Báo Công An Đà Nẵng

“Nóng” tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất rừng

Thứ bảy, 29/10/2016 12:28

(Cadn.com.vn) - Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắc Nông có 42 dự án (DA) đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp đang triển khai thực hiện, với tổng diện tích đã giao, cho thuê là hơn 33.400ha. Tuy nhiên, nhiều DA triển khai không hiệu quả, không có năng lực quản lý bảo vệ rừng dẫn đến mất rừng, xâm lấn, mua bán, tranh chấp đất đai phức tạp, gây nhiều hệ lụy.

Những cảnh báo

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 23-10, trên địa bàn xã Quảng Trực, H. Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông đã xảy ra vụ nổ súng khiến 19 người thương vong. Theo đó, 6 giờ 30 ngày 23-10, trong quá trình tổ chức san ủi mặt bằng đất DA của Cty TNHH thương mại Long Sơn (tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, H. Tuy Đức) đã xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, xô xát giữa lực lượng công nhân, bảo vệ của Cty với một nhóm người dân. Một số trong nhóm người dân này đã dùng súng tự chế (bắn đạn hoa cải) và súng thể thao bắn vào công nhân và bảo vệ của Cty Long Sơn (lúc khoảng 8 giờ) làm 3 người thiệt mạng và 16 người khác bị thương. Nguyên nhân vụ án vẫn đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra. Đây thực sự là một giọt nước tràn ly của tình trạng mâu thuẫn vốn âm ỉ do tranh chấp đất lâm nghiệp giữa người dân với Cty Long Sơn (đơn vị được UBND tỉnh Đắc Nông cho thuê đất).

Mới đây, Cơ quan CSĐT CAH Đắc G’long, tỉnh Đắc Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Triệu Tòn Nần (tên gọi khác là Triệu Văn Tiến, 1990, trú xã Quảng Sơn, H. Đắc G’long) để điều tra làm rõ về hành vi hủy hoại tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản. Nguyên nhân cũng xuất phát từ mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai với Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Hợp Tiến (gọi tắt là HTX Hợp Tiến) nên Triệu Tòn Nần nảy sinh ý định đốt chốt quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) số 4 của HTX Hợp Tiến ở thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn làm 1 người bị bỏng và thiệt hại tài sản 20 triệu đồng.

Trước đó, tháng 3-2016, tại xã Quảng Sơn, H. Đắc G’long cũng đã diễn ra xung đột giữa người của Cty Cổ phần Thiên Sơn với người dân đang canh tác trên lâm phần do đơn vị này quản lý. Hậu quả, 1 người dân bị đánh gãy chân, nhiều người bị thương, 1 chốt bảo vệ rừng bị đốt…

Trên đây chỉ là 3 vụ trong số nhiều vụ xung đột liên quan đến việc tranh chấp đất rừng giữa người dân với các đơn vị đầu tư các DA nông lâm nghiệp và QLBVR. Ở nhiều DA tại H. Đắc G’long và Tuy Đức, tình trạng này diễn ra khá nhiều.

Lực lượng chức năng khám xét hiện trường tại nhà ông Hiến.

Mất rừng, mất đất

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Nông, hiện nay tỉnh có 42 DA đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp đang triển khai thực hiện, với tổng diện tích đã giao, cho thuê là hơn 33.400ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, quy hoạch diện tích QLBVR là hơn 16.500ha, trồng rừng là hơn 10.300ha, còn lại là trồng các cây công nghiệp và quy hoạch khác. Thế nhưng, qua thanh tra, kiểm tra 40 DA (hơn 31.600ha được giao, cho thuê) thì nhiều DA thực hiện không hiệu quả, không đúng quy hoạch. Đặc biệt, công tác QLBVR, xử lý tình trạng xâm lấn đất đai trong vùng DA của các chủ đầu tư rất kém. Các DA ít quan tâm đến công tác QLBVR, lực lượng QLBVR còn hạn chế, hầu hết các DA tập trung nhân lực để thực hiện công tác trồng cao su và trồng rừng, buông lỏng công tác QLBVR, dẫn đến diện tích rừng bị phá lớn hơn 4.700ha.

