Nông dân Quảng Nam chồng chất khó khăn
(Cadn.com.vn) - 39.000 tỷ đồng là con số thống kê thiệt hại do mưa lũ kéo dài ở miền Trung được Bộ NN&PTNT công bố tại Hội nghị khôi phục sản xuất sau mưa lũ tại các tỉnh miền Trung tổ chức tại Quảng Nam. Mưa lũ kéo dài tại miền Trung thời gian qua khiến ngành nông nghiệp thiệt hại nặng, nhiều diện tích hoa màu, đồng ruộng của nông dân bị chìm ngập trong bùn khiến công tác sản xuất khó khăn, đặc biệt nông dân đang khát giống để tái sản xuất...
Những ngày tết đang đến gần thế nhưng hàng trăm hộ nông dân ở Quảng Nam vẫn chưa thể an lòng. Tranh thủ trời vừa hửng nắng, bà con nông dân thôn Bàu Tròn ra đồng xới vài luống rau để còn ăn tết. Với bà Phan Thị Mai (trú thôn Bàu Tròn, xã Đại An, H. Đại Lộc) tết sắp đến nặng nỗi lo âu: "Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến tết mà trong nhà chưa sắm sửa được gì. Xuống giống cả 3 sào rau với ớt, đậu, khổ qua mất hết. Ai cũng yên tâm nghĩ qua 23-10 âm lịch rồi, không còn lụt nữa nên đầu tư đổ hết vào vụ rau cuối năm. Ai ngờ! Không có tiền bán rau thì tết ni lấy chi mà mua sắm". Không chỉ lũ lụt bất ngờ mà một tháng ròng mưa lớn liên tục cũng khiến bà con nông dân không kịp trở tay. "Nông dân thì chỉ biết trồng trọt thôi vậy mà lần nào xuống giống cũng bị mưa làm trôi hết. Cánh đồng rau này nhà tôi trồng vào tháng 9 âm lịch, với tổng kinh phí gần 30 triệu đồng. Gia đình kỳ vọng rất nhiều vào vụ rau này, bao nhiêu công sức đã đổ vào đó. Nếu vụ mùa trúng có thể lãi được gần 100 triệu, thế nhưng giờ thì mất trắng rồi. Cả xóm Bàu Tròn ai cũng chết đứng" - bà Nguyễn Thị Chín cho biết.
Thiên tai chồng thiên tai, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc cho biết: "Chỉ trong một tháng xảy ra 2 đợt lũ, thiệt hại hơn 12 tỷ đồng. Toàn huyện có 2.500ha, hoa màu bị ngập sâu kèm mưa kéo dài nên không thể khắc phục. Vùng thiệt hại nặng nhất là các xã đã xuống giống như Đại Nghĩa, Đại An và Đại Hồng, trong đó vựa rau ở thôn Bàu Tròn xã Đại An có đến 50ha/120ha trồng rau của huyện bị hư hỏng 100%.
Nông dân trắng tay vì mưa lớn kéo dài hàng tháng trời. |
Quảng Nam là vựa rau lớn cung cấp cho các khu vực lân cận trong đó có TP Đà Nẵng. Tuy nhiên vùng trồng rau củ quả chủ lực phục vụ cho Tết Nguyên đán hầu như không trồng được, khiến nông dân thất thu nặng nề, gây mất ổn định nguồn cung ứng thực phẩm của địa phương "Huyện đang tập trung kiểm tra và giúp nông dân để cứu những vùng thiệt hại ít sớm ổn định thị trường rau, còn những chỗ thiệt hại 100%, huyện đang kiến nghị cấp trên hỗ trợ giống cho nông dân sớm ổn định sản xuất trong thời gian sớm nhất cho kịp mùa vụ, không để nông dân thiếu giống mà để đất trống..." - ông Mẫn nói. Không chỉ những vựa rau lớn mà nhiều héc-ta diện tích lúa đông xuân trên địa bàn phải gieo sạ lại. Tại H. Thăng Bình, sau nhiều ngày mưa kéo dài cánh đồng xã Bình Trung bị ngập trong nước làm hạt lúa bị trôi lấp. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn H. Thăng Bình đến nay toàn huyện đã có hơn 800 ha diện tích lúa gieo sạ vụ đông xuân bị hư hại hoàn toàn.
Tranh thủ nước rút bà con nông dân khẩn trương làm đất để gieo sạ lại. Nhiều hộ phải gieo sạ đến lần thứ 3. Anh Nguyễn Tấn Trung (trú xã Bình Trung) than thở: "Làm lúa vốn chỉ đủ ăn thôi mà nay tiền mua giống đã ăn đứt tiền lời rồi. Đó là chưa kể các thứ phân bón, thu hoạch sau này. Năm ni đúng là nông dân tụi tui gặp hạn cả năm rồi". Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết Sở đã có phương án trình UBND tỉnh kiến nghị với trung ương hỗ trợ bằng tiền cho nông dân tự mua giống sản xuất. "Chỉ riêng tại Quảng Nam thiệt hại toàn ngành nông nghiệp ước tính hơn 500 tỷ đồng. Đặc biệt đây lại là vụ mùa chính trong năm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán nên ảnh hưởng vô cùng lớn. Để linh động địa phương hỗ trợ tiền vì nông dân họ thích trồng cây gì thì họ mua giống cây đó, đặc biệt không để nông dân thiếu giống sản xuất trong vụ đông xuân", ông Muộn cho biết.
H.D