Nơm nớp mùa dưa hấu
(Cadn.com.vn) - Cứ vào tháng 3, những ruộng dưa ở một số địa phương của tỉnh Gia Lai bước vào thời kỳ thu hoạch. Thế nhưng, người nông dân lại vừa nơm nớp nỗi lo mất mùa, rớt giá thì còn lo ngại cả vấn nạn một số đối tượng đòi bảo kê ruộng dưa.
Khác với mọi năm, vụ dưa hấu năm nay tại các huyện phía Đông Trường Sơn của tỉnh Gia Lai thu hoạch chậm hơn một tháng. Nguyên nhân là do đợt mưa lớn bất thường vào cuối năm 2016 đã gây hư hỏng hầu hết các ruộng dưa, người dân phải chạy đua trồng cho kịp vụ dưa mới nhằm vớt vát chút vốn. Phải mất hai lần trồng cho 1 vụ dưa, người nông dân chỉ còn trông chờ vào giá dưa lên cao. Thế nhưng, khi đang vào kỳ thu hoạch, một nỗi lo khác đang hiện hữu là nạn đòi bảo kê ruộng dưa.
Người trồng dưa tại xã Phú Cần phản ánh tình trạng bảo kê, ép giá. |
Ông Võ Văn Tấn (trú H. Tây Sơn, Bình Định) cũng như những người trồng dưa khác biết rõ "dưa ruộng lạ, mạ ruộng quen" nên đi thuê đất nhiều nơi để trồng dưa. Từ năm ngoái, ông đến thuê đất tại buôn Prông (xã Ia Mlah, H. Krông Pa, Gia Lai). Đợt mưa cuối năm 2016 đã khiến 2ha ruộng dưa của ông đang mơn mởn thì chết úng, thiệt hại hàng chục triệu đồng, chưa kể bao nhiêu công sức đổ ra. Đáng lẽ, thời điểm này ông đã kết thúc vụ dưa, về với gia đình nhưng giờ thì vẫn phải canh ruộng dưa đang vào độ thu hoạch. Ông Tấn thắc thỏm: "Dưa năm nay lên đều và đẹp nhưng không biết đến lúc thu còn giữ được giá cao 8 - 9 ngàn đồng/kg hay lại rớt giá thảm hại như năm ngoái chỉ còn 2-2.500 đồng/kg. Nhưng, điều tôi lo lắng nữa là nạn bảo kê xảy ra như những năm trước".
Mùa dưa năm 2016, ông thuê đất trồng dưa tại xã Đất Bằng (H. Krông Pa), chỉ cách ruộng dưa hiện tại chừng 7km. Xuống giống dưa Hắc mỹ nhân tưởng chừng có lời nhưng khi vào vụ thu hoạch, dưa rớt giá xuống mức kỷ lục còn 2.500 đồng/kg khiến ông lỗ gần 100 triệu đồng. Sau khi thương lái cắt lựa dưa "tuyển" để xuất khẩu sang Trung Quốc thì ông vẫn còn hơn 12 tấn dưa loại 2 để bán ở thị trường nội địa. Khi liên hệ với một thương lái tại Phú Yên bán toàn bộ số dưa còn lại với giá gần 7 triệu đồng thì được họ đồng ý. "Tuy nhiên, lúc thương lái vô mua dưa thì có một đám thanh niên chặn xe từ đầu đường, túm cổ lái xe dọa không cho vào mua nên lái xe sợ quá mà bỏ đi. Sau đó chúng vào ruộng dưa bắt tôi bán số dưa ấy chỉ với 3,5 triệu đồng. Đất khách quê người, lo sợ nên đành bán đi cho xong" - ông Tấn kể lại.
Người dân vừa lo dưa rớt giá, vừa nơm nớp vấn nạn bảo kê. |
Vấn nạn bảo kê, ép bán giá thấp hầu như người trồng dưa nào cũng vấp phải. Ông Võ Thành Tín (trú H. Tây Sơn, Bình Định) cho biết: năm 2016, ông thuê đất trồng dưa tại xã Phú Cần, khi bắt đầu thu hoạch thì xuất hiện một số đối tượng đến ngủ luôn tại chòi rẫy của ông. Số đối tượng này chỉ cho người dân xuất bán dưa loại 1, còn dưa loại 2 thì ép bán lại cho chúng. "Tụi nó đòi mua với giá rẻ mạt rồi bán lại cho thương lái với giá cao hơn nhiều. Nếu mình không bán thì tụi nó cản trở, đe dọa không cho xe của thương lái vào vườn, để lâu dưa héo mất thì chúng tôi mất trắng nên đành phải chấp nhận" - ông Tín bức xúc.
Bị bắt ép, có hộ bức xúc báo cơ quan chức năng, nhưng khi thấy chính quyền địa phương, lực lượng CA đến thì số đối tượng này bỏ đi, lực lượng chức năng về thì chúng lại quay trở lại đe dọa người dân để ép bán dưa rẻ hoặc đòi bảo kê. Vấn nạn này đã tồn tại trong suốt nhiều năm qua với mức độ ngày càng tinh vi hơn nhưng vẫn chưa được ngăn chặn.
Thượng tá Nguyễn Hồng Tuấn - Phó Trưởng CAH Krông Pa xác nhận, các năm trước trên địa bàn huyện cũng xuất hiện hiện tượng này. "Đầu mùa vụ năm nay, chúng tôi nhận được tin báo của nông dân ở xã Ia Rsai nói là họ nhận được điện thoại của người lạ gọi với nội dung không được bán dưa cho người khác mà phải bán cho chúng. Sau đó CAH đã triển khai lực lượng TS nắm bắt tình hình, xin số điện thoại của các nông dân và nói họ khi nào có chuyện gì thì báo cho lực lượng CA. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có vụ việc nào xảy ra, CAH vẫn cử lực lượng theo dõi sát sao".
Các ruộng dưa hấu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều do nông dân tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên thuê đất canh tác. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đòi bảo kê, ép giá người nông dân kéo dài suốt nhiều năm qua. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, không chỉ để bảo vệ người dân mà còn là an ninh trật tự tại địa phương mình.
Minh Tân