Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi niềm người đồng tính (Kỳ cuối: Khát khao được là chính mình)

Thứ sáu, 02/03/2018 19:00

Đồng tính nói chung, hay pê-đê, “gay” đều là những con người bình thường. Chúng tôi biết rằng, xã hội giờ đây tuy đã có cái nhìn thoáng hơn về người đồng tính, nhưng thực tế vẫn còn nhiều rào cản trên chặng đường họ hòa nhập cộng đồng. Những người đồng tính vẫn đang đấu tranh tìm bình đẳng để được xã hội thừa nhận.

T. và V. luôn khao khát được là chính mình.

Chính từ những nỗi lòng chẳng biết chia sẻ cùng ai, nhiều người đồng tính đã tìm đến với các hội, nhóm để được tâm sự, sẻ chia. Như T. tham gia hội Men love men Hà Nội, Love boy Hà Nội. D. tham gia hội cộng đồng những người đồng tính (LGBT) ở Đông Hà, Quảng Trị. Hiện tại, D. đang làm việc ở Nhật Bản và cũng đang tham gia hội LGBT ở Nhật. Ngày lại ngày, D. và nhóm bạn cùng cảnh thường đi chơi, chuyện trò với nhau. D. bảo, mỗi khi có chuyện buồn em lại tìm đến những người bạn thân thiết của mình để được nhận các lời khuyên. D còn chia sẻ: Gác lại những buồn tủi, muộn phiền, em luôn tham gia các hoạt động thiện nguyện: Thành lập nhóm bán cơm giá rẻ phục vụ người lao động nghèo, hay quyên góp áo ấm về quê tặng người dân vùng khó khăn.

Chúng tôi biết, nhiều người đã rất tự tin trong công việc, cuộc sống, nhưng cũng không ít người còn đó tâm lý hoảng sợ, buồn tủi, dày vò tinh thần, bởi khát khao được sống là chính mình chưa được nhiều người thừa nhận. Như H. (quê Quảng Ngãi, đang học tập tại Đà Nẵng), dù em chưa công khai giới tính thật của mình, nhưng vẫn quyết định sẽ công khai khi có công việc ổn định. H. luôn đau đáu không biết phận mình rồi sẽ đi về đâu, đâu là thế giới dành cho mình khi xã hội vẫn chưa thực sự cởi mở. H. vẫn luôn khát khao được sống là chính mình, yêu và được yêu bởi đơn giản em biết mình cần gì, và chẳng có ai sống thay cho mình được. Hay em Th. hiện đang cảm thấy vui, thoải mái vì được sống là chính mình khi đã chuyển giới dù gia đình vẫn chưa ủng hộ em hoàn toàn.

Chúng tôi gặp V., được nghe câu chuyện của em từ nhỏ không thích làm con trai, và em đã để lại sau lưng những ánh mắt kỳ thị, xa lánh của mọi người. Nhưng V. cương quyết sống thật với giới tính của bản thân. “Em thật sự rất mong những người như em sẽ được xã hội đồng cảm, thấu hiểu và chấp nhận. Một khát khao nữa đó là luật pháp Việt Nam sẽ công nhận hôn nhân đồng giới. Và em không cần ánh nhìn của lòng thương xót, tội nghiệp, mà chỉ mong họ chấp nhận chúng em như một lẽ tự nhiên. Đơn giản vậy thôi” - V. trải lòng.

Nhiều người đồng tính chúng tôi từng gặp cũng có chung mong ước, rằng hãy cho họ được làm người như bao người khác, bởi cuộc sống này đã quá khắc nghiệt với họ rồi. Có lần, em L. và nhóm bạn cùng cảnh đã viết trên trang facebook của mình, rằng: “Gia đình, ba mẹ à! Xã hội ơi, nếu mọi người muốn chúng con sống hạnh phúc thì xin hãy tôn trọng giới tính của chúng con, và cho chúng con sống đúng với chính mình. Chúng con vẫn đang học tập, làm việc để theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình như bao người khác. Dù là nam, nữ hay giới tính thứ 3 thì chúng con máu đều đỏ và nước mắt đều mặn”.

Chính sự kỳ thị, thiếu sự quan tâm của gia đình và xã hội, cũng đã dẫn đến những chuyện buồn. Theo số liệu của Khoa Giám sát - Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Đà Nẵng, trong năm 2017, số ca nhiễm HIV mới được phát hiện cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 15 trường hợp (tăng 9,5%). Trong đó, nhóm đối tượng nhiễm HIV được phát hiện mới chủ yếu tập trung trong nhóm bệnh nhân nghi AIDS và MSM (nam giới quan hệ tình dục với nam giới). Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM tính riêng trong năm 2017 đã chiếm đến 50% tổng số ca tích lũy từ trước đến nay, đây là điều đáng báo động.

