Báo Công An Đà Nẵng

Nông thôn mới Hòa Vang về đích

Thứ ba, 10/05/2016 10:30

(Cadn.com.vn) - Sáng nay (10-5), tại H. Hòa Vang, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2011-2015 và Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận H. Hòa Vang đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2015, về đích sớm hơn 5 năm so với lộ trình chung của cả nước.

Ban Dân vận Thành ủy tổ chức lễ ký kết với các đơn vị đăng ký giúp Hòa Vang
đẩy nhanh tiến độ XDNTM.

Hòa Vang là huyện nông thôn duy nhất của Đà Nẵng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, là một trong những địa phương được T.Ư chọn làm điểm để chỉ đạo sớm hoàn thành mục tiêu XDNTM. Với xuất phát điểm ban đầu rất thấp, chỉ có 4/11 xã đạt từ 9-15 tiêu chí, 3/11 xã đạt từ 6-8 tiêu chí, 4 xã đạt mức 4-5 tiêu chí, bình quân toàn huyện chỉ đạt  8/19 tiêu chí; 11/11 xã chưa được phê duyệt quy hoạch, 113/119 thôn chưa có nhà văn hóa đạt chuẩn, 7/11 xã chưa có chợ đạt chuẩn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 18,25%, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trên địa bàn chỉ đạt 43%, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn yếu, thiếu đồng bộ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chậm, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn...

Do đó, khi triển khai thực hiện XDNTM, Hòa Vang gặp rất nhiều khó khăn như sự tham gia giữa các cấp, ngành chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt; người dân và một số cán bộ chưa thực sự lĩnh hội một cách đầy đủ về chủ trương, nội dung và cách làm. Từ thực tế này, tháng 3-2012, BTV Thành ủy đã ban hành và triển khai Chỉ thị 18 về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP”. Theo đó, UBND TP ban hành Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2011-2020; tiếp đến là Quyết định 33 về Ban hành Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư XDNTM trên địa bàn Hòa Vang giai đoạn 2013-2016; trong đó chú trọng hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; phát triển sản xuất nông nghiệp. Ban Dân vận Thành ủy tổ chức lễ ký kết với 127 lượt đơn vị, tổ chức nhằm huy động tối đa nguồn lực để giúp Hòa Vang đẩy nhanh tiến độ XDNTM.

Qua 5 năm, TP Đà Nẵng đã huy động 2.411 tỷ đồng để đầu tư XDNTM. Nguồn vốn huy động từ các tổ chức giai đoạn 2012-2015 đạt 117 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 392,35 tỷ đồng, góp hơn 55.577 ngày công.

Sau khi kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành chương trình từ huyện đến xã và trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, huyện đã xác định lộ trình cho từng xã và chọn công tác xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế làm khâu đột phá trong XDNTM. Để phát huy vai trò chủ thể và huy động sức dân cùng chung tay thực hiện, công tác tuyên truyền đã được huyện chú trọng; trong đó các tổ chức mặt trận-đoàn thể từ huyện xuống thôn là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình.

Qua cách làm này, Hòa Vang đã phát huy tốt các nguồn lực trong cộng đồng, tạo sự chuyển biến tích cực cho bộ mặt nông thôn của huyện; trong đó có gam màu sáng từ những con đường giao thông nông thôn (GTNT). Nếu thời điểm năm 2011, toàn huyện chỉ có 3 xã đạt chuẩn tiêu chí GTNT thì đến nay, toàn huyện đã có 100% địa phương hoàn thành tiêu chí này với nguồn kinh phí đầu tư 572 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp hơn 244km đường GTNT, kiệt hẻm, nội đồng. Cùng với đường GTNT, các kết cấu hạ tầng khác cũng được TP và huyện chú trọng đầu tư xây dựng. Dấu ấn rõ nét như: Khu phố chợ Túy Loan, Khu dân cư Nam Cẩm Lệ. Các tuyến ĐT602, ĐT605 trở thành những phố mới rộng thênh thang. Nhiều chiếc cầu mới bắc qua sông Yên, Cu Đê, Túy Loan đã kết nối đôi bờ...

