“Nóng” lãi suất huy động hơn 12 tháng
(Cadn.com.vn) - Trong khi lãi suất trần huy động “rớt” xuống 9%/năm, thị trường huy động vốn trong những ngày gần đây lại “xôn xao” với mức lãi suất tiết kiệm 14%/năm. Một số NHTM đang rốt ráo chạy đua huy động loại kỳ hạn hơn 12 tháng với lãi suất thỏa thuận khá cao. Người gửi tiết kiệm đang loay hoay tìm nơi “mua vốn” để được hưởng mức lợi tức cao nhất.
“THẢ NỔI” LÃI SUẤT HUY ĐỘNG TRUNG, DÀI HẠN!
Theo quy định mới, các NHTM có quyền ấn định lãi suất thỏa thuận theo cung - cầu vốn thị trường đối với các loại vốn huy động từ 12 tháng trở lên. Chính vì vậy, khi Thông tư 19/202/TT-NHNN có hiệu lực (11-6), các NHTM đã tìm cách “đẩy” lãi suất lên khá cao so với thời gian trước.
NH Đông Nam Á (SeABank) áp dụng mức 12%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, các mức còn lại cho các kỳ hạn từ 12-18 tháng sẽ ở khoản từ 11-11,5%/năm. NH Xuất nhập khẩu Việt
Như vậy, sau một tuần áp dụng quy định trần lãi suất mới, các NHTM đã chính thức bước vào “cuộc đua đường dài” với những mức lãi suất hấp dẫn. Sự cạnh tranh huy động vốn ở kỳ hạn trung, dài hạn đã trở nên “nóng” khi mức chênh lệch lãi suất huy động vốn giữa các NHTM khối cổ phần đã có sự thu hẹp nhanh chóng.
Một số NHTM đã có dấu hiệu mất nguồn sau thời điểm áp dụng trần lãi suất mới, lượng tiền gửi của một vài NH có ngày giảm tới 40 tỷ đồng. Ngoài việc khách hàng rút tiền gửi qua NH lớn do tâm lý còn có khả năng một số NH khác tiếp tục “xé rào” lãi suất và huy động tiền gửi trung, dài hạn với lãi suất cao “ngất ngưởng” như trên. Để giữ chân khách hàng, một vài NH đành “bấm bụng” tặng thêm 0,6-0,7% lãi suất bằng nhiều hình thức quà tặng khuyến mãi.
NamABank áp dụng mức 11,5%/năm cho các kỳ hạn 12, 13, 18, 24 và 36 tháng.
NGUYÊN NHÂN TỪ ĐÂU?
Thật ra, việc “đẩy” lãi suất lên cao ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là phù hợp với tinh thần của Thông tư 19. NHNN lý giải việc thả nổi lãi suất huy động kỳ hạn dài sẽ tạo cơ hội cho các NHTM cơ cấu lại nguồn vốn và “cởi trói lãi suất” sẽ nhằm động viên nguồn tiền gửi trung và dài hạn. Đây cũng là một động tác cơ bản nằm trong lộ trình dỡ bỏ trần lãi suất huy động thời gian tới.
Một số NH trước đây sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Nay, họ phải đẩy lãi suất lên cao để thu hút khách gửi tiền nhằm cân đối lại nguồn vốn. Một số chuyên gia NH cũng cho rằng, việc lãi suất trung dài hạn cao hơn ngắn hạn là đúng với quy luật thị trường. Trước dây, do thiếu thanh khoản, một số NHTM đã huy động kỳ hạn ngắn theo tuần, thậm chí theo ngày với lãi suất rất cao, ngược lại, các kỳ hạn huy động dài hạn lại có lãi suất thấp hơn. Nay, chính sách huy động vốn phải trở lại quy luật “đường cong lãi suất”, đúng với bản chất của hoạt động của NH. Điều này có nghĩa, trong huy động và cho vay, thời gian càng dài, lãi suất sẽ càng cao và ngược lại.
Nhận định về việc “thả nổi” lãi suất huy động trung, dài hạn, Phó Tổng Giám đốc NH HSBC Huỳnh Bửu Quang cho rằng, động thái dỡ trần huy động kỳ hạn dài của NHNN là tạo điều kiện để các nhà băng thu hút được nhiều vốn dài hạn, bù đắp sự thiếu hụt do mất cân đối giữa vốn dài hạn và ngắn hạn. Tuy nhiên, điều quan ngại nhất là các NHTM “lách luật” bằng cách huy động kỳ hạn dài, trả lãi suất cao nhưng trên thực tế, họ lại cho khách hàng rút trước hạn.
Cho dù thế nào đi nữa, các NH cũng không thể “nhắm mắt” lao vào cuộc đua lãi suất mà không có điểm dừng. Họ phải biết cân nhắc xu hướng lãi suất trong tương lai, tính toán chi phí để đưa ra mức lãi suất huy động hợp lý nhất.
ĐÃ ĐẾN LÚC BỎ “TRẦN LÃI SUẤT”?
Việc sử dụng trần lãi suất trong thời gian qua đã có những tác dụng nhất định trong việc bình ổn thị trường tiền tệ. Thế nhưng sự lạm dụng quá nhiều của công cụ này sẽ gây ra những hệ lụy khó lường. Theo lý thuyết kinh tế, khi hàng hóa (không độc quyền) bị áp giá trần sẽ gây ra tổn thất vô ích. Khi trần lãi suất huy động thấp hơn mức cân bằng của thị trường, vốn huy động của NH giảm do lãi suất tiền gửi không còn hấp dẫn. Người gửi tiền sẽ rút tiền ra, tìm kênh đầu tư mới hoặc cất giữ dưới hình thức vàng hay ngoại tệ mạnh. Do thiếu hụt nguồn cung nên NH phải tăng lãi suất cho vay. Điều này trái với những nhận định, áp dụng trần lãi suất thấp sẽ dẫn đến lãi suất cho vay thấp. Bên cạnh đó, việc áp dụng trần lãi suất trong thời gian qua đã đẩy các NHTM “nhỏ và yếu” đến tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và mất thanh khoản.
Ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng: “Không cần có khái niệm hạ lãi suất, mà nên điều hành nền kinh tế theo tín hiệu thị trường”. Còn TS Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả nhận định, đã đến lúc rút bỏ các biện pháp hành chính, để NH tự điều chỉnh, NHNN nên quản lý theo chất lượng tài sản có và nợ của NH, thay vì quản lý xem các NH có tuân thủ các quy định hành chính không? TS Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN cũng giữ nguyên quan điểm ủng hộ dỡ trần lãi suất.
Dù sớm hay muộn, NHNN phải bỏ trần lãi suất để thiết lập đường cong lãi suất bình thường theo quy luật tiền tệ. Trong lúc lạm phát giảm mạnh, NH thừa vốn, thanh khoản dồi dào, nếu kéo dài công cụ đó, thị trường tiền tệ sẽ méo mó, nền kinh tế bị thiệt hại. Trong điều kiện hiện nay “trần lãi suất” đã hết vai trò lịch sử. Có lẽ, đây là thời điểm tốt nhất để NHNN dỡ bỏ “trần” và trả lại lãi suất cho thị trường.
Văn Khoa