“Nóng” tình trạng nuôi thủy sản trái phép tại vịnh Mân Quang
* BÀI 1: “Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm”
(Cadn.com.vn) - Năm 2002, UBND TP Đà Nẵng ra quy định cấm nuôi thủy sản tại vịnh Mân Quang (Q. Sơn Trà), nhưng đến nay tình trạng người dân chiếm dụng mặt nước thả lồng, bè nuôi thủy sản trái phép vẫn diễn ra với mức độ ngày càng “nóng”. Việc làm này không chỉ khiến người dân chịu tổn thất lớn về kinh tế khi nguồn nước không đảm bảo dẫn đến thủy sản chết hàng loạt mà chính quyền địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong xử lý. Theo chỉ đạo, trong tháng 12-2015 phải chấm dứt tình trạng này, tuy nhiên, “hạn chót” này khó thực hiện vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan.
Người dân nuôi cá lồng tại vịnh Mân Quang. |
2 CƠN “ĐẠI HẠN”
Nói đến việc thủy sản chết, người nuôi nghêu ở đây chưa quên được cơn “đại hạn” năm 2012. Thời điểm ấy, cả dải vùng bờ hàng chục héc-ta tại vịnh Mân Quang vỏ nghêu chết chất như cồn bãi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Một trong những người trải qua cơn “đại hạn” là gia đình ông Nguyễn Văn Điểu (trú P. Thọ Quang). Thời điểm đó, 3 tấn nghêu giống của ông chuẩn bị đến vụ thu hoạch (tháng 12) gần như mất trắng. Đầu tư hơn 100 triệu đồng thả nghêu từ tháng 4, tháng 5, lẽ ra trừ vốn, ông Điểu thu về khoản lãi gần 200 triệu đồng, nhưng tất cả tan biến khi lượng nghêu chết đến 90%. Cùng cảnh ngộ là hộ của anh Nguyễn Văn Bán, bà Trần Thị Hoa và hàng trăm hộ dân khác... Theo tính toán thì vụ năm 2012, các hộ nuôi nghêu đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng nhưng tất cả đều trắng tay.
Sau cơn “đại hạn” của những người nuôi nghêu, đến lượt người nuôi cá lao đao vào năm 2014. Từ chiều 24-8-2014, nhiều người nuôi cá lồng bè phát hiện một dòng nước đục ngầu như màu nước vo gạo từ trong Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang chảy vào vịnh. Nghi ngờ các nhà máy trong Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang xả lén nước thải ra môi trường, nhiều hộ đã tìm cách kéo bè cá ra xa bờ kè. Tuy nhiên, đến rạng sáng 25-8, cá bắt đầu chết đồng loạt trên diện rộng, buộc những người nuôi cá trên bè phải kêu các đầu nậu bán tháo với giá rẻ mạt để vớt vát chút đỉnh. Vậy là chỉ sau một đêm, người dân đã trắng tay khi cá chết nổi trắng lồng bè.
Bà Trần Thị Hoa trong cơn “đại hạn” 2012 khi nghêu chết hàng loạt. |
“CHÚNG TÔI BIẾT SAI, NHƯNG...”
Ngoài 2 trận “đại hạn” năm 2012 và 2014, không ít thì nhiều, năm nào người nuôi thủy sản ở vịnh Mân Quang cũng gặp rủi ro vì cá lồng, vẹm xanh, nghêu... bị chết, thiệt hại tiền tỷ. Và, mặc dù biết việc nuôi thủy sản tại đây là trái phép, nhưng hàng trăm hộ dân vẫn tổ chức đóng lồng bè để nuôi cá, khoanh vùng nước nuôi vẹm, nghêu vì đây là sinh kế khả dĩ nhất họ có thể làm. Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại, người ít thì 1 lồng, người nhiều có đến 2-3 lồng cá cùng hàng trăm m2 diện tích mặt nước nuôi nghêu.