Anh Phan Thanh Hoàn - Khoa Truyền thông và Can thiệp - Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho hay, hệ lụy này có rất nhiều nguyên nhân. Như việc song tính nam nhưng vì nghề nghiệp, hoàn cảnh, họ quan hệ tình dục với cả nam và nữ, điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Rồi sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội cũng góp phần tạo điều kiện cho người đồng tính gặp gỡ, làm quen. Người đồng tính có lối sống, suy nghĩ thoáng, đặc biệt là trong vấn đề quan hệ tình dục, bởi nó không để lại hậu quả như tình dục khác giới, dẫn đến việc quan hệ tình dục bừa bãi. “Tôi từng tham gia một group đồng tính trên mạng xã hội, chỉ cần một người đồng tính đăng trạng thái buồn, cô đơn thì rất nhiều người đồng giới khác vào bình luận rủ nhậu nhẹt cho nên việc tình một đêm rất dễ xảy ra. Quan hệ đồng tính nam nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao” - anh cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay không chỉ có sự can thiệp của cơ quan chức năng nhằm phát hiện, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV mà bản thân những đồng đẳng viên của các nhóm trực thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cũng có những đóng góp đáng kể. Như nhóm MSM, người đồng tính thường xuyên tiếp cận để được tư vấn. Thành lập năm 2006, ban đầu thuộc dự án nước ngoài, nhưng năm 2012-2013 chuyển về trực thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS. Hiện MSM có 5 thành viên, họ có những hoạt động nhằm tiếp cận cộng đồng người đồng tính, từ đó tuyên truyền các bệnh về tình dục, cách quan hệ tình dục an toàn, phát bao cao su, truyền thông xét nghiệm máu để kiểm tra HIV, đồng thời tổ chức các buổi offline để chia sẻ kinh nghiệm sống, cách hành xử, thuyết phục gia đình. Cách tiếp cận chủ yếu là qua các ứng dụng Jack’d, Blued và mạng xã hội facebook vì đa số những người tìm đến với sự tư vấn của nhóm là những người đang che giấu giới tính thật của mình, vì vậy họ thường dùng facebook ảo để bảo mật thông tin cá nhân. Trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, MSM đã tiếp cận được gần 650 lượt. Trong quá trình hoạt động, nhóm cũng gặp một số khó khăn, như: Chỉ có nguồn quỹ hỗ trợ duy nhất là Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; nhiều trường hợp khó tiếp cận do nam giới không phải là MSM; những người trên độ tuổi 30, họ có gia đình nên không muốn tiết lộ thông tin cá nhân… Hay các em học sinh vì sợ gia đình, bạn bè, xã hội biết nên rất khó tiếp cận, trong khi đó nhóm tuổi 15-24 là một trong hai nhóm tuổi chiếm đa số trong các ca nhiễm HIV (24,5%).

Để có thể hoạt động hiệu quả, mở rộng việc tiếp cận, nhóm MSM thường tổ chức làm các bài khảo sát trên mạng, tổ chức nghiên cứu “Quá trình triển khai và kết quả ước tính quần thể MSM tại Đà Nẵng”. Ngoài ra nhóm còn offline trao đổi với cộng đồng LGBT. Phan Đình Thảo (1994, Quảng Nam) - thành viên nhóm MSM kể: Từng tiếp cận với nhiều người, nhưng Thảo nhớ nhất là trường hợp một bạn bằng tuổi dùng facebook ảo nhắn tin tâm sự. Sau khi tư vấn thì bạn chịu đi làm xét nghiệm và kết quả dương tính với HIV. Bạn đã gào khóc và đòi tự tử. Thảo phải mất nhiều thời gian trấn an bạn mới bình tĩnh trở lại và chịu điều trị. Hiện giờ bạn ấy đang điều trị rất tốt. Từng được chia sẻ là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của một số người, Thảo lấy đó làm động lực vượt qua mọi áp lực, khó khăn để cống hiến hết mình.

Cũng như Thảo, Vương Quốc Bắc (Quảng Trị) đã là thành viên MSM gần 5 năm, chia sẻ: “MSM luôn sẵn sàng, hết mình giúp các bạn vượt qua mọi rào cản nhưng các bạn có vững tin và đi tiếp hay không là ở chính các bạn. Bắc mong rằng các cơ quan địa phương sẽ có nhiều sự quan tâm hơn nữa như MSM đang làm. Và cũng mong MSM sẽ được nhiều tổ chức hỗ trợ để có thể tổ chức những buổi truyền thông quy mô, không chỉ dành cho những người đồng tính mà còn cho tất cả mọi người để họ có cái nhìn đúng, công bằng với những người đồng tính, xua đi mọi rào cản, kỳ thị”.

Vâng, chúng tôi, những người thực hiện bài viết này mong rằng, những rào cản với người đồng tính sẽ sớm được phá bỏ, giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng. Bởi đồng tính nói chung, “les” và “gay” đều là những con người bình thường.

Phóng sự: Công Hạnh - Bích Vân