NS Savannah - Vì sao không thể thay đổi thế giới?
(Cadn.com.vn) - 50 năm trước, tàu chở khách chạy bằng năng lượng hạt nhân (NLHN) đầu tiên trên thế giới NS Savannah khởi hành từ Mỹ đến Châu Âu, với nhiệm vụ nhằm thuyết phục thế giới hướng tới thời đại năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, sứ mệnh này đã thất bại hoàn toàn. Vì sao vậy?
Con tàu của hy vọng
Kiểu dáng đẹp, sơn màu đỏ và trắng, nội thất được mạ chrome cực kỳ hiện đại, NS Savannah không giống như các tàu chở hàng khác thời kỳ đó. Tàu dài 182m, nặng 12.000 tấn tự hào có rạp chiếu phim, quầy bar và hồ bơi.
Năm 1953, tướng Dwight Eisenhower có bài phát biểu nổi tiếng “Hạt nhân vì hòa bình”, xoa dịu nỗi sợ hãi về sức mạnh hủy diệt của hạt nhân, thay vào đó là sự lạc quan về khả năng sử dụng NLHN dân sự. Và ông muốn chế tạo con tàu dân sự chạy bằng NLHN. NS Savannah, chi phí 50 triệu USD, được hạ thủy cách đây 55 năm với hy vọng trở thành đại sứ của loại tàu NLHN đầu tiên trên thế giới và là biểu tượng của an toàn và niềm tin vào nhiên liệu trong tương lai.
“Nó là con tàu đẹp nhất và hấp dẫn nhất”, Wheatley, người hiện là thành viên của Hiệp hội NS Savannah, chuyên bảo tồn con tàu đã ngừng hoạt động tại cảng ở Baltimore, Maryland, cho biết. Vào tháng 9-1964, NS Savannah chuẩn bị cho chuyến đi Châu Âu, gồm Rotterdam, Bremen, Hamburg, Dublin và Southampton. Đám đông người dân, các quan chức chính phủ và các nhà công nghiệp xếp hàng ở cầu cảng để được lên tàu. “Tại những nơi con tàu đi qua, hình ảnh được quảng bá rầm rộ và tạo ra những phản ứng tích cực. Mục đích là để cho các quốc gia khác nhận ra rằng, NLHN không phải là một mối đe dọa mà là một lợi ích”, Will Davis của Hiệp hội NS Savannah, nói.
Tuy nhiên, NS Savannah thất bại. Hành trình đại sứ kết thúc 1 năm sau đó nhưng NS Savannah không thể thuyết phục thế giới rằng, đây là con tàu NLHN tương lai. Trong thời gian này, cũng có 3 tàu dân sự hạt nhân khác – tàu chở dầu của Đức Otto Hahn; tàu vận tải hàng hóa của Nhật Bản Mutsu; và tàu phá băng của Nga Sevmorput. Nhưng cũng như NS Savannah, những con tàu này giờ đây không còn hoạt động nữa.
Tàu NS Savannah. Ảnh: BBC |
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Quân đội nắm quyền kiểm soát lĩnh vực hạt nhân. Trong số 700 tàu NLHN hoạt động trong những năm qua, phần lớn là tàu quân sự và tàu ngầm.
Tại sao tàu dân sự chạy bằng NLHN không được đưa vào sản xuất rộng rãi? NLHN luôn là vấn đề gây tranh cãi. Những con tàu chạy bằng NLHN luôn tiềm ẩn khả năng gây hại cho môi trường. Nhiều tàu hạt nhân đã gặp phải vấn đề này. Trên chuyến đi đầu tiên vào năm 1974, tàu Mutsu bắt đầu rò rỉ chất phóng xạ khi đang cách bờ biển của Nhật Bản 800km. Con tàu được phép quay trở lại cảng Ohminato để sửa chữa bất chấp các cuộc biểu tình kéo dài của người dân.
NS Savannah cũng trải qua vấn đề tương tự. Tàu được thiết kế có khả năng lưu trữ khối lượng lớn chất thải phóng xạ. Nhưng chỉ trong năm đầu tiên, 115.000 gallon chất thải ở mức độ thấp thải vào biển. Thiệt hại đối với môi trường luôn là nỗi ám ảnh đối với tàu hạt nhân.
“Nếu xảy ra, nó có thể là thảm họa môi trường”, tiến sĩ Paul Dorfman, người sáng lập Tập đoàn Tư vấn hạt nhân và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Năng lượng Đại học London, cho biết. Chi phí đắt đỏ cũng là một vấn đề gây trở ngại lớn. Tuy nhiên, tàu NLHN cũng có ưu điểm. Uranium thương mại rẻ hơn so với nhiên liệu thông thường, do đó chi phí nhiên liệu cho tàu hạt nhân là ít hơn. Tàu NLHN có thể đi mà không cần tiếp nhiên liệu trong nhiều năm và có thể đi được rất xa.
Do đó, bất chấp những trở ngại thực tế, các nhà môi trường một lần nữa thảo luận về việc khởi động lại các loại phương tiện vận chuyển không phát ra khí thải này.
An Bình
(Theo BBC)