Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi niềm ngư phủ!

Thứ ba, 25/03/2014 10:05

(Cadn.com.vn) - Bức xúc vì tiền thì đã đưa cho mượn trước, chế độ ưu đãi cũng nhiều, nhưng lao động vẫn bỏ sang đi bạn cho tàu khác, đòi nợ thì họ không trả, cho nên nhiều chủ tàu ở Phổ Thạnh (H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã gửi đơn lên chính quyền địa phương nhờ can thiệp.

Khi "bạn"... lật kèo!

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Lưu (50 tuổi), chủ tàu ở thôn Thạch By, bức xúc kể: "Sau một thời gian đi bạn, ngư dân Phan Thanh Hiếu (sinh 1998), ở cùng xã đã nhiều lần ứng mượn trước khoảng 60 triệu đồng tiền công của vợ chồng tôi để tiêu xài và mua xe gắn máy. Trong khi chưa trả hết nợ, thì vụ đánh bắt năm 2013, ngư dân Hiếu bất ngờ bỏ sang đi bạn cho một tàu khác". Vào dịp Tết vừa rồi, khi thấy ông Lưu đến nhà làm dữ nên Hiếu mới đem 8 triệu đồng đến trả bớt số nợ cũ, số nợ còn thiếu khoảng 30 triệu đồng. Mặc dù Hiếu hứa sẽ mang xe máy đến cầm cố, đến khi nào hết nợ sẽ lấy về, tuy nhiên sau đó, Hiếu lẳng lặng rời quê để đi biển.

Tức giận vì sự chây lì, ông Lưu buộc phải gửi đơn đến UBND xã và CAH Đức Phổ nhờ can thiệp. Và đây cũng là trường hợp đầu tiên ở xã Phổ Thạnh mà chủ tàu có đơn gửi cấp thẩm quyền kiện ngư dân vì mượn tiền mà không đi bạn để trả nợ. Sau ông Lưu, 4 chủ tàu khác ở cùng xã cũng có gửi đơn đến cấp thẩm quyền với nội dung tương tự.

Xung quanh câu chuyện này, nhiều chủ tàu bày tỏ: Việc bị "bạn" mượn tiền, nhưng lại đi cho tàu khác; hay khi được chủ tàu này cho mượn 5 đến 7 triệu đồng, nhưng sau đó được chủ tàu khác đồng ý cho mượn nhiều hơn, thì họ đem trả lại cho chủ tàu trước kèm theo lời từ chối khéo không đi... Chuyện này ở đây hầu như ai cũng từng gặp qua. Số tiền cho "bạn" mượn cũng không phải là ít, "bét" nhất cũng phải 100 triệu đồng, còn những người có nhiều phương tiện, thì số tiền cho mượn lên đến 400 đến 600 triệu đồng/tàu.

Điển hình như trường hợp của bà Mai Thị Kinh, chủ 4 chiếc tàu hành nghề giã cào ở thôn Thạch By. Hiện số tiền mà lao động ứng, mượn trước của bà ước trên 500 triệu đồng; chủ tàu Phan Hải cho mượn trên 300 triệu đồng... Ngặt nỗi vì khi cho ứng mượn, chủ tàu đưa tiền rồi tự ghi vào sổ của mình nên rất khó đòi. Hơn nữa, số "bạn" mượn tiền là người cùng làng xóm; rồi lo chuyện ghe tàu, ra khơi bận tối mắt... Ngoài ra, họ có tâm lý ngại đưa nhau ra chính quyền... nên các chủ tàu thường khoanh nợ để khi nào họ quay trở lại thì trừ dần.

Mặt khác, dù có đến đòi thì "con nợ" cũng lựa lời thoái thác, hứa để mai mốt làm có tiền sẽ đến trả. Thế nên, không ít chủ tàu đành phải buông xuôi, xem như số tiền này đã mất. Chủ tàu Phan Thanh Hiếu, ở thôn Thạch By than thở: Trong 2 năm qua, số tiền tôi đã cho bạn mượn và bị nợ mà không biết bao giờ mới đòi lại được ước trên 100 triệu đồng.



Chủ tàu Nguyễn Lưu và  "bằng chứng" mà ngư dân Hiếu đã viết nhận ứng, mượn tiền.

Nỗi niềm chủ - "bạn"

Theo các chủ tàu thì, đại đa số "bạn" đã mượn, ứng tiền đều hoàn trả đủ, tuy thời gian hoàn trả hơi lâu. Chỉ có một bộ phận lợi dụng sự ưu ái này để lấy tiền tiêu xài, rồi chây ì. Ngư dân Bùi Hải (31 tuổi), ở thôn Thạch By tâm sự: Không riêng gì ngư dân Phổ Thạnh mà các nơi khác ở Quảng Ngãi và vùng lân cận cũng lâm vào cảnh phải nợ, ứng tiền trước như vậy, bởi phần lớn kinh tế gia đình của họ chủ yếu dựa vào tiền công đi biển của chồng, con.

Theo lẽ thường thì chỉ sau khi khai thác xong, đem vào bờ bán, ngư dân mới được chia phần lợi nhuận. Cho nên việc chủ tàu cho mượn, ứng trước đã gỡ khó cho ngư dân rất nhiều. Vì lẽ đó nên đa số anh em đi "bạn" luôn có ý thức trả số nợ của mình, tùy vào thành quả lao động nên việc trả chậm là bất khả kháng. Riêng chuyện ngư dân bỏ tàu này sang đi tàu khác cũng là "bất đắc dĩ". Thử hỏi "cơm áo, gạo tiền" hàng ngày của gia đình đều chờ tiền công đi biển. Nhưng 2-3 phiên ra khơi, với mỗi phiên 15 đến 30 ngày mà chủ tàu bị lỗ vốn, nên "bạn" không được chia đồng nào thì lấy gì gửi về cho vợ con sinh sống.

Phần vì tìm lao động ở địa phương quá khó, quá khổ vì gặp "bạn" theo kiểu kể trên, nên hiện nhiều chủ tàu ở Phổ Thạnh đang đánh bắt vùng biển phía nam buộc phải thuê lao động theo kiểu từng chuyến. Theo đó khi cần, hay thiếu bao nhiêu "bạn" thì chủ tàu gọi điện cho "cò" để yêu cầu tìm, với thù lao là 3 đến 5 trăm ngàn đồng/người. Còn tiền công trả cho lao động từ 7 đến 9 triệu đồng/người/chuyến. Và số tiền này chủ tàu phải trả cho lao động trước khi tàu rời bến.

Phải thừa nhận một điều rằng, khó khăn là thế, nhưng vượt lên tất cả, nghề khai thác hải sản của Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung không ngừng phát triển và tăng lên. Việc khan hiếm lao động đi biển sẽ dần được cải thiện khi mà các cấp, các ngành và chính quyền địa phương có những ưu đãi như tăng cường công tác cứu nạn cứu hộ, hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị hiện đại để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, cũng cần xét đến việc mua bảo hiểm cho ngư dân bởi hiện nay, đa phần các chủ tàu đều không ký hợp đồng lao động hay có bất cứ giấy tờ ràng buộc nào với người đi biển... Nếu làm được điều này, chắc chắn khi đó ngư dân sẽ vững tin bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Doãn Nguyên Hưng