Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi sợ đại khủng hoảng

Thứ ba, 24/03/2020 15:05

Một cuộc bạo loạn nhà tù khiến ít nhất 23 tù nhân thiệt mạng, 90 người khác bị thương ở Columbia hôm 23-3 làm bùng lên bởi những lo ngại về sự hoảng loạn ngày càng sâu sắc trên toàn thế giới khi những nỗ lực ngăn chặn chưa từng có của các chính phủ thất bại. Số người chết vì virus tăng lên hơn 14.400, theo một thống kê của AFP, trong đó, Châu Âu là tâm chấn nhưng tình hình ngày càng tồi tệ, từ các đảo Thái Bình Dương cho đến Châu Phi và Mỹ.

Các lực lượng ở bang Washington, Mỹ căng mình chống dịch Covid-19 khi virus đang lây lan khó kiểm soát. Ảnh: AP

Gần 15.000 người chết

Số ca tử vong vì đại dịch tăng vọt trên toàn cầu. Trên toàn thế giới, hơn 335.000 người đã bị bệnh và hơn 14.600 người đã chết, theo Đại học Johns Hopkins. Có hơn 33.000 ca mắc Covid-19 trên khắp nước Mỹ và hơn 400 ca tử vong. Trên toàn thế giới, khoảng 97.800 người đã hồi phục, chủ yếu ở Trung Quốc.

Các thị trường ở Châu Á tiếp tục "đỏ rực" vào ngày giao dịch 23-3 khi các nỗ lực kích thích của Mỹ thất bại và hàng loạt tin tức xấu khác đến từ khắp nơi trên thế giới. "Đây là cú sốc kinh tế lớn nhất mà đất nước chúng ta phải đối mặt trong nhiều thế hệ", Thủ tướng Australia Scott Morrison nói khi ông cảnh báo đại dịch có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng giống như cuộc Đại khủng hoảng năm 1930. Tại Châu Âu, Hy Lạp đã khóa chặt đất nước và Đức cấm các cuộc tụ họp trên 2 người. Thủ tướng Đức Angela Merkel phải cách ly tại nhà sau khi một bác sĩ của bà xét nghiệm dương tính với virus này. Con số tồi tệ nhất thế giới đến từ Italia khi đại dịch đã khiến 5.500 người thiệt mạng với 651 ca tử vong trong ngày 22-3.

Có những lo ngại về nguy cơ bùng phát lần 2 trên khắp Châu Á từ các trường hợp nhiễm bệnh trở về từ Châu Âu và các điểm nóng khác. Thái Lan đã báo cáo mức tăng cao nhất hàng ngày với tổng số lên đến  gần 600. Singapore, Đặc khu Hồng Kông và Malaysia cũng đã báo cáo con số tăng đột biến, khiến cho những nỗ lực kiểm dịch khó khăn và hạn chế đi lại được thắt chặt. New Zealand vẫn chưa bị ảnh hưởng nặng nề nhưng hôm 23-3, Thủ tướng Jacinda Ardern đã tuyên bố phong tỏa 4 tuần để ngăn chặn "cuộc khủng hoảng kiểu Châu Âu".

Tình trạng thảm họa với bang Washington

Ngày 23-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố về tình trạng thảm họa đối với bang Washington và đề nghị sự hỗ trợ liên bang đối với các địa phương, bộ tộc da đỏ và các bang nhằm đối phó sự bùng phát của dịch Covid-19.

Nhà Trắng cho biết, tuyên bố về tình trạng thảm họa nói trên sẽ cung cấp hỗ trợ liên bang đối với cả các biện pháp bảo hộ khẩn cấp và tư vấn về khủng hoảng. Trước đó, thông qua việc ban bố tình trạng khẩn cấp, bang Washington sẽ có hỗ trợ của các cơ quan liên bang trong việc huy động mọi nguồn lực để ứng phó dịch Covid-19 cũng như giúp các cộng đồng bị ảnh hưởng khôi phục tình hình sau dịch. Ông Trump cũng ra lệnh sẵn sàng hàng ngàn giường bệnh khẩn cấp tại các điểm nóng của Mỹ. "Chúng ta đang có chiến tranh, theo nghĩa thực sự, chúng ta đang có chiến tranh", ông Trump nói hôm 22-3 khi ông ra lệnh cho các trạm y tế khẩn cấp cung cấp 4.000 giường được triển khai tới California và các khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất. Hơn 1/3 người Mỹ đang bị cách ly dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm ở New York, Chicago và Los Angeles, nhưng số ca nhiễm bệnh ở Mỹ đã tiếp tục gia tăng.

Tổng thống Trump khẳng định, Mỹ hiện huy động mọi nguồn lực sẵn có nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Ông cũng cho biết điều quan trọng hiện nay là tất cả người dân Mỹ phải tuân theo hướng dẫn liên bang về giữ khoảng cách tiếp xúc.

Gói cứu hộ kinh tế nghìn tỷ USD gặp khó

Nhưng trong tuyên bố đáng sợ đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, thị trưởng New York cho biết, thành phố của ông chỉ còn 10 ngày nữa là hết máy thở. Tuy nhiên, gói cứu hộ kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD lại gặp khó tại Thượng viện.

Với tỷ lệ phiếu biểu quyết 47 phiếu thuận/47 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 22-3 (giờ địa phương) không thông qua gói cứu trợ trị giá nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế do không nhận được sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng, gói cứu trợ trên không thể bảo vệ đầy đủ cho hàng triệu lao động Mỹ đang đứng trước nguy cơ mất việc làm khi nền kinh tế trong nước có thể rơi vào tình trạng đình trệ.

Với kết quả này, các hộ gia đình Mỹ, các doanh nghiệp phải đóng cửa hay gặp khó khăn và các bệnh viện thiếu thốn trang thiết bị y tế trầm trọng hiện không thể có được khoản tiền cứu trợ nào. Kết quả này cũng khiến Quốc hội gặp nhiều sức ép trong việc tìm kiếm sự can thiệp của Nhà Trắng để hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell đã phàn nàn về kết quả trên và cảnh báo về hậu quả kinh tế sẽ xảy ra nếu Quốc hội Mỹ không hành động nhanh chóng. Các thị trường chứng khoán, vốn đang rất ảm đạm, sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong thời gian tới.

KHẢ ANH