Bên cạnh đó, với quyết tâm lấy hiệu quả mô hình sản xuất và hình thức tổ chức sản xuất làm đòn bẩy nâng cao thu nhập, tiến đến giảm sâu và bền vững tỷ lệ hộ nghèo, trong thời gian qua từ nhiều nguồn vốn đầu tư, Hòa Vang đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để nhân rộng 50 mô hình làm kinh tế; trong đó có nhiều mô hình đã sớm khẳng định là hướng đi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương như mô hình trồng hoa cao cấp, nuôi cá nước ngọt, vùng sản xuất lúa giống, rau an toàn, thanh long ruột đỏ, nấm rơm, nấm sò, nuôi tôm thẻ chân trắng... đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động, thu nhập và hộ nghèo. Lao động nông thôn có việc làm thường xuyên đạt tỷ lệ trên 95,6%. Thông qua hình thức sản xuất hiệu quả đã góp phần tăng thu nhập cho người dân, đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 27,24 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,3% (theo chuẩn của TP).

Người dân thôn Phước Hưng Nam (xã Hòa Nhơn) mở rộng đường kiệt hẻm, tiếp tục xây dựng thôn kiểu mẫu NTM giai đoạn 2016-2020.

Kinh tế phát triển, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có những chuyển biến theo. Đến nay, toàn huyện đã có 11/11 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học, 100% trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại. Về cơ sở vật chất văn hóa, Hòa Vang đã huy động từ nhiều nguồn để đầu tư xây dựng và hoàn thiện; 100% xã có trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn, 100% thôn có Nhà văn hóa và khu thể thao thôn. Đối với tiêu chí nhà ở dân cư, 5 năm qua, huyện đã huy động các nguồn lực để chăm lo công tác an sinh xã hội, hỗ trợ xóa 289 nhà tạm, xây dựng mới và sửa chữa gần 1.600 nhà cho hộ chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, 244 nhà tránh bão lũ; không còn nhà tạm, 98,7% nhà ở kiên cố và bán kiên cố.

Từ một địa phương chưa có bệnh viện, đến nay Trung tâm Y tế huyện đã được xây dựng với quy mô hiện đại, 11/11 Trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Gần đây, thực hiện Chỉ thị 43 của Thành ủy về “Năm văn hóa-văn minh đô thị”, Hòa Vang đã linh hoạt kết hợp các mục tiêu của Chỉ thị với chương trình XDNTM và đạt nhiều kết quả tích cực trong việc huy động người dân tham gia bảo vệ môi trường, thu gom rác thải. Từ những chuyển biến tích cực đó, Hòa Vang đã tạo nền tảng vững chắc trong công tác xây dựng QP - AN vững mạnh.

Công tác củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được chú trọng, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm… Đến nay, số xã đạt chuẩn NTM là 10/11 xã (tỷ lệ 91%), hầu hết 19 tiêu chí, 39 chỉ tiêu NTM theo Bộ tiêu chí do T.Ư ban hành đều tăng so với năm 2010, nhiều tiêu chí, chỉ tiêu tăng cao, đạt sớm, đạt bền vững so với quy định của T.Ư; xã Hòa Bắc còn lại cũng đạt 17/19 tiêu chí. Hai xã NTM tiêu biểu Hòa Tiến, Hòa Phú được Chính phủ tặng thưởng mỗi xã 1 công trình phúc lợi tương đương 1 tỷ đồng.

Chương trình XDNTM chính là sự tiếp nối, phát huy ở một tầng cao mới, toàn diện hơn với mục tiêu cụ thể, không xa vời, trừu tượng và xác định được về một kết cấu hạ tầng KT-XH hiện đại, gắn nông nghiệp với sự phát triển của công nghiệp, dịch vụ... vì vậy Hòa Vang còn phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu giữ vững và phát triển thành quả đã đạt được.  “Chương trình XDNTM ở địa phương đã có những cách làm hay, thiết thực, mang lại hiệu quả cao bởi đây là chủ trương được nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực. XDNTM là trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa với mục tiêu hàng đầu là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân; tăng trưởng nông nghiệp bền vững, tạo diện mạo trù phú cho nông thôn, góp phần quan trọng ổn định và phát triển TP”, ông Trần Văn Trường - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang chia sẻ.

Vy Hậu