Nông dân nghèo nuôi con thành đạt
(Cadn.com.vn) - Là hộ nông dân nghèo miền núi vượt khó, nuôi con thành đạt, bà Mạc Thị Nhi (1968, thôn Hội Phước, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) là 1 trong 6 tấm gương tiêu biểu được chọn giao lưu tại Hội nghị tổng kết các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015 do UBND huyện tổ chức vào ngày 11-6.
Bà Nhi cho biết, năm 1987, bà cùng ông Phan Nghĩa (1967) lập gia đình với vốn liếng cha mẹ cho là 1 con bò nuôi đẻ. Hai vợ chồng làm lụng vất vả quanh năm, đầu tắt mặt tối trên các mảng rừng keo lá tràm nhưng cũng chỉ đủ ăn. Rồi 3 đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống của gia đình ngày càng thêm khốn khó.
Hai năm trúng mùa, một năm thất bát xem như thua lỗ, vì vậy nghèo vẫn hoàn nghèo. Lúc đó, vợ chồng bà mới bàn nhau phải cho con cái học hành đàng hoàng, chỉ có tri thức mới tạo cuộc sống ổn định hơn. Con cái thấy cha mẹ cực khổ, muốn xin nghỉ học để đỡ gánh nặng nhưng bà nhất quyết không đồng ý vì lo mai này đời tụi nó cũng cực khổ như mình.
Nhớ lại những ngày tháng vất vả đó, bà Nhi tâm sự, từng trải qua tuổi thơ khốn khó nên ước mơ "nuôi chữ" được vợ chồng bà gửi gắm lại cho những đứa con. Dù ở đâu, làm gì thì tri thức vẫn quan trọng nhất, vì vậy, ngay từ khi các con còn nhỏ, vợ chồng bà đã truyền cho các con niềm say mê và ý thức tự giác học tập, kiên trì kèm cặp, uốn nắn để việc học hành của các con đi vào nề nếp.
Bà Mạc Thị Nhi chăm sóc đàn bò phát triển kinh tế gia đình. |
Bà Nhi nhớ lại: "Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu mình đã vượt qua giai đoạn đó như thế nào. Chỉ nhớ rằng khi đó, của cải trong nhà chỉ là hạt lúa, củ khoai, cho nên vợ chồng sẵn sàng làm thuê bất cứ việc gì để có tiền cho các con ăn học. Mỗi lần nhận được tin con sắp về nhà là sấp ngửa chạy vạy để cho con vài trăm ngàn đồng, 10kg gạo mang xuống trường". Lo việc học hành cho con luôn là gánh nặng đối với những gia đình nghèo. Nhưng với tấm lòng của người cha, người mẹ, vợ chồng bà lúc nào cũng mong muốn cho con mình học tốt và thành đạt, cho dù phải chịu nhiều vất vả mưu sinh.
Đối với vợ chồng bà, năm 2006 là năm mở đầu cho mừng vui và bao lo toan khi con gái đầu Phan Thị Phước (1988) thi đỗ đại học Sư phạm. Nỗi lo bức thiết về tài chính đã khiến vợ chồng bà quyết tâm lấy giọt mồ hôi, sức lao động để đáp ứng cho con ăn học. Sáng, chiều, ông bà miệt mài trên rừng, dưới ruộng, tận dụng từng mét đất bỏ hoang kết hợp với chăn nuôi bò, nhưng chừng đó vẫn chưa trang trải đủ nên gia đình hết sức tiết kiệm, tằn tiện trong bữa ăn để dành dụm chi phí cho con.
Rồi đến các đứa kế cận Phan Thị Hoài Thương (1992), Phan Văn Như Tịnh (1995) cũng với ước mơ làm nhà giáo như người chị lần lượt bước vào giảng đường. Mọi vất vả vợ chồng bà lo toan sẽ còn kéo dài cho đến khi người con trai út (đang học năm 2 khoa Lý, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) ra trường...
Hiện tại, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng bà vẫn luôn nhắc nhở, động viên các con tích cực học tập, trau dồi nghề nghiệp, góp phần xây dựng phát triển quê hương. Hằng năm, gia đình bà được công nhận là "Gia đình văn hóa, hiếu học tiêu biểu" được các cấp khen thưởng...
Nhìn sự trưởng thành của các con, vất vả dường như tan biến bởi những cố gắng, nỗ lực của vợ chồng bà Nhi, ông Nghĩa đã được các con đáp đền xứng đáng.
An Dương