"Nóng" chuyện bầu Đức đòi bỏ bóng đá
Trước thềm Đại hội LĐBĐ Việt Nam (VFF) khóa VIII, bóng đá nước nhà "nóng ran" với câu chuyện ông Đoàn Nguyên Đức (hay gọi bầu Đức) đòi bỏ bóng đá. Chuyện là, bầu Đức tuyên bố: "Tôi chống đối đến cùng việc bầu anh Trần Anh Tú vào ghế phó chủ tịch tài chính VFF và thề danh dự: nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ bỏ làm bóng đá ngay lập tức".
Bầu Đức (thứ hai trái sang) nói bỏ bóng đá nếu ông Trần Anh Tú (bìa phải) trúng cử chức Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF. Ảnh: TTO |
1. Hội nghị Ban chấp hành VFF lần thứ 12 khóa VII (nhiệm kỳ 2014-2018) diễn ra tại Hà Nội ngày 16-3 đã thông qua kế hoạch tổ chức Đại hội khóa VIII (nhiệm kỳ 2018-2022) vào thời điểm trong tháng 4-2018. Theo thông báo mới nhất, Tiểu ban nhân sự Đại hội nhận được danh sách đề cử 55 ứng cử viên, trong đó 43 người đã gửi hồ sơ ứng cử đồng thời công bố vị trí ứng cử.
Đối với trường hợp của ông Đoàn Nguyên Đức được tổ chức thành viên giới thiệu ứng cử Phó chủ tịch tài chính và vận động tài trợ, Tiểu ban nhân sự đã liên hệ với đại diện CLB HAGL để thông báo hoàn thiện hồ sơ để tranh cử của ông Đức thì được trả lời là ông Đức không tham gia tranh cử nên không gửi hồ sơ.
Ngày 16-3, Tiểu ban nhân sự nhận được văn bản số 09/CV-HAGL của tổ chức thành viên là CLB HAGL về việc đề nghị thay thế đại diện của CLB HAGL tham gia ứng cử Ban chấp hành VFF khóa VIII. Theo đó, ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng đoàn bóng đá CLB HAGL thay thế ông Đoàn Nguyên Đức để ra ứng cử Ủy viên Ban chấp hành do ông Đoàn Nguyên Đức bận công việc không thể tham gia. Tiểu ban nhân sự sẽ xin ý kiến Ban chấp hành về vấn đề này.
Căn cứ vào hồ sơ ứng cử của các ứng cử viên tham gia Ban chấp hành khóa VIII, Tiểu ban nhân sự đã tổng hợp vào danh sách để báo cáo Ban chấp hành. Danh sách ứng cử viên tham gia Ban chấp hành nhiệm kỳ mới sẽ được quyết định tại Đại hội.
Tuy nhiên, phía HAGL đã có những phản ứng dữ dội về việc nhiều CLB có đề cử bầu ông Đoàn Nguyên Đức vào ghế phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ nhưng VFF làm sai quy trình, không ghi tên cũng như thông báo cho chủ tịch CLB HAGL. Về vấn đề này, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh đã điện thoại mời bầu Đức bay ra Hà Nội để gặp gỡ tiểu ban nhân sự.
Về vấn đề này, bầu Đức nói với Người Lao động rằng: "Không chỉ VFF, tôi phản ứng anh Tú cả ở vai trò VPF (Cty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam). Cá nhân tôi phản đối cho bằng được việc đưa anh Tú vào chức phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính cũng như trước đó là một loạt chức vụ tại VPF. Tôi là chủ tịch một CLB, là một thành viên VPF, tôi không bao giờ cho anh Tú kiêm nhiệm 3 chức vụ Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc VPF và trưởng Ban điều hành giải V-League như thế. Rõ ràng và khách quan, xã hội nhìn vào sẽ thấy VPF giờ chẳng khác nào Cty gia đình chứ không phải tổ chức xã hội của nhiều người nữa. Bản thân tôi và CLB HAGL không cho phép chuyện đó.
Tôi lấy danh dự tuyên bố với một câu, nếu việc này không thay đổi, tôi sẽ bỏ bóng đá, không bao giờ làm nữa. Tôi không thiếu tiền để chơi bóng đá, nhưng tôi không thể ở lại trong một tổ chức lộn xộn như thế này được. Không thể có chuyện anh kiêm nhiệm 3 chức vụ quyền lực nhất VPF, rồi bây giờ nhảy qua kiêm luôn cả chức phó chủ tịch VFF nữa, như vậy toàn bộ quyền lực nằm ở trong tay anh hết, trong khi anh Tú lại là ngoại đạo về bóng đá, không đóng góp gì cho bóng đá hết, chỉ có futsal thôi. Vậy mà anh thâu tóm tất cả trong vòng 1 năm, toàn bộ các vị trí chủ chốt của bóng đá Việt Nam đều giao hết cho anh ấy, đó là điều không thể chấp nhận được...".
