Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi niềm bác sĩ bệnh viện lao

Thứ năm, 16/06/2016 09:00

(Cadn.com.vn) - Cái nghề gắn liền với cái nghiệp! Có lẽ vì vậy mà tôi đã gắn bó với nó suốt 30 năm qua", bác sĩ Phùng Đình Thạnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Đà Nẵng chia sẻ. Và có lẽ đó cũng là lý do mà hàng chục y bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện đã không quản ngại khó khăn, nguy cơ nhiễm bệnh suốt 10 năm qua để gắn bó với bệnh viện.

Bệnh lao là bệnh do vi trùng gây ra, lây qua không khí khi người bị lao phổi chưa chữa trị, ho hoặc hắt hơi. Vì thế, tâm lý e dè khi tiếp xúc, thậm chí kỳ thị người mắc bệnh lao của cộng đồng làm tăng sự mặc cảm trong bệnh nhân, luôn là điều khiến nhiều bác sĩ điều trị lao trăn trở. Thâm niên trong nghề, bác sĩ Thạnh từng chứng kiến nhiều trường hợp người nhà đã bỏ hẳn người thân mắc bệnh lao trong bệnh viện, mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều phải nhờ nhân viên bệnh viện. Thậm chí, do đến điều trị trễ nên bệnh nhân đã tử vong, việc an táng cũng do nhân viên bệnh viện làm. Đối với bác sĩ Thạnh, những câu chuyện đó đã xảy ra rất lâu nhưng trở thành nỗi ám ảnh, day dứt trong cuộc đời hành nghề y của ông. Vì vậy, điều mong mỏi lớn nhất của vị bác sĩ là nâng cao kiến thức của cộng đồng về bệnh lao, để họ cảm thông, không xa lánh, hắt hủi người bệnh. Được vậy thì công tác phát hiện, chữa trị bệnh cũng sẽ có thêm nhiều thuận lợi.

Bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Đà Nẵng phân phát các suất ăn miễn phí cho bệnh nhân.

Cũng xuất phát từ lý do này, tháng 4-2015, sau khi vận động được sự hỗ trợ từ một số nhà hảo tâm, bác sĩ Thạnh cùng đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Đà Nẵng đã xây dựng Bếp ăn tình thương, phục vụ mỗi tuần trung bình 2 bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân. Hoạt động này ít nhiều đã chia sẻ khó khăn với người bệnh. Ngoài thăm khám, điều trị, đội ngũ y bác sĩ còn là những người thay phiên nhau nấu cháo, phân phát đến từng bệnh nhân. Anh Nguyễn Tất Thanh - bệnh nhân điều trị hơn nửa năm nay, bày tỏ: "Các bác sĩ, y tá nơi đây chăm lo cho chúng tôi rất tận tình, chu đáo".

Hiện nay, mặc dù các thông tin, kiến thức về bệnh lao đã phủ sóng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, song định kiến về bệnh lao vẫn còn, không chỉ ở bệnh nhân mà ngay cả đối với các bác sĩ tham gia điều trị. Bác sĩ Ung Như Thưởng (Khoa khám bệnh) từng bị gia đình phản đối khi được chuyển về công tác tại đây. Song bằng quyết tâm của một bác sĩ trẻ yêu nghề, anh đã thuyết phục được gia đình ủng hộ công việc của mình.

Bên cạnh những bác sĩ được điều về công tác tại bệnh viện, vẫn có những bác sĩ trẻ tình nguyện về gắn bó. Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương (Khoa khám bệnh) là một cá nhân điển hình như vậy. Áp lực từ phía gia đình và công việc đã không làm nản lòng cô bác sĩ trẻ, bởi đối với cô được nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân khi khỏe mạnh xuất viện là niềm hạnh phúc lớn lao mà cô theo đuổi.

Khoác trên mình chiếc blouse trắng, với đôi mắt dõi theo những biểu hiện của bệnh nhân, đôi tai nghe thấu những bộc bạch của người bệnh, để trụ lại với nghề, những y bác sĩ của bệnh viện còn phải vượt qua rất nhiều rào cản từ phía gia đình và xã hội. Đôi lúc, tưởng chừng như không thể tiếp tục được công việc, nhưng dần dần mỗi người cũng đã tạo được cho mình một "hậu phương" vững chắc, bằng chính hiệu quả công việc và tình thương yêu bệnh nhân. Tuy nhiên, trăn trở của các bác sĩ chống lao là cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế còn nhiều thiếu thốn, trong khi tình hình bệnh lao còn nhiều diễn biến phức tạp. Bệnh viện mong sao được các cấp quan tâm đầu tư để các y, bác sĩ có điều kiện làm tốt công việc cứu chữa người bệnh.

Bình Phạm