Báo Công An Đà Nẵng

Nông dân trẻ “dám nghĩ, dám làm”

Thứ hai, 27/04/2015 11:14

(Cadn.com.vn) - Về thôn 5 (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, Đà Nẵng), chúng tôi khá ngạc nhiên khi bước vào khu chuồng trại nuôi heo công nghệ cao của anh nông dân Nguyễn Duy Tuấn (1982) với kinh phí đầu tư, xây dựng gần 2 tỷ đồng. Hệ thống chuồng trại được làm khép kín, các quy trình xử lý khoa học nên hầu như không có mùi hôi đặc trưng trong chăn nuôi heo. Nhờ đó, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người dân xung quanh; đồng thời giúp heo tăng trưởng nhanh.

Theo anh Tuấn, anh bắt đầu ý tưởng nuôi heo từ năm 2006. Trong 4 năm đầu tiên, anh thu gom nước cơm heo từ nội thành về chăn nuôi. Và cũng chừng ấy năm, anh liên tiếp thất bại với khoảng thua lỗ gần 100 triệu đồng. Không nản chí, anh tiếp tục mày mò, tìm hiểu và bắt đầu chuyển sang nuôi heo nái mang thai bằng thức ăn bột do Thái Lan sản xuất. Từ đây, ý tưởng chăn nuôi con heo công nghệ cao đã được anh nhóm lên và bắt tay vào thực hiện một cách táo bạo vào giữa năm 2014. Nhớ lại giai đoạn này, chị Nguyễn Thị Thanh Phương (vợ anh Tuấn) cho biết: “Khi nghe anh ấy vạch kế hoạch chi tiết cùng những hứa hẹn thành công, cả nhà ai cũng mừng, ngặt nỗi kinh phí đầu tư quá lớn. Nhưng rồi, cả gia đình hai bên đều cũng ủng hộ. Thế là hơn 10 bìa đỏ của người thân cho mượn đem thế chấp hết để có tiền xây dựng chuồng trại”. Ngày anh Tuấn khởi công cơ sở nuôi heo, chúng tôi đã đến xem và được anh giới thiệu khái quát về mô hình này nhưng đến khi trở lại, chúng tôi mới hiểu rõ hơn về quy trình nuôi heo công nghệ cao này.

Anh Tuấn với khu chuồng trại nuôi heo công nghệ cao.

Trên diện tích rộng 250m2, chuồng trại được xây dựng theo quy trình khép kín, chia thành hai khu: khu nái và khu nái đẻ với tổng cộng 40 chuồng. Hệ thống làm lạnh tự nhiên của chuồng trại cũng đáng để những ai đến tham quan lưu tâm. Với tấm nhựa rất đặc biệt là tỏa hơi lạnh sau khi qua nước được anh Tuấn cất công vào TPHCM tìm kiếm, mua về với giá trị hơn 30 triệu đồng. Hệ thống sưởi ấm heo hậu bị, máy quạt thông gió, máy đo thân nhiệt heo... cũng rất hiện đại. Đó là chưa nói đến heo nái giống được nhập từ Mỹ với giá mỗi con hơn 10 triệu đồng và chỉ thích nghi trong môi trường nuôi hiện đại. Bất chấp cái nắng nóng rát da, rát thịt, 20 con heo to lớn có trọng lượng xấp xỉ 300kg/con, đuôi cụt ngủn vẫn chìm sâu vào giấc ngủ trưa...

Từ các nguồn vốn vay hơn 1,6 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu, đến nay sau khi xuất chuồng hơn 400 con heo thịt, số nợ ngân hàng của anh Tuấn chỉ còn 900 triệu đồng đã phần nào nói lên tính hiệu quả của mô hình này. Anh Tuấn dự định: “Hiện nay, tôi đã xây dựng xong đề án mở rộng cơ sở chăn nuôi với quy mô hơn 1.000 con. Tuy nhiên, cái khó là đòi hỏi nguồn vốn đầu tư hơn 17 tỷ đồng, lại kèm theo điều kiện là khu chăn nuôi phải được quy hoạch mới tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 210 của Chính phủ”... Trên thực tế, chăn nuôi heo trong phòng lạnh là giải pháp giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi chi phí cao, các hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ sẽ khó có thể áp dụng. Do đó, để có được một mô hình chăn nuôi heo công nghệ cao lý tưởng và đạt năng suất cao cần có sự hỗ trợ của các đơn vị có liên quan.

Việc “dám nghĩ, dám làm” như anh Tuấn chắc sẽ để lại nhiều ấn tượng cho các bạn trẻ nông thôn trên chặng đường lập nghiệp của mình. Mong sẽ có nhiều tấm gương chịu khó như thế để những tiềm năng về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên lẫn xã hội của vùng nông thôn Hòa Vang ngày càng phát lộ hơn.

An Dương