng người, P. đột nhập tìm chìa khóa mở tủ lấy ví tiền hơn 1,4 triệu đồng… Phần lớn, các em cố tình trộm cắp là chỉ để thỏa “cơn nghiện” game online, ăn quà vặt của mình. Khi thành tích của các em trên bảng xếp hạng các trò chơi tăng cao thì cũng là lúc kiến thức học tập ở nhà trường lại bắt đầu sút giảm nên việc bỏ học, nhiễm thói hư tật xấu là điều khó tránh khỏi.

CAX Hòa Phong làm việc với các trộm nhí.

Mới đây, 3 giờ ngày 19-7, Trạm CSGT Cửa ô Hòa Phước CATP phát hiện, chuyển giao CAX Hòa Phước (H. Hòa Vang) xử lý 9 hành khách có biểu hiện phê ma túy cùng với 3 gói cỏ Mỹ; trong đó, có đến 7 em ở độ tuổi 15-16, gồm Nguyễn Quang M., Nguyễn Văn H., Phạm Minh T., Lương Công B., Võ Hoàng H., Trần Huỳnh Đ., Lương Công S. (cùng trú H. Duy Xuyên, Quảng Nam). Các em khai nhận, sau đêm đến vũ trường P.Đ. (Đà Nẵng) chơi thuốc lắc, thấy chưa đã nên thuê xe khách chở ra Suối Voi (TT-Huế) chơi tiếp, vừa lên xe là bóc cỏ Mỹ ra “đốt”. Chẳng biết điều kiện gia đình các em như thế nào, nhưng qua kiểm tra, đa phần các em đều trang bị cho mình những loại ĐT đắt tiền…

Trước đó, CAX Hòa Phước cũng đã mời gia đình các em Ngô Thị M., Đồng Viết H., Ngô Văn T., Trịnh Quốc V. (cùng trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) đến cam kết, bảo lãnh không cho các em bỏ nhà đi “bụi”, sống theo kiểu bầy đàn…

Chứng kiến cảnh các em làm việc với cơ quan chức năng, chúng tôi chỉ thấy những đôi mắt ngơ ngác, chẳng biết quanh co trốn tránh các hành vi sai phạm của mình. Nhìn khuôn mặt người thân các em căng thẳng nhắc nhở con nhớ lại sự việc để tường trình cho cơ quan điều tra, chúng tôi biết họ đau xót lắm! Nhưng rõ ràng hành vi sai phạm của con em họ đều xuất phát từ việc gia đình lơi lỏng quản lý, thiếu quan tâm giáo dục mà ra. Nhiều em đã khóc khi nghe chúng tôi hỏi chuyện gia đình, có em cha thì nát rượu, chẳng bao giờ quan tâm đến việc học hành của con; em thì cha mẹ xa nhau, đùn đẩy con cái cho ông bà nuôi dưỡng. Mỗi em một hoàn cảnh nhưng cái chung nhất vẫn là thiếu bàn tay chăm sóc của người lớn. D. cho biết, đến bây giờ em vẫn chưa biết mặt cha, bởi khi em sinh ra cha đã ở tù, sau đó mẹ đi lấy chồng khác, còn em được gia đình bên ngoại đùm bọc, dưỡng nuôi…

Cỏ Mỹ và ĐT đắt tiền của các hành khách nhóc.

Tại sao có tình trạng thiếu niên có hành vi sai lệch và vi phạm pháp luật ngày càng nhiều? Chúng ta cần suy nghĩ các nguyên nhân chủ yếu như sau: công tác phòng, ngừa vi phạm pháp luật chưa được chú trọng. Việc quản lý của các ngành chức năng đối với hoạt động kinh doanh giải trí ở vùng nông thôn còn thiếu chặt chẽ, trở thành nơi tụ tập, sinh hoạt của một số thiếu niên hư hỏng, học sinh trốn học. Thực ra, chuyện đua đòi theo kiểu trẻ con trong lứa tuổi vị thành niên dường như là chuyện không thể tránh. Song, hiện tượng bỏ nhà đi “bụi”, trộm cắp tài sản chắc chắn ảnh hưởng từ phim ảnh, trò chơi không lành mạnh mà ra.

Phó trưởng CAX Hòa Phong Lâm Quang Sơn cho biết: “Làm việc với trẻ phạm pháp, thấy nhiều em có hoàn cảnh thật thương tâm, nhiều bậc phụ huynh không chú ý đến sự phát triển tâm, sinh lý của con cái, hoặc nuông chiều con cái, không nghiêm khắc trong việc dạy bảo mà mải mê công việc, tranh thủ kiếm tiền. Một số trẻ phải sống trong hoàn cảnh mồ côi cha hoặc mẹ, cha mẹ bất hòa dẫn đến sự thiếu hụt về mặt tình cảm, sự phát triển lệch lạc. Hơn nữa, do thiếu sự chỉ bảo, quan tâm của gia đình nên số trẻ này dễ bị kẻ xấu lợi dụng và lôi kéo vào con đường phạm pháp”.

Chúng tôi thiết nghĩ, mọi yếu tố của xã hội đều có ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Vì thế, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội cần sát sao hơn trong mỗi bước đi của con trẻ, để các em bước vào ngưỡng cửa cuộc đời với những gì tốt đẹp nhất. Có như vậy, việc phạm pháp của trẻ vị thành niên mới có cơ may giảm thiểu.

Vy Hậu