Nóng mặt với vay nóng (3)
* Bài cuối: sống chung với sợ hãi
(Cadn.com.vn) - Không ít những người từng là đại gia tiền tỷ, thậm chí có hàng chục tỷ trong tay, nhưng bây giờ hết thời, phải vướng vào vòng xoáy vay nóng, lãi suất cao và trở thành con nợ, luôn sống trong sợ hãi, ăn không ngon, ngủ không yên, có trường hợp nhà mình nhưng không dám ở. Tôi từng gặp nhiều người, họ không ngại kể chuyện của mình, chỉ xin né đi cái tên...
Những năm 2005-2007, cánh kinh doanh bất động sản nhiều người biết đến bà B. (Q. Hải Châu) như một đại gia. Trong tay bà lúc nào chẳng có trên dưới chục tỷ đồng. Nhưng từ khi thị trường nhà đất "đóng băng", bà B. thua lỗ, đổi vai thành con nợ. Trong lúc túng quẫn, bà phải tính chuyển đường làm ăn sang mua bán nhà nhỏ trong kiệt. Người ít cho bà vay đôi trăm triệu, nhiều thì 500 triệu đồng với lãi suất "cắt cổ" từ 10 đến 15%/tháng. Nhưng càng kinh doanh càng thua lỗ, nay bà phải còng lưng trả lãi, trong đó nhiều người bà đã hết khả năng trả. Vụ bà mượn của ông Tr., tay anh chị trong giới làm ăn với mình nhiều năm qua khiến tôi lạnh gáy.
Đầu năm 2012, bà vay nóng 300 triệu đồng với lãi suất 15%/tháng (tức mỗi tháng trả lãi 45 triệu đồng), đến nay không những chưa trả được gốc mà tiền lãi bà đã phải trả cho ông Tr. hơn 700 triệu đồng. Vay và trả lãi cho nhiều người, 2 căn nhà riêng của bà cũng phải bán hết để bớt đi gánh nặng. Tháng 5-2013, do đã hoàn toàn tay trắng, bà B. thương lượng mãi ông Tr. mới nể tình không tính lãi suất nữa, nhưng mỗi tháng bà phải trả dần gốc 50 triệu đồng. Mấy tháng gần đây, còn một hai người chưa trả được nợ và lãi nên bà trốn đi ở các nhà nghỉ, khách sạn khắp nơi, mặc cho chủ nợ liên tục cho "đệ tử" săn tìm.
Bà B. kể, chỉ trong vòng hơn 3 tháng trở lại đây, bà thay mới tới 15 sim rác, nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần thay xong chỉ sau vài tiếng đồng hồ thì các chủ nợ đều biết số, nhắn tin “hỏi thăm” liên tục. Họ còn đòi sẽ xử theo "luật rừng" kể cả với người thân bà nếu không trả nợ nhanh. Lo lắng, bà đành phải dặn mọi người trong nhà cẩn trọng, còn với mình mỗi khi có việc ra đường chỉ dám đi ban đêm và bịt khẩu trang kín mít, ĐTDĐ luôn ở chế độ... “of”.
Lực lượng CA khống chế một đối tượng trong nhóm đòi nợ thuê trên địa bàn Q. Hải Châu. |
Cùng cảnh khổ sở như bà B., trước đây chị L. ở P. Hòa Cường Bắc (Q. Hải Châu) lúc nào không có trong tay vài tỷ đồng cùng nhiều lô đất nhờ làm dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng. Thế mà hiện tại, chị lại trở thành con nợ lớn. Chuyện xuất phát từ việc chị quen biết với nhân viên ngân hàng, sau đó bỏ nhiều tỷ đồng cho nhân viên này làm dịch vụ đáo hạn để hưởng lãi 5% hàng tháng. Khi biết nhân viên này cũng bể nợ, phải nghỉ việc, chị chỉ cần thu hồi vốn nhưng... bất lực. Theo chị L., khổ nhất là trong số tiền đó có tới 60% là tiền chị huy động từ người thân, thậm chí nhiều người cầm sổ đỏ cho ngân hàng với lãi suất thấp để góp vốn cùng chị làm ăn sinh lời, hiện đang trong tình trạng mất nhà.
