Báo Công An Đà Nẵng

Nông dân Thái nổi giận

Thứ ba, 18/02/2014 09:59

(Cadn.com.vn) - Thách thức nhân đôi dành cho Thủ tướng Yingluck Shinawatra khi nông dân vốn vẫn chưa nhận được tiền gạo từ văn phòng chính phủ tạm thời.

Xung quanh văn phòng tạm thời của Thủ tướng Yingluck bỗng chốc biến thành biển người trong ngày 17-2.Hàng trăm nông dân trồng lúa được hưởng chính sách trợ giá gạo vẫn chưa được trả tiền bao vây tòa nhà này, đe dọa xông vào nếu Thủ tướng không ra ngoài đối chất.

Người nông dân đối mặt với lực lượng chống bạo động trước văn phòng chính phủ tạm thời hôm 17-2. Ảnh: Reuters

“Thủ tướng bỏ mặc nông dân”

Khó khăn leo thang và chồng chất khi người nông dân, từng giúp đảng Peau Thai nắm trọn quyền lực trong cuộc bầu cử năm 2011, xuống đường trong lúc hàng ngàn người biểu tình đòi Thủ tướng từ chức bao quanh Tòa nhà Chính phủ.

Kênh truyền hình Bluesky TV - kênh truyền hình của người biểu tình chống chính phủ - phát đi hình ảnh đám đông nông dân giơ cao các băng rôn ghi rằng: “Thủ tướng Yingluck bỏ mặc nông dân”. Hình ảnh truyền hình trực tiếp cho thấy, nông dân trèo qua hàng rào dây thép gai và hàng rào barie tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở phía bắc Bangkok, nơi bà Yingluck thành lập văn phòng tạm thời. Họ đẩy lùi một hàng rào cảnh sát chống bạo động, buộc lực lượng này phải rút lui. Nhưng, họ không vào tòa nhà. “Thủ tướng giàu có nhưng chúng tôi thì không. Làm thế nào để chúng tôi nuôi con? Tôi muốn bà Yingluck phải nghĩ nhiều hơn về chúng tôi”, một nông dân biểu tình nói.

Điều may mắn là, cho đến nay, cuộc biểu tình của nông dân vẫn tách biệt hoàn toàn so với phong trào phản đối chống chính phủ rộng lớn hơn, với khoảng 10.000 người vẫn đang bao quanh Tòa nhà Chính phủ ở trung tâm Bangkok. “Chúng tôi sẽ sử dụng xi-măng để đóng cửa Tòa nhà Chính phủ, để nội các không thể đi vào hoạt động”, Nittitorn Lamrue, một trong số lãnh đạo biểu tình cho biết.

Hiện người biểu tình di chuyển hàng rào bê-tông chặn lối vào Tòa nhà Chính phủ, đổ xi-măng vào hàng rào, hành động mà họ nói là “cử chỉ tượng trưng” cho việc các tòa nhà bị đóng cửa. Người biểu tình tràn vào các căn cứ của Bộ Giáo dục gần đó. Lãnh đạo biểu tình yêu cầu các quan chức làm việc ở đó phải rời tòa nhà, hoặc tham gia phong trào của họ.

Vì sao chính phủ vẫn nhẹ tay?

Bộ trưởng Lao động Chalerm Yoobamrung, người chịu trách nhiệm về các hoạt động an ninh, cho biết, cảnh sát sẽ đẩy mạnh kế hoạch giành lại quyền kiểm soát 5 khu vực biểu tình ở thủ đô Bangkok từ tay người biểu tình, trong đó có một khu vực gần Tòa nhà Chính phủ.

Nhưng công việc này dự đoán sẽ rất gian nan và mất nhiều thời gian trong bối cảnh chính phủ vẫn không trấn áp mạnh tay nhằm vào những người chống đối. Giới phân tích cho rằng, đó chính là sự khôn khéo của chính phủ Thủ tướng Yingluck. Lực lượng an ninh chỉ kháng cự khi người biểu tình di chuyển để chiếm các Bộ, nút giao thông quan trọng trong vài tháng qua. “Có đủ binh lính và cảnh sát bên trong Tòa nhà Chính phủ để bảo vệ tòa nhà và các căn cứ”, Trưởng Hội đồng An ninh Quốc gia Paradorn Pattanathabutr nói với Reuters. Theo ông, vì những người biểu tình cho biết sẽ không vào bên trong, nên “chúng tôi nghĩ sẽ không xảy ra đối đầu”. Vì sao chính phủ bà Yingluck vẫn nhẹ tay với người biểu tình?

Có lẽ, Thủ tướng Yingluck vẫn bị ám ảnh bởi những ký ức về một cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu năm 2010, vốn giết chết hơn 90 người của phe Áo đỏ thân Thaksin. Dù có cách tiếp cận thận trọng, 11 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong hàng chục vụ bạo lực lẻ tẻ giữa người biểu tình, lực lượng an ninh và những người ủng hộ chính phủ.

Mặc dù những người biểu tình, dẫn đầu bởi cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, tuyên bố sẽ vẫn còn trên đường phố cho đến khi lật đổ chính phủ bà Yingluck và mở ra những cải cách chính trị, song phong trào này đang chứng kiến sự giảm nhiệt. Nhưng một cơn bão thứ hai sẽ đến nếu họ kết nối được với phong trào phản đối của nông dân.

Khả Anh