2. Trước những phản ứng gay gắt của bầu Đức, sáng 21-3, ông Trần Anh Tú đã có những chia sẻ với giới truyền thông: "Tôi đã luôn nghĩ rằng những gì mà anh Đoàn Nguyên Đức nói về tôi đơn giản chỉ xuất phát từ sự khác biệt trong quan điểm công việc. Và đó là một chuyện hết sức bình thường, lời qua tiếng lại trên truyền thông chỉ làm mọi chuyện thêm phức tạp không cần thiết. Nhưng sau tuyên bố mới nhất của anh Đức về việc sẽ từ bỏ bóng đá nếu tôi trở thành phó chủ tịch VFF trong nhiệm kỳ tới, tôi thấy mình cần phải nói điều gì đó. Không phải vì lần này mọi chuyện đã đi xa hơn sự khác biệt về quan điểm. Quan trọng là những điều phía sau hai chữ "từ bỏ".
Tôi và anh Đức có một điểm chung, cùng là những doanh nghiệp đầu tư để phát triển bóng đá, và đều có những thành công nhất định. Nếu tôi coi thành công của futsal là do một mình tôi tạo ra, hay nhờ đầu tư tiền bạc của Cty Thái Sơn Nam mà có được thì hai chữ "từ bỏ" thật dễ dàng. Nhưng đó là thành quả từ sự chung tay của bao nhiêu người cùng chí hướng, bao nhiêu nhà chuyên môn và cầu thủ tài năng, quan trọng nhất là từ sự cổ vũ tin yêu của người hâm mộ. Những gì chúng tôi đã có và đang nỗ lực để có được gắn liền với cuộc sống và niềm tin của biết bao nhiêu người. Mấy chữ "từ bỏ" không thể vì một chuyện gì trái ý mà có thể nói ra, trừ khi những đóng góp của chúng tôi không còn ý nghĩa gì nữa.
Tôi đánh giá cao và trân trọng những gì mà anh Đoàn Nguyên Đức đã đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Tôi tâm đắc với một câu nói mới đây của anh Đức đại ý rằng "bóng đá cũng chẳng có quyền lực gì với những người như chúng tôi đâu".
Đúng như vậy, nhiều khi tôi tự hỏi, người hâm mộ ở bên cạnh chúng ta cùng những thành bại của bóng đá, nhưng có ai thực sự thấy được một nửa còn lại mà chúng ta vẫn phải đối mặt hàng ngày. Đó là sự khắc nghiệt của thương trường. Anh Đức chắc có thể chia sẻ với tôi điều này. Trong sự lo toan thành bại lời lỗ của những doanh nghiệp gắn với cuộc sống của hàng nghìn con người, những chức tước quyền hành trong một lĩnh vực tay trái như bóng đá không có một ý nghĩa gì khác ngoài sự góp sức mình. Chỉ những kẻ bất tài mới cố gắng vươn tới chức tước dù chẳng đóng góp được gì cho bóng đá. Đó mới là những kẻ đe dọa tới khả năng "từ bỏ" của chúng ta.
Nhưng tôi tin vào tương lai tốt đẹp hơn cho bóng đá Việt Nam đang ở phía trước. Đặc biệt là sau những thành công mang tính đột phá mà chúng ta đạt được trong vài năm trở lại đây. Những đại biểu dự Đại hội của VFF sắp tới sẽ cảm nhận được ý nghĩa và trách nhiệm của lá phiếu mà họ nắm trong tay.
Anh Đức nên tin vào điều đó. Với riêng tôi, khi đã coi mọi cương vị là một sự đóng góp thì dù bất cứ kết quả nào, chỉ cần những nỗ lực của tôi còn được trân trọng tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho bóng đá Việt Nam.
Một lần nữa với câu chuyện từ bỏ, nhiều người trong đó có tôi đã từng cảm thấy tiếc trong những lần trước khi anh Đức đề cập đến khả năng chia tay bóng đá. Điều đó may mắn vẫn chưa xảy ra, và tôi mong lần này cũng vậy. Vì bóng đá, theo tôi chỉ nên là phép cộng của những bàn tay đóng góp chứ không nên là phép trừ từ những khác biệt quan điểm của những người cùng mục đích".
B.T (tổng hợp)