Chuyện vay nóng luôn kéo theo khá nhiều hệ lụy. Một thực tế cho thấy, những năm qua tình trạng "đòi nợ thuê" đang âm ỉ diễn ra khó lường. Lý do dẫn đến thực trạng các băng, nhóm đòi nợ thuê ngày càng manh động là do khoản “thù lao” chủ nợ trả cho họ rất béo bở. Nhiều con nợ cho hay, mỗi lần đòi được nợ, chủ nợ phải trả cho cánh đi đòi nợ 30-40% số tiền cần đòi. Thậm chí, bây giờ nhiều con nợ khó đòi chủ nợ chấp nhận chi 50-60%. Chưa biết có đòi được không nhưng đã thuê thì phải ứng trước tiền nước non, xăng cộ vài triệu hoặc vài chục triệu... “Chủ nợ cũng... khổ”, một người cho vay nóng ca cẩm rồi nhận xét rằng, trong đòi nợ thuê hiện nay, thậm chí có kẻ đòi nợ còn ăn hai mang, nghĩa là lấy tiền ứng của người thuê đòi xong, tìm hiểu phía người nợ không có khả năng trả thì cũng "hù" dọa kiếm chút đỉnh rồi... bỏ qua!
Nhiều đối tượng dùng kim tiêm để hù người vay nợ phải trả tiền. |
Với dân đòi nợ thuê, chúng bất chấp mọi thủ đoạn, từ khủng bố tinh thần đến hành hung, chỉ cần chủ nợ chi đẹp là chúng xuống tay làm tới. Có trường hợp còn đe dọa sẽ dùng kim tiêm nhiễm HIV để đe dọa người vay nợ. Thực tế nhiều năm qua, CATP Đà Nẵng đã triệt phá hàng chục băng, nhóm với hàng trăm đối tượng côn đồ hung hãn, trong số đó nhiều băng nhóm từng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT địa phương. Sau khi những trùm đòi nợ thuê khét tiếng luôn dùng "luật rừng" để khống chế người nợ bị chế tài những năm 2007-2008 như Trần Văn Dạ, Bùi Công Hổ và đồng bọn bị bắt giữ, ra tòa, các băng nhóm đòi nợ thuê có lắng xuống một thời gian, song gần đây lại âm ỉ trở lại.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng mà nòng cốt là lực CA, trong những tháng đầu năm 2013, nhiều vụ án liên quan đến cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... đã được bóc gỡ. Mới đây nhất, trên địa bàn Q. Hải Châu cũng xảy ra vụ việc cho vay nặng lãi giữa một số cá nhân trên địa bàn P. Hòa Thuận Tây. Theo thông tin ban đầu, qua quen biết nên các đối tượng đã cho bị hại vay tiền với lãi suất lên đến 60%/tháng và chỉ một thời gian ngắn số tiền vay ban đầu đã trở thành khổng lồ, buộc bị hại phải bán nhà cửa để trả nợ nhưng không đủ nên đành bỏ trốn khỏi địa phương. Cơ quan điều tra cho hay đang tiếp tục củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án theo Điều 163 Bộ luật Hình sự (tội cho vay nặng lãi). Đây cũng là trường hợp đầu tiên tại Đà Nẵng bị xử lý tội danh này một cách độc lập.
Với những băng nhóm, cá nhân bước vào con đường đòi nợ thuê, họ sẽ phải trả giá trước pháp luật, còn những người vướng vào con đường vay nóng cũng cần phải xem những sự việc đã rồi để rút kinh nghiệm bởi đây là vòng xoáy kéo theo vô số hệ lụy khó lường. Theo Luật sư Đỗ Pháp (Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp), thực trạng vay nóng ở Đà Nẵng nhiều năm qua đang khá phổ biến và ngày càng biến tướng dưới nhiều góc độ phức tạp. Minh chứng cho điều này là mỗi năm, văn phòng luật sư này tiếp hàng trăm trường hợp đến nhờ tư vấn có liên quan đến vay nóng, thế chấp...
Tuy nhiên, hầu hết những vụ việc diễn ra đều hình thành từ mối quan hệ quen biết nên họ cho vay theo kiểu không thế chấp, chỉ có giấy viết tay nên rất khó đòi, và hầu hết người cho vay không thu hồi được vốn. Bằng chứng là tất cả những vụ kiện hoặc hòa giải, cam kết diễn ra, người vay nợ đều không còn khả năng, cơ sở trả nợ, hoặc có nhưng rất ít. Trong khi đó, sự biến tướng trong vay nóng hiện nay các cơ quan luật pháp khó phân định được hành vi đó thuộc vấn đề dân sự hay hình sự nên còn lúng túng trong cách xử lý, giải quyết. Chính điều này đã dẫn đến nhiều vấn nạn khác như chủ nợ thuê người đòi nợ, sử dụng bạo lực dằn mặt, thậm chí đâm chém lẫn nhau, gây mất ANTT, TTATXH.
Xem ra, cuộc chiến xóa bỏ vấn nạn vay nóng, đòi nợ thuê vẫn còn lắm cam go.
Phóng sự: Công Hạnh - Nguyễn Tuấn