Nỗi niềm vào biên chế của các giáo viên hợp đồng lâu năm ở Nghệ An
Làm đủ nghề để “bám” nghề
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thể dục thể thao Đà Nẵng (thời điểm đó chưa có hệ đại học) năm 2004, thầy Nguyễn Duy Trình (1978), trú Hậu Thành, H.Yên Thành (Nghệ An) xin về Trường Tiểu học Hùng Thành ở huyện nhà công tác đến nay.
Từ 2005-2014, thầy Trình làm Bí thư Đoàn trường, kiêm Ban chấp hành Đoàn xã Hùng Thành. Để sớm được vào biên chế, thầy Trình vừa đi làm vừa học liên thông để hoàn thiện bằng đại học chính quy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. “Thời điểm ra trường năm 2004, mức lương chỉ mới 200 nghìn đồng. Sau quá trình công tác, bản thân tôi được hưởng 85% mức lương bậc 1 và được duy trì cho đến nay, tính ra chỉ được 2,5 triệu đồng/tháng. Tuy mức thu nhập không đảm bảo cho cuộc sống nhưng vì yêu nghề, muốn gắn bó với nghề nên bản thân luôn cố gắng, nỗ lực từng ngày với mong muốn góp một phần công sức của mình trong công tác dạy học của nhà trường. Mặt khác, tôi cũng mong muốn chờ đợi cơ hội được vào biên chế” – thầy Trình chia sẻ. Lương quá thấp lại không có khoản phụ cấp nào nên để đảm bảo được cuộc sống của bản thân và gia đình, trong năm học, thầy Trình tranh thủ các ngày nghỉ cuối tuần để đi làm thêm. “Tôi có bạn làm thợ điện. Thỉnh thoảng thứ 7, chủ nhật, được bạn “chiếu cố” cho đi cùng kiếm thêm đồng ra đồng vào. Ngoài ra, khi các trung tâm cần người dạy bơi tôi đều tham gia hết. Thời gian này, tranh thủ nghỉ hè, tôi đi phụ hồ để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống” – thầy Nguyễn Duy Trình trải lòng. Được biết, do cuộc sống quá chật vật nên từ khi lập gia đình đến nay, vợ chồng thầy cùng hai con vẫn tá túc trong căn nhà nhỏ hẹp của bố mẹ. Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng thầy Trình vẫn rất luôn cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại trường, được đồng nghiệp và Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá cao.
Cùng hoàn cảnh như thầy Trình, cuộc sống gia đình thầy Phan Tất Tuấn (1981), giáo viên Trường Tiểu học Quang Thành (H.Yên Thành) cũng chật vật không kém. Thầy Tuấn cũng đã có bằng đại học về dạy môn Thể dục tại ngôi trường này từ năm 2004. Hiện mức lương của thầy cũng chỉ vỏn vẹn gần 2 triệu đồng/tháng. Vợ là nhân viên ở trạm y tế, mỗi tháng tổng thu nhập của 2 vợ chồng chỉ khoảng 6 triệu đồng. Đến nay, thầy Tuấn cùng vợ con sống chật vật trong căn nhà chung của bố mẹ. Ngoài hưởng “ké” đồng lương thương binh của bố, thầy Tuấn phải làm thêm cả mẫu ruộng thì mới đủ sống. Nếu không yêu nghề giáo, có lẽ, thầy Tuấn đã tìm một ngã rẽ khác.
“Biên chế” - ước mơ xa vời
Để trọn vẹn với nghề giáo, nhiều giáo viên đã nuôi giấc mơ vào biên chế. Bởi chỉ khi vào biên chế, mức lương sẽ tốt hơn, các thầy, các cô sẽ không phải chật vật mưu sinh, có thời gian dồn tâm huyết cho từng bài giảng. Thế nhưng, “biên chế” đang ngày càng trở nên xa vời hơn khi chỉ tiêu ngày càng ít đi.
