Nóng bỏng cuộc đua Tổng thống Afghanistan
Cuộc đua Tổng thống Afghanistan đang nóng lên từng ngày trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và phiến quân Taliban đang diễn ra, và cho đến nay, Taliban vẫn từ chối nói chuyện với chính phủ.
Áp phích hình ảnh Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani trên đường phố Kabul. Ảnh: Diplomat |
Hôm 27-1, ông Zalmay Khalilzad, Đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan, đã đến quốc gia Nam Á này để nói chuyện và hội kiến tổng thống sau 6 ngày hội đàm liên tiếp với đại diện của Taliban ở Doha, Qatar. Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình địa phương, ông Khalilzad cho biết, Taliban từ chối nói chuyện với chính phủ Afghanistan hiện tại bởi nhóm này không công nhận ứng cử viên, Tổng thống đương nhiệm, Ashraf Ghani.
Ông Ghani, cùng với quan chức điều hành cấp cao (chức danh tương đương thủ tướng) Abdullah Abdullah, tuyên bố tham gia cuộc đua vào ngày cuối cùng đăng ký cho cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra vào ngày 20-7 tới. Ông Ghani phải đối mặt với nhiều ứng viên khó nhằn trong cuộc bầu cử, nơi ông có đến 17 đối thủ.
Cuộc đua khó nhằn
Nhiều cựu quan chức chính phủ Afghanistan và các nhà môi giới quyền lực đã tranh cử để thách thức nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Ghani, trong đó có cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Haneef Atmar, người đã từ chức sau khi làm việc với ông Ghani trong 4 năm.
“Ông Atmar bắt tay với các nhà môi giới quyền lực”, Davood Naji, một nhà hoạt động chính trị độc lập và là cựu nhà báo của BBC, cho biết. Ông đã tuyển dụng 20 đến 30 cố vấn, chủ yếu là con trai của các nhà môi giới quyền lực, trong thời gian ông làm cố vấn an ninh quốc gia. Nhưng ông Naji cho rằng, các đồng minh cùng tranh cử, Yunus Qanuni và Mohammad Mohaqiq, sẽ không mang lại một lượng lớn phiếu bầu. Con trai của các nhà môi giới quyền lực này đã thất bại trong việc đảm bảo giành được ghế trong Quốc hội”, ông Naji lưu ý, dựa trên kết quả từ cuộc bầu cử Quốc hội Afghanistan hồi tháng 12-2018. Con trai của Mohaqiq Viking không thể giữ được một ghế ở Kabul; con trai Hekmatyar cũng vậy.
Các đối thủ nổi bật khác của ông Ghani gồm Rahmatullah Nabil, người một thời đứng đầu cơ quan tình báo đất nước; Zalmai Rassoul, một cựu Ngoại trưởng 75 tuổi, từng phục vụ dưới thời tổng thống của Hamid Karzai; và Shaida Abdali, một nhà ngoại giao từng được coi là phụ tá thân cận của ông Karzai. Ngoài ra, lần thứ ba, ông Abdullah Abdullah, một cựu bác sĩ nhãn khoa, từng tham gia cuộc đua tổng thống và sẽ một lần nữa thách thức ông Ghani. Trong cuộc bầu cử năm 2014, ông Abdullah từ chối công nhận chiến thắng của ông Ghani với cáo buộc gian lận bầu cử rộng rãi. Tuy nhiên, ông Abdullah cuối cùng đã đồng ý tham gia cái gọi là Chính phủ Thống nhất Quốc gia với chức vụ Quan chức điều hành cấp cao mới được thành lập, theo một thỏa thuận được thực hiện bởi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là John Kerry. Ông Naji dự đoán: “Có khả năng ông Abdullah và ông Ghani sẽ đạt được thỏa thuận về chính phủ dưới hình thức tương tự. Nhưng tôi tin rằng sẽ không có người chiến thắng trong vòng đầu tiên. Cuộc bầu cử có thể sẽ đi đến vòng thứ hai”.
Thất bại cho Tổng thống Ghani?
Ông Ghani phải đối mặt với một trận chiến khó khăn để giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai bởi nhiệm kỳ đầu của ông được cho là thất bại bởi nghèo đói, tham nhũng và mất an ninh.
Mặc dù ông Ghani đã cố gắng xây dựng danh tiếng như một nhà kỹ trị cải cách, người có tầm nhìn về kinh tế, hiện đại hóa, dân chủ và hướng đến hòa bình, hình ảnh của ông hiện nay được cho là một nhà lãnh đạo thiếu kiên nhẫn và bị cô lập. Việc ông thừa nhận đất nước đã mất đi 45.000 nhân viên an ninh dưới quyền chỉ huy của mình khiến người dân càng khó tin tưởng ông hơn nữa. Giờ đây, các cuộc đàm phán hòa bình dường như là cơ hội cuối cùng để các ứng cử viên, bao gồm cả ông Ghani, lấy được sự tin tưởng của cử tri. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Ghani trở nên phức tạp khi bị Taliban “ném đá”. Trong khi đó, ứng viên đối thủ Atmar cho rằng, chính phủ không tỏ rõ thiện chí với việc đàm phán.
Phát biểu với tờ New York Times, ông cho rằng, thay vì tạo ra hy vọng và lãnh đạo quá trình quan trọng này, chính phủ đang cố gắng làm hỏng quá trình và tạo ra sự sợ hãi trong nhân dân. Ông Atmar nằm trong nhóm các nhà lãnh đạo phe đối lập sẽ gặp đại diện của Taliban tại Moscow trong tuần này. Các thành viên tham gia cuộc đàm phán nội bộ gồm các đồng minh của ông Atmar, Qanuni và Mohaqiq; cựu Tổng thống Hamid Karzai; và cựu Thống đốc tỉnh Balkh, Atta Mohammad Noor, người đã nhiều lần đụng độ với ông Ghani. Điều đáng nói là không có bất kỳ đại diện nào của chính phủ hiện tại tham gia đàm phán.
Tháng 10-2018, Afghanistan tổ chức bầu cử Quốc hội sau khi 3 năm trì hoãn. Cuộc bầu cử diễn ra hỗn loạn. Ủy ban bầu cử độc lập (IEC) bị buộc tội tham nhũng, quản lý sai và nhận hối lộ. Gần 4 tháng sau cuộc bầu cử, kết quả chỉ có 9 trong số 33 tỉnh hoàn thành việc bầu cử. Nhiều ứng viên Quốc hội không chấp nhận kết quả. Những người ủng hộ các ứng cử viên thất bại đã chặn các con đường nối thủ đô Kabul với phía bắc đất nước. Trong nửa ngày, sân bay quốc tế của thủ đô bị phong tỏa do biểu tình. Nhiều người cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ gây ra hậu quả tương tự như vậy với các cáo buộc gian lận. Ông Adili cho biết, các đảng chính trị và chính phủ nghĩ rằng, IEC không thể tổ chức cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Tất cả đều kêu gọi cải cách IEC. Nhưng cho tới nay, vẫn chưa có thỏa thuận nào về cách cải tổ IEC.
Một cuộc bầu cử gian lận có thể sẽ gây bất ổn hơn nữa cho đất nước và làm mất hoàn toàn hy vọng về các cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính phủ với Taliban.
AN BÌNH (Theo Diplomat)