Báo Công An Đà Nẵng

"Nóng" nhân lực ngành Du lịch

Thứ hai, 15/08/2016 07:38

(Cadn.com.vn) - Vấn đề nguồn cung nhân lực cho ngành Du lịch Việt Nam vẫn luôn là đề tài “nóng” bởi sản phẩm “đầu ra” chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Mỗi năm, toàn ngành cần thêm 40.000 lao động, nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ có hơn 12% có trình độ đại học, cao đẳng trở lên. Sản phẩm “đầu ra” của các trường hiện vẫn được đánh giá chưa hoàn thiện về kỹ năng, lẫn năng lực chuyên môn.

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Trung, khoa Du lịch - Đại học Văn Hiến cho biết, một trong những nguyên nhân là do các trường đang thiếu hụt đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao và đúng chuyên ngành. Việc đào tạo nhân lực du lịch trình độ đại học và cao đẳng đã hơn 20 năm nay nhưng phần lớn giảng viên là người được đào tạo từ các ngành khác (ngành văn hóa, xã hội, quản trị kinh doanh). Do đó, việc giảng dạy chủ yếu dựa vào vốn kiến thức tự học, tổng hợp từ nhiều nguồn, từ kinh nghiệm. Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourism chia sẻ: Đầu vào của sinh viên ở một số trường đại học đào tạo ngành Du lịch hiện chưa cao. Sinh viên ra trường chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp du lịch tuyển dụng, phải đào tạo thêm, đào tạo lại. Thêm vào đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp, cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng nghề du lịch chưa tốt, chưa sát với thực tế. Ông Lưu Đức Kế cũng cho biết thêm, hiện Luật Du lịch 2005 chỉ có vài dòng đề cập đến đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong khi thực tế hiện nay Luật cần bổ sung, sửa đổi, nhất là trong nội dung đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch để phù hợp với yêu cầu xã hội.

Đến năm 2020 ngành Du lịch nước ta cần khoảng 870.000 lao động trực tiếp, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 là 7%/năm. Ngành Du lịch Việt Nam hiện được đánh giá là ngành có nhu cầu nhân sự cao gấp 2-3 lần so với các ngành trọng điểm khác như giáo dục, y tế, tài chính... Đề cập đến giải pháp đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương - Viện Du lịch bền vững Việt Nam cho rằng cần sớm xây dựng và thực hiện đề án thành lập Học viện Du lịch hoặc Đại học Du lịch ở Việt Nam đạt chuẩn quốc tế. Đây sẽ là cơ sở đào tạo đội ngũ lao động du lịch có trình độ cao, có khả năng đảm nhận vai trò nòng cốt trong hội nhập quốc tế của du lịch Việt Nam.

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch Việt Nam diễn ra tại Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Nhiệm vụ phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới hết sức nặng nề, nhưng cũng là vinh quang nếu chúng ta thực hiện được mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Riêng về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các khoa Du lịch ở các trường đại học, trung cấp, cao đẳng du lịch phải chấn chỉnh chất lượng đào tạo du lịch. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung trình độ nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch; đồng thời công nhận Bộ Tiêu chuẩn nghề quốc gia về Du lịch và thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN.

Gia Thuận