Bản thân thầy Trình đã trải qua 3 đợt xét tuyển đặc cách vào biên chế nhưng đến nay vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng. “Trong thời gian đang làm Bí thư Chi đoàn trường và Ủy viên Ban chấp hành Đoàn xã Hùng Thành, tôi đã tham gia vào 2 đợt xét tuyển đặc cách dành cho cán bộ Đoàn Đội nhưng không đạt. Mới đây (27- 6), tôi tham gia tuyển đặc cách giáo viên môn Thể dục. Khi đăng ký có 10 người, nhưng sau đó có 2 người bỏ thi chỉ còn lại 8 người tham gia, trong khi chỉ tiêu chỉ lấy 5 người. Trong số các giáo viên tuyển đặc cách lần này, tôi là người cao tuổi nhất, có thâm niên công tác nhiều nhất, gia đình có bố là thương binh được hưởng ưu tiên. Vậy mà vẫn đành ngậm ngùi…” – thầy Trình buồn bã chia sẻ. Được biết, trong quá trình công tác, bản thân thầy Trình đã có nhiều thành tích trong giảng dạy, công tác Đoàn – Đội và đạt được nhiều thành tích được tặng thưởng Giấy khen, Bằng khen của UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT... Trong đó, năm 2019, thầy Nguyễn Duy Trình đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen vì có hành động dũng cảm cứu người bị nạn thoát khỏi đuối nước. Năm 2020, được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen về thành tích trong bồi dưỡng HSG đạt giải nhất Hội khỏe Phù Đổng lần thứ XIX và nhiều Bằng khen, giấy khen khác.
Thầy Trình thổ lộ rằng, với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng chỉ đủ tiền xăng xe, ăn uống chứ không đóng góp được gì cho gia đình. Đôi khi bản thân thầy cũng thấy hổ thẹn với bố mẹ, vợ con nên cố gắng đi dạy thêm học bơi, đi làm thợ sửa điện với bạn để đỡ đần thêm cho vợ. “Dù rất yêu nghề nhưng với mức sống như hiện nay chắc tôi không thể theo đuổi nghề giáo được nữa. Sắp tới con tôi vào đại học, đi học cũng cần nhiều tiền, mức lương của tôi chắc không lo được. Phải kiếm nghề khác làm để còn nuôi con ăn học. Nếu lần này khiếu nại mà không được, tôi sẽ nghỉ dạy để tìm nghề khác, chứ mệt mỏi lắm rồi!” - thầy Trình buồn bã tâm sự.
Liên quan đến hợp đồng lâu năm không được vào biên chế vì không đủ điều kiện hoặc thi tuyển không đỗ cùng những thắc mắc của một số giáo viên hợp đồng về việc Hội đồng xét tuyển của huyện này không lấy xét tuyển làm chủ đạo mà tiến hành thi tuyển, lãnh đạo Phòng Nội vụ H.Yên Thành cho biết, việc tuyển biên chế được thực hiện đúng quy trình, khách quan và không có tiêu cực. Việc thi tuyển được thực hiện qua 2 vòng sát hạch, trong đó có phần xét hồ sơ và phần thi vấn đáp. Để có bộ đề thi môn vấn đáp khách quan, huyện đã hợp đồng với Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Sau khi có kết quả điểm thi sẽ được cộng điểm ưu tiên nếu như đối tượng tham gia thuộc các trường hợp con thương binh và người có công với cách mạng... Các trường hợp có bằng khen, giấy khen hoặc thời gian công tác dài thì không có quy định cộng điểm ưu tiên. Đợt tuyển đặc cách vừa qua đã có 83 người đủ điều kiện dự thi. Trong số 16 người thuộc diện con thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng tham gia thi, chỉ có 6 người đỗ. Việc xét tuyển được thực hiện theo chỉ tiêu từ trên xuống, chỉ tiêu ít, trong khi số lượng giáo viên thuộc diện đặc cách đông nên không thể đáp ứng hết được. Lãnh đạo Phòng Nội vụ H.Yên Thành cho biết thêm, thời gian tới, nếu có chỉ tiêu xét vào biên chế, huyện tiếp tục ưu tiên cho các giáo viên thuộc đối tượng đặc cách chứ chưa thực hiện thi tuyển ngoài.
Được biết, chỉ riêng huyện Yên Thành đã có đến 415 giáo viên hợp đồng. Đây là địa phương có số giáo viên hợp đồng đông nhất của tỉnh Nghệ An. Trong số đó có những giáo viên đã 51 tuổi. Vì tình yêu với nghề giáo, họ đã phải mưu sinh đủ nghề khác để có thể “bám trụ” với nghề với ước mơ được vào biên chế.
Dương Hóa