Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi niềm giáo viên vùng cao

Thứ tư, 23/02/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - ...Nhớ về thời gian khó đã qua, cô Thịnh rơm rớm: “Hồi mới sinh con đầu lòng, mấy ngày đầu tôi cố ráng sức sáng đi bộ 6 tiếng lên Răng Chuổi dạy học, trưa lại cắm đầu, cắm cổ cuốc bộ về dưới trung tâm xã với con. Đi được 3 ngày thì không thể đi được nữa. Đành chấp nhận, sáng đi chiều về, con nhỏ để chồng chăm... Giờ mỗi lần nghĩ lại cảnh đó, tôi vẫn không kìm lòng được”.    

“Chuyện chồng con khó nói lắm anh ơi”

Ông Nguyễn Trường Sinh- Trưởng Phòng GD-ĐT H. Nam Trà My (Quảng Nam)- cho biết, giáo viên (GV) nữ ở đây chiếm tỉ lệ cao hơn GV nam rất nhiều. Trong số những người chưa lập gia đình, có đến 80% nữ. Do đó, nguy cơ GV nữ ở độ tuổi trên 30 bị... ế rất cao. Hầu hết họ là GV mầm non, TH và THCS... Những GV trên 30 tuổi chưa lập gia đình thành lập CLB “những người độc thân” để cùng hàn huyên, tâm sự vui buồn. Ngành GD-ĐT huyện cùng Công đoàn ngành cũng đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt, giao lưu, kết bạn. Về phía các trường học, Hiệu trưởng linh động bố trí các thầy cô chưa lập gia đình dạy ở các điểm lẻ gần nhau hoặc cùng dạy một điểm lẻ để giúp họ có điều kiện tìm hiểu nhau... Tuy nhiên, kết quả vẫn không được cải thiện mấy bởi lẽ chuyện tình cảm cũng khó, hơn nữa, nói thật ra, đâu đủ số lượng nam-nữ để làm quen, kết bạn đời.

Được biết, trước khi chưa chia tách huyện, nhiều GV muốn lập gia đình phải xin thuyên chuyển công tác hoặc về quê lập gia đình và chấp nhận cảnh “Ngưu Lang, Chức Nữ”; hoặc lấy chồng là dân địa phương, hay dân tứ xứ lên đây buôn bán, lập nghiệp. Cô Trần Thị Thịnh (1969)- GV Trường TH Trà Tập-bộc bạch: “GV nữ công tác tại vùng cao chịu nhiều thiệt thòi lắm, trong đó có cả vấn đề lập gia đình. Đường sá đi lại khó khăn nên việc giao lưu, tiếp xúc, gặp gỡ và làm quen kết bạn rất khó. Lại thêm, GV ở các cấp bậc học từ mầm non đến THCS phần lớn đều là GV nữ nên lại càng khó có cơ hội tiếp xúc, làm quen để tính đến việc hôn nhân...”.

Cũng theo cô Thịnh, sau khi chia tách huyện, GV nữ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc giao lưu, kết bạn, bởi lượng nam cán bộ, công nhân viên, công nhân, kỹ sư lên đây công tác nhiều hơn. Thịnh lên công tác tại Nam Trà My từ những năm 1983 khi còn thuộc H. Trà My (cũ), nhưng mãi đến năm 1995 mới lập gia đình. Chồng cô từ đồng bằng lên đây kinh doanh buôn bán. Khi yêu và lấy cô, anh đã chọn xã Trà Tập làm nơi lập nghiệp. Nhớ về thời gian khó đã trải qua, mắt cô Thịnh rơm rớm: “Hồi mới sinh con đầu lòng, mấy ngày đầu tôi cố ráng sức sáng đi bộ 6 tiếng lên Răng Chuổi dạy học, trưa lại cắm đầu, cắm cổ cuốc bộ về dưới trung tâm xã với con. Đi được 3 ngày thì không thể đi được nữa. Đành chấp nhận, sáng đi chiều về, con nhỏ để chồng chăm. Nhiều lúc con khóc vì  khát sữa mẹ, dỗ mãi không nín, anh bồng con sang điểm trường chính ở xã để... “bắt đền” nhưng đi được nửa đường lại quay về. Giờ mỗi lần nghĩ lại cảnh đó, tôi vẫn không kìm lòng được”...Thầy Nguyễn Văn Hội (1964) quê Thăng Bình (Quảng Nam)- Phó Hiệu trưởng Trường TH Trà Tập- là một trong số rất nhiều GV đang sống trong cảnh “Ngưu Lang, Chức Nữ”. Vợ con hiện ở quê, mỗi tháng thầy về thăm nhà một lần. Mùa mưa, có khi phải hơn một tháng mới về. Thầy Nguyễn Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trà My- cho biết, trong số 50% GV và cán bộ QLGD, nhân viên của trường đã lập gia đình, có 50% trong số đó hiện đang sống cảnh vợ chồng mỗi người một nơi. Hiện tại, trường có 7 GV nữ  trên 30 tuổi chưa lập gia đình.

 Đường đến trường của các em HS Trường THCS bán trú cụm xã Trà Nam )H. Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: B.T

Chưa an cư... khó lạc nghiệp

Song song với vấn đề lập gia đình, một trong những vấn đề đang là nỗi lo của các thầy cô giáo ở Nam Trà My đó là nhà ở. Sau gần 8 năm chia tách, thành lập huyện, số GV có nhà riêng hoặc ở nhà công vụ ở đây không nhiều. Mang tiếng là nhà công vụ, nhưng kỳ thực đó chỉ là khu tập thể với vài phòng, mỗi phòng “nhét” từ 4-5 hoặc 8-9 người. Nhiều GV tuy chưa lập gia đình, không quen được cảnh sống chật chội, gò bó ở tập thể đành chấp nhận ra ngoài dân thuê phòng trọ với giá từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng/tháng, vì thế cũng chẳng tiết kiệm, dành dụm gì được bao nhiêu. GV và CBQLGD ở trung tâm huyện, trung tâm xã, GV ở các điểm trường lẻ tại các thôn, nóc còn khó khăn, vất vả hơn nhiều. Ở các điểm trường lẻ, GV phải dựng chái nhà tạm phía sau lớp học để ở, chịu cảnh mùa nắng thì nóng ran, mùa mưa bão phải làm đi làm lại vì gió thổi đổ sập. Không ít GV trẻ sau một thời gian lên cắm chốt tại các bản làng xa xôi đã nản chí, tìm cách xin chuyển công tác về tuyến dưới trước thời hạn.

Hầu hết các GV trẻ tôi có dịp tiếp xúc đều không muốn gắn bó lâu dài với nghề ở đây bởi cuộc sống, sinh hoạt còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước đây, theo quy định của ngành, GV nữ sau 3 năm công tác miền núi sẽ được thuyên chuyển về đồng bằng, nam là 5 năm. Hiện tại, quy định này được tăng lên đối với GV miền núi là 5 năm với nữ, 7 năm với nam. Với quãng thời gian như thế, theo ông Nguyễn Trường Sinh, khi GV trẻ đủ trưởng thành và có kinh nghiệm thì đã chuyển về tuyến dưới. Vì lẽ đó chất lượng giáo dục vùng cao này khó được nâng lên. Nói như thầy Nguyễn Anh Tuấn-Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trà My- rằng, muốn giữ chân các thầy cô giáo, cần có chính sách thu hút, ưu đãi đối với GV vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là về chỗ ăn, chỗ ở. Bởi “có an cư” mới “lạc nghiệp”.

P.Thủy