Báo Công An Đà Nẵng

Nữ bác sĩ của ngư dân

Thứ bảy, 10/06/2017 13:00

(Cadn.com.vn) - Suốt hơn 20 năm qua, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã "đạp" hàng ngàn cơn sóng dữ, vươn khơi cứu giúp cho hàng trăm ngư dân gặp nạn trên biển. Nhiều người  gọi cô  là "nữ bác sĩ thép" ở Hoàng Sa.

Bác sĩ Hồng nhận giải thưởng Tỏa sáng blouse trắng của UBND TP Đà Nẵng.

Để có thể đảm nhiệm được công việc tốt như bác sĩ Hồng là một điều không hề đơn giản. Bởi những chuyến đi biển, nhất là những lần vượt sóng trong đêm cấp tốc cứu ngư dân gặp nạn luôn tìm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc. Bác sĩ Hồng kể, năm 1995, cô chuyển công tác về làm tại Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng. Trước đó, cô có thời gian 5 năm làm việc không lương tại Bệnh viện Đà Nẵng. Cũng từ đó, bác sĩ Hồng bắt đầu có những "chuyến phiêu lưu".

Lần đầu tiên Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng nhận tin khẩn cấp từ một tàu cá có hai ngư dân gặp nạn. Ngay lập tức bác sĩ Hồng cùng Bộ đội biên phòng Đà Nẵng xuống cảng Tiên Sa di chuyển hơn 60 hải lý để đến tàu gặp nạn. "Còn nhớ lúc đó là 11 giờ đêm. Khi tiếp cận được tàu bị nạn thì trời bắt đầu chuyển, sóng dữ dội mà tình hình lại khẩn cấp bởi nạn nhân rất nguy kịch. Tuy vậy, vì sóng lớn nên không thể sang tàu gặp nạn nên tôi phải xuống phao cứu sinh để bơi sang. Trong tình cảnh đó dù không biết bơi nhưng vẫn không thể tin được động lực gì khiến mình lại bơi hơn cá", bác sĩ Hồng nhớ lại. Thế nhưng, điều làm bác sĩ Hồng ám ảnh mãi đến bây giờ chính là một ngư dân đã tử vong trong lần đầu tiên cô tham gia cấp cứu vì chấn thương quá nặng. "Với một người bác sĩ thì tấm lòng tận tâm với bệnh nhân là trên hết. Dù không quen biết nhưng thấy nạn nhân gặp nạn mà không cứu được, mình quá day dứt", bác sĩ Hồng tâm sự.

Bác sĩ Hồng (ngoài cùng, bên phải) cấp cứu cho một ngư dân gặp nạn.

 Bác sĩ Hồng chia sẻ thêm, chuyến vươn khơi mà cô "ớn" nhất trong đời đó là lần cùng với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) giải cứu cho một tàu cá ngư dân H. Thăng Bình (Quảng Nam) mắc kẹt giữa biển khơi vì bão. Lần đó, bão bất ngờ chuyển hướng bất thường nên tàu ngư dân không kịp trở tay. Nhiều ngư dân gồng mình chống bão nên kiệt sức, bất tỉnh. "Lúc nửa đêm, tôi lên tàu số hiệu 412 vươn khơi. Trời đen như mực, sóng đập làm tàu lắc lư khiến tôi hoảng sợ. Đi được một đoạn thì tôi nôn mửa dữ dội, cứ tưởng sẽ không đủ sức để ra cứu người. Trên đường về, tôi không còn sức đứng vững nữa nên đành lòng cấp cứu bệnh nhân bằng… lời nói, chỉ dẫn để mọi người hỗ trợ", bác sĩ Hồng nhớ lại.

Với những lần không thể trực tiếp vươn khơi, bác sĩ Hồng tham gia cấp cứu bằng… Icom. Nếu việc cấp cứu trực tiếp khó bao nhiêu thì việc hướng dẫn qua Icom lại khó gấp bội. Với những nạn nhân nói tiếng vùng miền thì việc lắng nghe để hỗ trợ lại là một bài toán nan giải. "Nhiều nạn nhân gọi tới nói một mạch dài nhưng tôi chỉ nghe được vài tiếng í ơi, nhiều lúc phải nhờ tổng đài viên ở Đài Thông tin duyên hải miền Trung dịch giùm. Không những thế, việc nối thông tin với nạn nhân trên biển cũng gặp nhiều trở ngại vì sóng chập chờn, lúc được lúc mất", bác sĩ Hồng cho biết.

 Với đặc thù công việc được giao, hằng năm, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đón nhận, hỗ trợ, cấp cứu từ 30 - 40 trường hợp ngư dân gặp nạn trên biển. Hiện tại, để trang bị các kỹ năng cần thiết về sơ cấp cứu cho ngư dân, bác sĩ Hồng thường xuyên mở các lớp hướng dẫn, tập huấn cho hàng trăm ngư dân. Đồng thời, Bộ Y tế đang xây dựng đề án Y tế biển đảo, hỗ trợ ngư dân và đồng bào đi biển. Đề án này sẽ được thí điểm tại 4 TP lớn gồm: Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Hải Phòng. Trong đó, trọng tâm sẽ là Đà Nẵng.

Với những đóng góp thầm lặng, cống hiến vì bệnh nhân, bác sĩ Hồng là một trong số 20 tấm gương tiêu biểu trong ngành Y tế TP Đà Nẵng được vinh danh với giải thưởng Tỏa sáng blouse trắng 2016.

Phi Nông