"Nóng" tình trạng nuôi thủy sản trái phép tại vịnh Mân Quang (2)
* Bài cuối: Sinh kế-bài toán khó
(Cadn.com.vn) - Trước thông tin của chính quyền về việc chấm dứt nuôi trồng thủy sản tại khu vực vịnh Mân Quang trong năm 2015, một số hộ dân đã có đơn đề nghị UBND thành phố xem xét "gia hạn" đến tháng 10-2016 để họ có thời gian thu hoạch sản phẩm. Bên cạnh đó, các hộ dân cũng tha thiết kiến nghị, nếu dự án này chưa triển khai thì thành phố linh động cho họ được tiếp tục nuôi thủy sản để ổn định đời sống. Khi nào dự án triển khai, chính quyền, chủ đầu tư thông báo cho dân trước 8 tháng, họ sẽ tự nguyện tháo dỡ, di dời lồng bè. Trong khi đó, theo chính quyền địa phương, vấn đề căn cơ nhất là phải tìm được sinh kế cho người dân.
Người dân xin "gia hạn"
Theo số liệu thống kê đến tháng 12-2015, tại khu vực vịnh Mân Quang có 146 hộ tham gia nuôi thủy sản. Và như chúng tôi đã đề cập, đa phần những hộ này đều thuộc diện di dời, bàn giao đất cho việc xây dựng Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang. Với nghề truyền thống là nuôi thủy sản nên sau khi di dời, các hộ này tận dụng mặt nước khu vịnh Mân Quang chưa triển khai dự án khu du lịch sinh thái để nuôi cá, nghêu, vẹm... Việc nuôi thủy sản tại đây là tự phát, gặp nhiều rủi ro nhưng không thể phủ nhận rằng đó là nghề đã giúp cho rất nhiều gia đình có được nguồn thu đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, khi đươc thông báo chấm dứt nuôi thủy sản, một số hộ đã có đơn kiến nghị gửi UBND quận, thành phố đề nghị xem xét được gia hạn thời gian di dời đến tháng 10-2016. Lý do các hộ nêu ra là do mới thả con giống nên chưa thể thu hoạch. Trong khi đó, số tiền đầu tư mua con giống của hộ ít nhất là 70 triệu đồng, hộ nhiều thì lên đến 100 triệu đồng, đó là chưa kể tiền đầu tư đóng lồng bè. Tất cả nguồn vốn này đều vay của ngân hàng nên nếu phải dừng ngay việc nuôi thủy sản thì người dân sẽ trắng tay.
Trước tình hình đó, ngày 4-12, Phòng Kinh tế Q. Sơn Trà phối hợp với ĐBP Sơn Trà và UBND 2 phường Thọ Quang, Nại Hiên Đông tổ chức cuộc họp để kiểm tra, xác minh đơn trình bày của người dân. Tại cuộc họp, Phòng Kinh tế tiếp tục thông báo các văn bản của UBND TP Đà Nẵng và UBND quận về việc chấm dứt nuôi thủy sản tại khu vực vịnh Mân Quang, yêu cầu các hộ không thả thêm con giống và chấp hành tháo dỡ, di dời lồng bè. Tuy nhiên, qua xem xét thực tế và lắng nghe nguyện vọng của người dân, Phòng Kinh tế quận cũng kiến nghị UBND thành phố xem xét gia hạn thời gian cho các hộ nuôi thủy sản tại đây cho đến tháng 10-2016 để có thời gian thu hoạch sản phẩm. Khi UBND thành phố thông báo triển khai dự án, các hộ sẽ chấp hành tháo dỡ, di dời lồng bè.
Tiếp đó, ngày 16-12, trong buổi làm việc với UBND P. Thọ Quang cùng các ban, ngành chức năng, các hộ dân cũng tha thiết đề nghị được gia hạn thời gian nhằm đảm bảo thời gian thu hoạch sản phẩm. Trên cơ sở kiến nghị của người dân, UBND P. Thọ Quang buộc các hộ dân trước mắt phải tự tháo dỡ những vật dụng che chắn nhếch nhác như bạt rách, tôn cũ... trên bè và các chòi trông giữ nghêu để đảm bảo mỹ quan đô thị. Đồng thời, yêu cầu không thả thêm con giống mới. Cũng qua cuộc họp này, UBND phường kiến nghị nếu chấm dứt việc nuôi thủy sản thì thành phố và các cấp quan tâm hỗ trợ bà con chuyển đổi ngành nghề phù hợp nhằm ổn định cuộc sống.
Việc người dân sinh sống trên các nhà lều của bè nuôi cá dễ dẫn đến hình thành "xóm nhà chồ". |
Sinh kế - bài toán khó!
Ông Đinh Văn An - Phó Chủ tịch UBND P. Thọ Quang nhìn nhận: Thực tế, việc người dân nuôi thủy sản tại khu vực vịnh Mân Quang đã đem lại 2 kết quả song hành, đó là việc đảm bảo nguồn thu quan trọng cho các hộ cũng như cung cấp các loại hải sản trên địa bàn. Những sản phẩm thủy sản người dân nuôi tại đây có giá trị kinh tế cao như cá mú, diêu hồng, nghêu, vẹm xanh... được thị trường chấp nhận. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào chuyển đổi nghề cho người dân khi chấm dứt nuôi thủy sản.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Hùng - Chánh Văn phòng UBND Q. Sơn Trà thừa nhận, việc người dân nuôi thủy sản là trái phép và nếu không chấm dứt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Cụ thể, đó là việc có thể hình thành một "xóm vạn đò kiểu mới" khi người dân chuyển lên sinh sống trên các nhà lồng, bè. Nếu để xảy ra vấn đề này thì quá trình giải quyết sẽ vô cùng phức tạp. Bên cạnh đó, việc nuôi thủy sản dù ít hay nhiều sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Mà đã là nuôi tự phát thì không ai dám đảm bảo chất lượng của các loại thủy sản có bị nhiễm độc hay không vì nguồn nước bị ô nhiễm.
Chúng tôi đặt vấn đề tìm sinh kế cho người dân, ông Hùng thẳng thắn: Thực tế, người dân ở đây sống bằng nghề biển nên cách chuyển đổi nghề phù hợp nhất là Nhà nước, thành phố phải hỗ trợ vốn để người dân đóng mới tàu thuyền vươn khơi. Các hộ phải nhìn xa hơn cho tương lai, nghĩa là việc đóng mới tàu thuyền không chỉ cho thế hệ mình mà là cho con, cháu mình, cho nhiều năm sau nữa. Kinh tế biển là một trong những ngành mũi nhọn của Sơn Trà, vì vậy, việc vươn khơi làm ăn là hoàn toàn phù hợp. Cũng nói về sinh kế cho người dân, ông Đinh Văn An cho biết thêm, tại các cuộc họp, chính quyền địa phương đã thông báo, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước, thành phố về việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, các hộ dân không mấy mặn mà vì tâm lý "trụ được ngày nào hay ngày đó".
Rõ ràng, tình trạng nuôi thủy sản trái phép tại khu vực vịnh Mân Quang cần phải được chấm dứt, nhưng bài toán nan giải nhất là chuyển đổi ngành nghề cho người dân thì đến nay xem ra vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng.
Nhật Minh