Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi quê sau Tết

Thứ bảy, 15/02/2014 08:49

(Cadn.com.vn) - Ai đi đâu xa mấy hễ dịp Tết đến Xuân về cũng cố trở về "bản quán" hương khói, tiên tổ ông bà. Đây đâu chỉ nếp quê mà là truyền thống văn hóa đẹp đẽ của người Việt Nam chúng ta. Tết như  mốc điểm để mỗi người có dịp ngơi nghỉ, tiếp thêm năng lượng cho cuộc đua không cân sức mà năm nay là "đường trường ngựa chạy..." . Tết như dịp để tổng kết một năm lao động, làm lụng, công việc được mất ra sao để mà kỳ vọng, đặt hướng phấn đấu cho một năm tiếp theo...

Về quê dịp Tết năm nay và câu chuyện lao động ly hương vẫn cứ đau đáu nỗi niềm mà người viết bài này tạm gọi là nỗi quê sau Tết. Bởi sau mấy ngày vui xuân cùng gia đình, họ hàng, bà con, bạn bè, hàng xóm... những lao động trẻ lại "lên đường" cho cuộc mưu sinh, trước hết là hành trình tàu xe gian khó trở lại nơi làm việc, chuyện công việc, cơm áo, gạo tiền như "nghề ăn cơm đứng" có câu "trăm dâu đổ đầu tằm" chứ chẳng chơi.

Không giống như dịp sau Tết những năm trước, dòng người chủ yếu là các lao động trẻ đổ vào các tỉnh, thành phía Nam đứng đón tàu xe trên các tuyến đường xôm tụ, đông đúc thì năm nay đã vắng đi rất nhiều. Cụ thể ngay như vùng quê Trung du Hiệp Đức (Quảng Nam) của tôi số người đi làm ăn xa chủ yếu tại TP HCM năm nay về quê ăn Tết cũng rất ít nên lượng người quay trở lại nơi làm việc cũng giảm đi rõ rệt. Nguyên nhân ai cũng biết đó là do kinh tế của đất nước nói chung trải qua một năm đầy khó khăn, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng nên người lao động cũng lâm vào tình cảnh khó khăn, không tiền về quê ăn Tết.

Chú Hai tôi có 5 người con thì 4 đã vào mưu sinh tại TP HCM. Hai cái Tết liền kề gần đây chỉ có 2/4 người con về ăn Tết cùng gia đình. Chú tôi tâm sự, con không về dịp Tết cũng buồn nhưng biết làm sao được. Mình cũng ốm đau luôn, chưa thể vào trong đó coi thử chúng nó làm ăn ra sao. Để tiết kiệm chi tiêu đứa con gái thứ 2 hiện đang ở chung với gia đình một đôi vợ chồng trẻ người cùng quê để làm công một xí nghiệp may mặc gần đó.  Cứ nghĩ cảnh sống chung rứa thấy mà thương. Cũng may xa quê chúng nó biết đùm bọc nhau để sống!

Cảnh vật cũng như đang ngóng người đi xa.

Có một tâm lý chung của những lao động trẻ xa quê mưu sinh ai cũng mong có lưng vốn kha khá thì về quê. Song xem ra bài toán này được giải theo nhiều cách và đáp số cũng rất khác nhau. Đã có không ít thanh niên sau thời gian 3-4 năm đi làm ăn xa quay về lại quê nhà, có người tìm được ít vốn liếng năm ba chục triệu, có người mang về cái nghề ra riêng mở tiệm cơ khí, xe máy, có người chỉ được cái từng trải, và cũng có người trắng tay như hồi mới đi. Thế mới biết cuộc mưu sinh phương Nam khắc nghiệt biết nhường nào.

Thôn tôi có gia đình sinh một bề con gái, cả 4 chị em vào TP HCM tìm nghề lập nghiệp. Giữa năm 2013 tai ương ập đến, một trong số 4 chị em bị tai nạn giao thông qua đời thế là 3 chị em còn lại và gia đình ngoài quê chung góp lo hành trình đưa thi thể người xấu số về quê chôn cất. Ai chứng kiến cảnh này cũng đều cảm động. Lo đám xong xuôi cả 3 chị em quyết định ở lại quê nhà, nghèo đói có nhau, không đi xa nữa. Đầu năm mới, H. Hiệp Đức mời gọi được một doanh nghiệp may mặc về xã Quế Thọ đầu tư  một xưởng may nghe đâu thu hút hơn 100 lao động, thế là hy vọng và chờ...

Một bạn gái của tôi học chung lớp thời phổ thông, nghỉ học sớm đã lập gia đình, tưởng yên bề gia thất nào ngờ chuyện chồng con hục hặc nên mỗi người mỗi ngả, con nhỏ gửi nội khăn gói lên đường vào Nam. Nghề ngỗng chẳng có nên đầu quân làm ô sin cho một gia đình ở Q. Tân Bình, TP HCM chỉ mỗi việc chăm trẻ lương tháng hơn 3 triệu đồng, coi như cuộc sống tạm ổn. Tết năm nào bạn cũng về quê í ới gọi điện thoại gặp nhau tâm sự. Bao giờ cũng vậy, ban đầu gặp nhau bạn bè đứa nào cũng cười giòn nhưng chia tay lại lưng tròng nước mắt... khi nhắc chuyện gia đình. Con nhỏ mà một năm mới gặp một lần, bỏ con mình đi chăm con người khác...

Trăm chuyện lao động trẻ xa quê mưu sinh, có chuyện nghe, có chuyện thấy, song có một thực tế không ai chối cãi, làng quê bây giờ đã vắng đi rất nhiều lao động trẻ. Trò chuyện với một cán bộ phụ trách kinh tế địa phương, anh đưa ra bài toán rành rẽ, nông dân không thể sống với mấy đám ruộng, cây lúa đã gắn bó ngàn đời. "Lúa chừ năng suất 50-60 tạ/ha đi nữa cũng đủ ăn là may nói chi chuyện làm giàu, tuổi trẻ muốn đổi đời chỉ còn biết "liều" mình thử vận." Không ít gia đình giữ ruộng lại làm nhưng lại thuê người khác cày cấy còn mình thì đi làm ăn nơi khác, nghề khác kiếm tiền trả công. Người nông dân không thiết tha gì với ruộng đồng là tâm lý có thật ở nhiều vùng quê hiện nay. Bao giờ nông dân sống được cùng cây lúa, bao giờ lao động trẻ "ly nông bất ly hương" câu hỏi xem chừng còn bỏ ngỏ.

Mấy ngày Tết về quê mà xem ra cả núi chuyện quê, chuyện nào cũng trĩu nặng nỗi niềm phố- quê, đi - ở.  Xem ra nỗi quê vui ít buồn nhiều hiện lên rất rõ thời điểm sau Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc .

Võ Văn Trường