Nỗi niềm của nữ thủ khoa huyện Núi Thành
Bước vào ngôi nhà cấp 4 nhỏ đơn sơ nằm trong con hẻm sau chợ Trạm (thôn Vân Thạch, xã Tam Hiệp), đập vào mắt tôi là tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhất của ông Trần Thi và Huân chương kháng chiến hạng Nhì của bà Hoàng Thị Mùi treo trên tường cũ kỹ. Qua trò chuyện cùng chị Trần Thị Minh Châu (55 tuổi) - mẹ em Ngọc Bích, tôi được biết, những tấm Huân chương đó là của ông bà ngoại Ngọc Bích. Ngôi nhà hai mẹ con đang ở là của ông bà ngoại để lại cho.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với mẹ em Ngọc Bích là gương mặt lam lũ, khắc khổ, ít nói. Trong ánh nắng xế chiều, chị Minh Châu hồi nhớ những chuyện đã qua về phận đời kém may mắn của mình: Cha chị là ông Trần Thi, người xã Tam Hiệp. 15 tuổi tham gia hoạt động cách mạng rồi đi bộ đội. Trong một lần bị thương, ông được đưa ra Bắc điều trị. Tại đây, ông gặp người con gái quê ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) rồi kết duyên, lập nghiệp ở Nông trường Chè Phú Thọ, sinh được bốn người con: 3 gái, 1 trai út. Năm 1990, sau khi 2 con gái đầu đã yên bề gia thất tại Phú Thọ, ông bà dắt 2 con sau là chị Minh Châu và con trai út về quê nhà Tam Hiệp sinh sống.
Về quê cha, chị Minh Châu gặp và nên nghĩa vợ chồng với người thanh niên đi bộ đội vừa xuất ngũ từ Campuchia trở về. Cứ nghĩ sẽ ở bên nhau suốt đời, nào ngờ vừa mới sinh bé Ngọc Bích được 3 tháng tuổi thì anh đổ bệnh giảm trí nhớ, bỏ nhà, bỏ hai mẹ con đi lang thang. Từ đó, chị Minh Châu trở thành mẹ đơn thân. Thời gian đầu, hai mẹ con nương dựa vào ông bà ngoại. Nhưng rồi đến ngày, ông bà cũng về với cõi “mây trắng”, cuộc sống hai mẹ con bắt đầu với chuỗi ngày vất vả. Thấy hoàn cảnh em gái quá khó khăn nên khi bé Bích được 3 tuổi, dì thứ hai từ Phú Thọ vào dẫn cháu ra Bắc nuôi ăn học cho đến hết lớp 3. Năm lên lớp 4, bé Bích về lại với mẹ và học tại trường tiểu học Lê Quý Đôn (Tam Hiệp). “Không có nghề nghiệp chuyên môn nên tôi ra chợ làm thuê cho người ta đủ thứ công việc, từ phụ xếp hàng hóa đến rửa chén, bát. Đến năm 2020, thì xin được vào làm lao công tạp vụ, phụ giúp nhà bếp, rửa chén, bát cho trường Mẫu giáo Tư thục Hoa Sữa, gần nhà với mức lương hiện nay 4,5 triệu đồng/1 tháng. Trước đây, cậu út của bé Ngọc Bích (nhà sát bên) phụ xe đường dài thỉnh thoảng cũng phụ giúp ít nhiều cho cháu ăn học. Nhưng cách đây một tuần, chuyến xe giường nằm của cậu út lên đến Đà Lạt trả khách xong thì ra bến nằm ngủ. Đến sáng ra thì mọi người phát hiện cậu út đã… qua đời. Hôm nay là ngày làm tuần 7 ngày cho cậu cháu”- chị Châu nghẹn lời không nói thêm được nữa. Còn tôi thì lặng đi…
Biết em sắp sửa lên đường ra Đà Nẵng học tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng, tôi hỏi thăm em đã chuẩn bị được gì cho hành trang ra phố, bắt đầu đời sống sinh viên xa nhà. Ngọc Bích nhẹ cười, nói: “Dạ! Hành trang em đâu có chi nhiều mà chuẩn bị ạ. Quần áo, dụng cụ cá nhân em cho vào va-ly cùng chiếc laptap nữa là xong rồi ạ”. Nghe con nhắc đến máy tính, chị Châu xúc động cho biết: “Cái laptop là quà mừng cháu. Tôi mượn tiền của các cô giáo ở trường Mẫu giáo Tư thục Hoa Sữa, rồi trả góp mỗi tháng một triệu đồng”. Suốt buổi trò chuyện, nữ thủ khoa lặng lẽ nép mình bên mẹ, khuôn mặt hiền khô, phảng phất nét buồn buồn của người nội tâm, đa cảm. Hai mẹ con không một lời than vãn về hoàn cảnh gia đình. Duy chỉ hai người dì từ Bắc vào dự đám tuần 7 ngày cho cậu út, ngại ngùng góp tiếng: “Cháu vào đại học cả nhà đều mừng vui. Bước đầu lo cho bé ra thành nhập học: tiền ăn, tiền thuê nhà, học phí…, các dì cũng có thể gom góp giúp thêm cho cháu. Nhưng thú thiệt là dì cháu ấy hiện đang có cái khó... Chừ cháu ra Đà Nẵng học mà chưa có chiếc xe đi học…”. Trước đây, nhà hai mẹ con sát bên trường THPT Nguyễn Huệ nên không nghĩ đến chuyện xe cộ...
Giữa cái nắng quá chiều đâm xuyên vào cửa ran rát cả người, nhấp ngụm trà Phú Thọ của hai dì mới mang vào, tôi nghe đủ vị của đất trời và phận người của gia đình em Ngọc Bích. Nhìn hai tấm Huân chương kháng chiến, rồi nhìn cô nữ thủ khoa bé nhỏ với gương mặt u buồn, tôi chợt nghe lòng mình đắng đót. Mơ nghĩ về các nhà hảo tâm giúp cho em một chiếc xe đạp điện để sáng chiều em đến giảng đường học tập. Và niềm tin ấy cứ mải miết trong tôi.
Lê Văn Huân