Nông dân điêu đứng vì mưa kéo dài
Ngập úng vì mưa kéo dài gây khó khăn cho sản xuất vụ đông xuân. |
Gần 2 tháng qua, các đợt mưa liên tiếp khó khăn cho nông dân xứ Quảng trong vụ đông xuân này. Theo lời người dân cho biết, thời tiết năm nay diễn ra quá "oái oăm" khi đầu vụ nắng hạn thiếu nước nghiêm trọng, đến khi vừa gieo sạ thì mưa lớn lại kéo dài khiến người dân không kịp trở tay. Trận lụt lớn giữa tháng 12-2018 kết thúc đã làm hư hại hàng trăm diện tích lúa và hoa quả vụ tết của người dân H. Phú Ninh. Tuy nhiên, ngay khi người dân vừa gieo sạ lại đợt 2 thì những đợt mưa vừa đến mưa to do ảnh hưởng không khí lạnh từ miền bắc xuống tiếp tục làm hạt giống không nảy mầm, hư hại. Ông Đoàn Văn Tám (xã Tam Dân, H. Phú Ninh) cho biết mới đầu vụ đông xuân mà cả xóm nhà ông ai cũng lo lắng, bất an. Cụ thể, ngày 27-12 ông ngâm ủ 15kg hạt giống lúa thuần OM4900 để đến ngày 30-12 triển khai sản xuất 4 sào ruộng. Tuy nhiên do mưa liên tục, cả 4 sào ruộng lại nằm ở vùng trũng thấp nên nước ngập lút đầu gối. "Chưa có năm mô mà phải gieo sạ 2,3 lần đều không được như năm ni. Cứ vừa gieo xuống là gặp mưa, giống hư, phải đổ cho heo ăn. Hoặc giống rải rồi nhưng mưa lớn quá trôi hết cả. Bây giờ, tui phải gấp rút mua lại lượng hạt giống mới về ngâm ủ và gieo sạ. Nếu sản xuất trễ vụ thì chắc chắn sâu bệnh nhiều phải tốn thêm tiền mua thuốc bảo vệ thực vật". Ông Võ Thanh Anh-Trưởng Phòng Nông nghiệp H. Phú Ninh xác nhận, do mưa nhiều gây ngập úng cục bộ nên một số diện tích gieo sạ bị hư hỏng phải sạ lại 2-3 lần. Số diện tích lúa bị ảnh hưởng tập trung nhiều nhất ở xã Tam An vì địa hình trũng thấp. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, diện tích lúa bị ngập, hư hỏng trên toàn huyện khoảng 100ha. Tương tự như người dân H. Phú Ninh, đến nay toàn H. Thăng Bình đã xuống giống khoảng 6.000/8.300ha lúa đông xuân. Tuy nhiên, mưa liên tiếp trong những ngày qua đã gây ngập úng nhiều cánh đồng và tình trạng ốc bươu vàng gây hại khiến 223ha lúa buộc phải sạ lại.
Nông dân nhiều địa phương đang hối hả gieo sạ, xuống giống hoa màu trở lại sau các đợt mưa kéo dài. |
Theo ông Lê Văn Để-Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp H. Thăng Bình cho biết, điều đáng lo ngại là những diện tích lúa bị ngập đều bị ốc bươu vàng cắn phá hư hại hoàn toàn. Bà Kim (người dân xã Bình Sa) than thở: "Mỗi sào lúa làm chỉ đủ ăn thôi vậy mà phải sạ lại. Nội tiền thuê người cày bừa rồi tiền mượn công thôi cũng đủ mạt rồi". Qua thống kê, toàn H. Thăng Bình có đến 223ha lúa ngập bị ốc bươu vàng cắn phá hư hại, buộc phải sạ lại, tập trung ở các xã Bình Trung, Bình Tú, Bình Nam và Bình Sa. Đối với diện tích buộc phải sạ lại, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp H. Thăng Bình khuyến cáo nông dân làm lại đất, bón vôi kết hợp với thuốc trừ ốc bươu vàng để phòng trừ, sau đó mới xuống giống. Tuy nhiên thời tiết vẫn còn diễn biến bất thường, mưa vẫn tiếp tục tăng nên khả năng cao năm nay thu hoạch kém, người dân tốn chi phí cao.
Nếu thời điểm này hằng năm, người dân H. Duy Xuyên đã kết thúc gieo sạ thì nay phải sạ lần 2. Hiện địa bàn có 100 ha lúa vụ đông xuân phải gieo sạ lại. "Đầu vụ nắng chói chang, hồ đập đều cạn đến trơ đáy. Đến nay khi lượng nước đã đủ thì trời lại mưa không ngớt khiến ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí nhiều nơi người dân phải gieo sạ lại lần 3, chi phí mua giống đội lên cao khiến đời sống người dân ảnh hưởng rất nhiều".
ĐỒNG DAO