Báo Công An Đà Nẵng

Nông dân khốn đốn vì vấn nạn “bảo kê” máy gặt lúa

Thứ bảy, 09/09/2017 14:58

Từng vào tù ra tội nhiều lần, các đối tượng đã đứng ra ép các chủ máy gặt lúa chi tiền “bảo kê”. Điều đáng nói, những đối tượng này đặt thẳng vấn đề với các chủ máy gặt phải để bọn chúng tự đứng ra làm giá, thu tiền của nông dân và chúng sẵn sàng ra tay nếu các chủ máy không chấp nhận. Người chịu thiệt thòi nhất chính là bà con nông dân bởi giá gặt mỗi sào ruộng được đẩy lên cao hơn so với thực tế nhiều lần.

Những năm trở lại đây, tình trạng “bảo kê” máy gặt lúa diễn ra thường xuyên tại nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An và đang có nhiều diễn biến phức tạp. Nếu như năm 2016, tình trạng “bảo kê” máy gặt chủ yếu diễn ra tại H. Yên Thành thì vụ hè thu năm nay, tình trạng này lại tiếp diễn một cách rầm rộ ở nhiều nơi như Nghi Lộc, Đô Lương… và thủ đoạn của các đối tượng cũng tinh vi hơn trước.

Vừa qua, sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, Cơ quan CSĐT CAH Nghi Lộc đã ra quyết định khởi tố vụ án, ra lệnh truy nã đối với Võ Văn Hoàng (1988, trú xã Nghi Xá, H. Nghi Lộc) về hành vi “Cướp tài sản”. Là một con nghiện, bản tính côn đồ nên Võ Văn Hoàng thường xuyên ép các chủ máy gặt chi tiền “bảo kê” khi họ đưa máy vào gặt lúa thuê cho nông dân trong vùng. Theo “thỏa thuận” giữa Hoàng và anh Cao Văn Sửu (1973, trú xóm 2, xã Diễn An, H. Diễn Châu, chủ máy gặt) thì anh Sửu lấy tiền công của người dân mức 180 ngàn đồng/sào, sau đó phải đưa cho Hoàng 40 ngàn đồng/sào tiền bảo kê. Tuy nhiên, đến ngày 2-6, cho rằng anh Sửu không “khai đúng” diện tích đã gặt nên Hoàng dùng mũ cối đập liên tiếp vào đầu khiến anh Sửu bị thương. Chưa dừng lại ở đó, Hoàng lấy gậy gỗ đánh liên tiếp vào vùng bụng, thắt lưng và tay anh Sửu. Anh Sửu quỳ xuống van xin trả tiền “bảo kê” 20 mẫu rồi lên 30 mẫu, 40 mẫu. Sau khi chiếm đoạt 17 triệu đồng (trong đó bắt anh Sửu nộp 1 triệu đồng “tiền ngu”) xong Hoàng trốn khỏi địa phương.

Tình trạng các đối tượng là dân “đầu gấu” ép chủ máy gặt đóng tiền “bảo kê” không chỉ xảy ra ở các huyện đồng bằng mà còn lan ra cả các vùng bán sơn địa ở Nghệ An. Tại H. Đô Lương, khi bước vào đầu mùa gặt lúa vụ hè thu vừa qua, Lê Văn Lý (1985) và Nguyễn Quang Cảnh (1993, cùng trú xã Hiến Sơn, H. Đô Lương) đã soạn sẵn các hợp đồng “bảo kê” cho chủ máy gặt nếu muốn gặt lúa thuê trên địa bàn. Lý từng có 4 tiền án về các tội “Chống người thi hành công vụ”, “Trộm cắp tài sản”, “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhưng vẫn không chịu hoàn lương. Theo hình thức đó mà đến đầu tháng 8-2017, Lý và Cảnh đã đưa được 7 máy gặt về trên địa bàn gặt lúa thuê cho người dân. 

Ngày 23-8, bà Nguyễn Thị Lai, một người dân địa phương đã đưa 2 máy gặt lúa của anh Hoàng Văn Thứ và anh Hoàng Văn Minh (trú xã Việt Hùng, H. Trực Ninh, tỉnh Nam Định) vào gặt lúa thuê cho nông dân H. Đô Lương với giá thấp hơn các máy khác thì Lý và Cảnh kéo đến nhà bà Lai đe dọa, đánh anh Thứ và anh Minh. Đồng thời, hai đối tượng đưa ra bản hợp đồng đã soạn sẵn để ép các chủ máy gặt phải ký vào. Bản hợp đồng có nêu giá là 160 ngàn đồng/sào, trong đó tiền công “bảo kê” 30 ngàn đồng. Sáng 28-8, bà Lai đưa máy gặt của anh Minh xuống cánh đồng làng gặt thuê thì Cảnh và Lý tiếp tục xuất hiện dọa và thu 500 ngàn đồng. Nhận được thông tin về sự việc, Cơ quan CSĐT CAH Đô Lương đã nhanh chóng vào cuộc và Lê Văn Lý, Nguyễn Quang Cảnh bị bắt giữ sau đó.

Võ Văn Hoàng -  Nguyễn Quang Cảnh - Lê Văn Lý 

Thiếu tá Nguyễn Cảnh Tuấn - Đội trưởng Đội CSĐT cho biết: Vào mùa thu hoạch lúa năm 2016, Đội cũng đã điều tra làm rõ hành vi “bảo kê” máy gặt của một số đối tượng trên địa bàn. Đối với Lý và Cảnh, hành vi của chúng đều nằm trong “tầm ngắm” của các TS nên ngay khi 2 đối tượng cưỡng đoạt tiền thì bị bắt giữ về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Hiện CAH Đô Lương đã ra quyết định khởi tố hai bị can về hành vi trên.

Những người nông dân chân lấm tay bùn, khó khăn lắm mới làm ra hạt thóc nhưng để đưa được thành quả về nhà là điều không hề đơn giản. Ngoài những thiệt hại do thiên tai, mất mùa mang đến, người nông dân còn phải gánh chịu hậu quả của nạn “bảo kê” máy gặt. Còn các chủ máy gặt thì vì “miếng cơm manh áo” nên đành nhắm mắt đưa tiền cho qua, không dám trình báo cơ quan chức năng vì sợ bị trả thù. Chính vì vậy, đề nghị các cấp chính quyền phải vào cuộc quyết liệt để những người nông dân bớt phải chịu thiệt thòi.

D.HÓA