Nông dân tất bật với vụ hoa Tết
(Cadn.com.vn) - Còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết âm lịch, nhưng trên khắp các cánh đồng hoa tại Đà Nẵng, bà con nông dân đã bắt đầu tất bật tưới tiêu, chăm bón ngày đêm, mong hoa nở đúng dịp và bội thu vụ Tết. Trước tình hình thời tiết thất thường, công tác trồng hoa đã gặp khá nhiều khó khăn.
Trông nắng, trông mưa...
Dạo quanh một số vườn hoa ở các quận trên địa bàn thành phố, không khí rất sôi nổi. Mặc dù thỉnh thoảng trời đổ ập một cơn mưa nhưng những người lao động tại đây vẫn không ngơi tay bón phân, che chắn, nâng đỡ cành lá, nhặt búp, hái đọt... Nếu như những năm trước, tình hình thời tiết ổn định, công việc chăm sóc cây trồng vụ Tết diễn ra khá thuận lợi thì năm nay, việc trời lạnh trễ và ít mưa đã gây không ít khó khăn cho bà con trồng hoa. Ông Nguyễn Thành Chiến, Chi hội trưởng Chi hội 11 (P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu), cho biết: "Năm nay, trời ít mưa nên cây phát triển rất chậm, lại bị bệnh, nấm đến 70 - 80%. Nghề trồng cây là nghề nhờ trời nên phải chịu, chỉ biết tìm cách khắc phục thôi chứ không ngăn chặn được. Những ngày gần đây mưa nắng thất thường, không liệu trước được, nhiều khi vừa bơm thuốc cho cây xong thì trời đổ mưa, vậy là thuốc trôi hết, phải bơm lại". Theo đó, loại thuốc đầu tư để phun tưới cho cây có giá thành khá cao. Vì vậy mà mỗi khi bị mưa trôi thuốc, người làm vườn phải tốn chi phí bơm lại từ đầu mới mong cây sinh trưởng và phát triển đúng tiến độ.
Hoa Tết được người dân gieo trồng khá đa dạng, từ những chậu cây cố định như hướng dương, mãn đình hồng, thược dược, vạn thọ cho tới các loại hoa nhỏ như dạ yến thảo, đỗ quyên..., nhưng nhiều nhất vẫn là cúc và ly. Các giống hoa chủ yếu được nhập từ Đà Lạt, Hà Nội với nhiều chủng loại. Đối với hoa cúc, người dân mua lại từ các trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học ở Đà Lạt với mô hình cấy mô trong lọ thí nghiệm, khi mô phát triển thành cây con thì nhập về trồng vào chậu. Trong khi đó, hoa ly được các chủ vườn nhập về nguyên củ với số lượng lớn. Tuy nhiên, quá trình đóng hàng cũng như việc vận chuyển đường xa khiến củ hoa ly hư hại khá nhiều, ước tính khoảng 20% trong tổng số nhập về. So với năm ngoái, giá mầm hoa năm nay có tăng nhẹ, song bù lại các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại có giá không đổi nên người nông dân cũng đỡ chật vật hơn trong công tác đầu tư vốn ban đầu.
Theo những người làm thuê tại vườn, các mầm cây ở đây được trồng vào khoảng cuối tháng 7 âm lịch, đến tháng 12 âm lịch sẽ thu hoạch và bỏ sỉ cho các đầu mối hoa trong nội thành và một số tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị... Rất khó nói trước được giá cả đầu ra cho các loại hoa năm nay, vì phải tùy vào chất lượng sản phẩm thì mới định giá được, nhưng dự đoán với tình hình khó khăn như hiện nay, giá hoa có thể sẽ tăng nhẹ hơn so với mọi năm.
Người nông dân ra sức chăm sóc cây trồng cho kịp vụ hoa Tết. |
Thức đêm cùng cây
P. Hòa Cường Bắc có diện tích 15.000 m2 cho nông dân trồng hoa dịp Tết. Nơi đây tập trung 8 chủ vườn với khoảng 12.000 chậu cây các loại. Để đảm bảo các công tác tưới tiêu, chăm bón, các chủ vườn hoặc những người làm thuê thường dựng một lán nhỏ bên trong vườn, túc trực ngày đêm, cũng vừa là đề phòng mất cây. Vì thời điểm này, cây đang trong giai đoạn phát triển, do đó các chủ hộ phải kéo dây điện, giăng bóng đèn chiếu sáng ngoài trời. Càng gần những tháng cận Tết, công việc ở vườn lại càng tất bật, mọi người phải làm việc luôn tay bất kể nắng mưa.
Đặc biệt là những công đoạn quan trọng như nhặt búp, hái đọt phải làm dứt điểm trong vòng 3 - 4 ngày thì mới hiệu quả và cây cũng cho hoa chất lượng. Để đảm bảo tiến độ công việc, các chủ vườn phải thuê thêm nhiều nhân công, trong đó có cả sinh viên phụ việc ở vườn, thay phiên canh giữ ban đêm, thường xuyên kiểm tra từng chậu cây để có cách khắc phục nấm, bệnh kịp thời.
Ông Trần Văn Lý tự tay hái lá sâu cho từng chậu cây. |
Ông Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân P. Hòa Cường Bắc cho biết: "Mỗi năm, chúng tôi đều phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn về trồng cây, chăm bệnh, truyền đạt cho nông dân những kiến thức cơ bản về các loại cây trồng cũng như trao đổi kỹ thuật trồng cây, giúp nông dân nâng cao tay nghề, có một mùa bội thu". Với cách làm cũng như sự quan tâm của Hội, những năm qua, nhiều hộ sau khi trừ các chi phí đã thu lãi đến 30 - 40% vốn đầu tư ban đầu. Năm nay, một số hộ cũng đã mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây khó chăm như hoa ly, điển hình như hộ ông Nguyễn Quang Trí (Chi hội 11) nhập về gần 20.000 củ, hộ ông Nguyễn Quang Định, Trần Ngọc Minh (Chi hội 11) mỗi hộ gần 10.000 củ hoa ly...
Có thể thấy, nghề trồng hoa Tết vẫn còn bấp bênh và gặp nhiều khó khăn, một phần do đất canh tác có hạn, các giống hoa phải nhập ở xa về, phần vì tình hình thời tiết thất thường, khắc nghiệt. Tuy nhiên, với sự chịu thương chịu khó và sự quan tâm, theo sát của các cấp Hội Nông dân, hy vọng người nông dân sẽ có một mùa Tết bội thu và đầm ấm.
Thảo Vy