Ông Phan Minh N. (trú tổ 40, P. Nại Hiên Đông), một trong những hộ nuôi cá lồng bè tại đây từ lâu cho biết, mặc dù mùa vụ bấp bênh, nhưng đây là nguồn thu khả dĩ nhất giúp gia đình ông trang trải cuộc sống. Có năm mất mùa, nước ô nhiễm, cá chết trắng bè, gia đình ông lâm cảnh trắng tay, nhưng có năm thời tiết thuận lợi, nguồn nước khá hơn thì trừ các khoản chi phí giống, thức ăn, ông cũng thu về vài trăm triệu đồng. “Mặc dù biết việc chiếm mặt nước tại vịnh Mân Quang để nuôi thủy sản là trái phép, nhưng nếu không làm nghề này thì gia đình chúng tôi chẳng biết làm gì” - ông N. phân trần.
Ông Nguyễn Văn Th. (trú P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà) là một trong những hộ từng chịu thiệt hại lớn về kinh tế khi đóng lồng, bè để nuôi thủy sản trái phép tại đây. Ông Th. cho biết, với 1 bè khoảng 100m2, thả nuôi cá, mỗi vụ trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu được hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, mấy năm nay, từ khi có Khu Công nghiệp Thủy sản và Âu thuyền Thọ Quang thì nơi đây trở thành điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường, nguồn nước không đảm bảo khiến thủy sản chết liên tục. Đặc biệt vào mùa hè, nguồn nước ở đây càng ô nhiễm nghiêm trọng nên cứ mỗi vụ thả thủy sản là gia đình ông lại phải sống cảnh mất ăn mất ngủ vì sợ cá chết trắng lồng, nghêu, vẹm thúi dưới bùn. Ông Th. thừa nhận việc nuôi cá ở khu vực này là trái phép, nhưng đó là nghề truyền thống của gia đình nên phải theo. “Nhà tui làm ở đây chứ về nghỉ biết làm gì? Chừ tuổi cao, xin làm bảo vệ người ta còn không nhận nữa thì sức đâu mà đi tàu lớn ra biển?” - ông Th. trình bày hoàn cảnh.
Theo tính toán của người dân, mỗi lồng, bè nuôi cá (tùy theo diện tích) có mức đầu tư khoảng 50 đến cả trăm triệu đồng, đầu tư con giống cũng tương đương từng ấy nên hầu hết các hộ dân đều vay tiền ngân hàng để đầu tư. Nếu năm nào thuận lợi thì thu về hàng trăm triệu đồng, có tiền trả ngân hàng, năm nào “xui” thì vốn còn chẳng thu được nữa chứ đừng nói đồng lời. Bấp bênh là vậy, nhưng họ không thể không làm vì đây đều là nghề truyền thống. Bên cạnh đó, những hộ này đều thuộc diện đã giao đất cho chính quyền xây dựng Khu Dịch vụ thủy sản Thọ Quang nhưng không thể tái chuyển đổi ngành nghề.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng - Chánh Văn phòng UBND Q. Sơn Trà, từ năm 2002, UBND TP Đà Nẵng có quyết định giao khu vực cồn vịnh Mân Quang cho Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Việt Á hơn 19ha để triển khai Dự án khu du lịch sinh thái. Chính quyền địa phương đã nghiêm cấm việc người dân thả lồng bè nuôi trồng thủy sản tại đây. Tuy nhiên, do nhiều năm rồi dự án không triển khai nên người dân tận dụng mặt nước thả lồng bè để nuôi thủy sản. Theo danh sách chúng tôi nắm được thì hiện có 146 hộ, trong đó có 14 hộ ở tỉnh khác tham gia nuôi thủy sản. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn An - Phó Chủ tịch UBND P. Thọ Quang, thừa nhận, rất khó xử lý triệt để bởi hầu hết người dân trước đây làm nông nghiệp, sau khi thành phố giải tỏa thu hồi đất làm dự án, một bộ phận dân chuyển đổi ngành nghề, số còn lại không có việc làm nên họ tận dụng vịnh Mân Quang để nuôi thủy sản. Công tác xử lý, tháo dỡ có vướng mắc, bây giờ người dân không biết chuyển đổi ngành nghề gì. Đa số những người canh tác này đã lớn tuổi, việc đào tạo nghề cho họ là khó khăn vô cùng.
Nhật Minh
(còn nữa)