Bên cạnh việc để mất rừng, tình hình lấn chiếm đất đai trái phép ở các DA này diễn ra phức tạp, nhất là các DA trên địa bàn xã Đắc Ngo và xã Quảng Trực, H. Tuy Đức. Tổng diện tích đất bị lấn chiếm trái phép tại các DA là 6.707,8ha, chiếm 20,1% diện tích giao cho các đơn vị. Đặc biệt, có một số DA bị lấn chiếm gần hết diện tích giao như Cty CP ĐTXD 59; Cty TNHH Long Sơn, Cty CP ĐTXD Kiến Trúc Mới... Tổng số hộ dân lấn chiếm đất trái phép trong khu vực các DA kể cả trước và sau khi bàn giao thực địa khoảng hơn 2.000 hộ. Hiện nay người dân lấn chiếm sử dụng đất trái phép, tranh chấp với DN diễn biến phức tạp, chưa giải quyết được với các hộ dân.

Đơn cử, Cty TNHH thương mại Long Sơn, năm 2008, được UBND tỉnh Đắc Nông cho thuê gần 1.080ha đất lâm nghiệp tại H. Tuy Đức để thực hiện DA nông lâm nghiệp và QLBVR. Đến nay, 501/507ha rừng trong quy hoạch quản lý bảo vệ của Cty đã bị phá sạch. Còn diện tích đất bị người dân lấn chiếm trái phép trong vùng DA là hơn 979ha. Hay, Cty CP ĐTXD Kiến Trúc Mới để mất 643/924,7ha rừng quy hoạch khoanh nuôi, bảo vệ; để người dân lấn chiếm 1.064/1678ha rừng được UBND tỉnh Đắc Nông giao...

Khu vực Cty Long Sơn tổ chức ủi đất, giải phóng mặt bằng.

Làm gì để “hạ nhiệt”?

Hầu hết các DA nông lâm nghiệp của các doanh nghiệp (DN) tư nhân thực hiện không hiệu quả. Việc triển khai các DA có nhiều sai phạm như: sử dụng đất sai mục đích, tự ý chuyển đổi cây trồng; phần lớn diện tích rừng khoanh nuôi, quản lý bảo vệ theo DA bị phá; sang nhượng, mua bán đất trái phép.

Theo ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Nông, tồn tại vướng mắc lớn nhất của các DA là tình hình lấn chiếm đất đai của người dân diễn ra phức tạp, các DN không thể giải quyết được, do người dân rất manh động, tập trung đông người, không hợp tác để giải quyết. Tồn tại này đã tạo ra hậu quả, hệ lụy xấu trong dư luận xã hội như tranh chấp đất đai, khiếu kiện và làm thiệt hại tài sản của Nhà nước. Từ các sai phạm của các đơn vị thuê đất, được giao đất, UBND tỉnh đã thu hồi toàn bộ 4 DA và thu hồi một phần 4 DA, với diện tích hơn 4.723ha. Dự kiến trong thời gian tới, tỉnh sẽ kiên quyết thực hiện thu hồi một phần với 13 DA thực hiện không hiệu quả, vi phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông Trương Thanh Tùng cho biết, trong các giải pháp QLBVR được thực hiện trong thời gian sắp tới, ngoài việc thu hồi, xử lý nghiêm các DA nông lâm nghiệp có nhiều sai phạm, tỉnh cũng ưu tiên quan tâm đến việc ổn định dân cư. Theo đó, tỉnh tập trung rà soát, kiểm tra chặt chẽ dân cư hiện có trên địa bàn, ưu tiên thực hiện việc ổn định số dân cư đang sống trong rừng, gần rừng và các khu vực trọng yếu về phá rừng, vùng biên giới. Tập trung thực hiện việc ổn định dân cư khu vực xã Quảng Trực, xã Đắc Ngo, H. Tuy Đức theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Thông báo số 205.TB-VPCP ngày 29-7-2016 của Văn phòng Chính phủ.

A.D