Báo Công An Đà Nẵng

Nông dân "méo mặt" vì xâm nhập mặn

Thứ ba, 18/02/2020 09:21

Do lượng mưa trung bình từ đầu năm 2020 đến nay thấp hơn trung bình nhiều năm và phân bổ không đều nên nhiều hồ thủy lợi, thủy điện đang trong tình trạng "khát nước". Tại Thừa Thiên - Huế việc thiếu nước cũng đã dẫn tới hàng chục héc-ta lúa của người dân bị chết do xâm nhập mặn và hàng nghìn héc-ta có nguy cơ bị thiếu nước từ nay đến cuối vụ Đông Xuân.

Xâm nhập mặn đang đe dọa hàng ngàn héc-ta lúa của người dân.

Xâm nhập mặn đe dọa hàng ngàn héc-ta lúa

Trong vụ Đông Xuân năm nay, diện tích sản xuất lúa của tỉnh Thừa Thiên - Huế là 28.667 ha; trong đó, đã gieo sạ được 28.197 ha, diện tích còn lại đang trong giai đoạn làm đất gieo trồng muộn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa bị chết do xâm nhập mặn là 79,8 ha tập trung ở các xã Phú Đa, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Hà, Phú Gia, Phú Xuân (huyện Phú Vang); xã Quảng Công (huyện Quảng Điền); xã Hải Dương, Hương Phong (thị xã Hương Trà); xã Lộc Trì, Vinh Hưng (huyện Phú Lộc). Diện tích có khả năng bị thiếu nước từ nay đến cuối vụ Đông Xuân là 1.934 ha tập trung tại các huyện như Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Thanh Hùng cho biết, hiện tại mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt khoảng 50 - 80% dung tích thiết kế, riêng hồ Phú Bài 2 chỉ đạt khoảng 30% dung tích thiết kế. Dung tích nước tại các hồ thủy điện của tỉnh cũng đạt mức thấp, cụ thể: hồ Tả Trạch đạt 66%, hồ Hương Điền đạt 64%, hồ Bình Điền đạt 36% so với dung tích thiết kế.

Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng, thủy văn, khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cuối vụ Đông Xuân năm 2019-2020 và vụ Hè Thu năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó chống hạn theo kịch bản bất lợi và bố trí kinh phí để triển khai nạo vét các kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ các sông vào hệ thống kênh mương nội đồng để chống hạn cho diện tích tích gieo trồng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi quản lý vận hành đóng các cống trên đê ven phá đảm bảo ngăn mặn triệt để, chống thất thoát nước.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành của Chính phủ hỗ trợ khoảng 76,3 tỷ đồng kinh phí điện, dầu vượt định mức và sửa chữa các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, thời gian tới, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư một số công trình thủy lợi như: xây dựng hồ chứa nước Thủy Cam, nâng cấp sửa chữa đập ngăn mặn Thảo Long, đập ngăn mặn Cửa Lác, một số hồ chứa nước, đầu tư hệ thống trạm bơm và tuyến đường ống chuyển nước từ sông tới các xã ven biển của huyện Phú Vang, Phú Lộc...

Đề nghị hỗ trợ kinh phí cho người dân

Để hỗ trợ các địa phương tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 và các năm tiếp theo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 483/BNN-TCTL gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét chỉ đạo một số nội dung liên quan.

Cụ thể, do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020 đang và sẽ diễn ra gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và dân sinh nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa nội dung phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2-2020 của Chính phủ; trong đó bao gồm việc hỗ trợ các địa phương từ ngân sách dự phòng Trung ương các chi phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân.

Theo đó, hỗ trợ chi phí đối với những việc như: Bơm nước, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng trữ nước, khoan giếng, kéo dài đường ống cấp nước sạch, các thiết bị trữ nước, lọc nước, chở nước sinh hoạt. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị bổ sung nội dung hỗ trợ kinh phí phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng (theo quy định tại Điều 4, Luật Thủy lợi) vào Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30-6-2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay các đơn vị khai thác công trình thủy lợi được hỗ trợ tiền cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định tại Nghị định 96. Mức giá tối đa theo quy định tại Quyết định số 1050a/QĐ-BTC ngày 30-6-2018 quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích giai đoạn 2018 - 2020 đang bằng mức hỗ trợ được thực hiện từ năm 2013. Do đó, chỉ đủ trả lương cơ bản, chi phí quản lý doanh nghiệp, vận hành, một phần chi phí bảo trì nên các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

Theo quy định tại Nghị định 96, các khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp chỉ được tính trong điều kiện thời tiết bình thường (nguồn nước bảo đảm các công trình thủy lợi có thể vận hành theo công suất thiết kế), không bao gồm chi phí phòng chống thiên tai. Trường hợp thời tiết bất lợi, xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, khoản hỗ trợ trên sẽ không đủ để thực hiện các giải pháp cần thiết, nên việc hỗ trợ các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi là cần thiết.

Đỗ Trưởng - Hoàng Tùng