Báo Công An Đà Nẵng

Nữ Chính ủy Bệnh viện mang tên dòng sông quê

Thứ bảy, 27/02/2016 09:59

(Cadn.com.vn) - Nếu ở Hà Nội có Trung tướng Lê Thu Hà, Chính ủy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà, Chính ủy Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội thì ở Đà Nẵng có Đại tá, bác sĩ Phạm Thị Vệ Hà, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bệnh viện Quân y 17, Quân khu 5. Vệ Hà là sông Vệ, con sông quê hương ở Quảng Ngãi mà ba chị khi tập kết ra Bắc luôn nhớ nhung và đặt tên cho con gái thứ hai của mình.

Năm 2012, trước yêu cầu của Bệnh viện, chị lúc đó đang là Phó Chủ nhiệm khoa Tiêu hóa được cấp trên chọn làm Chính ủy, đứng đầu công tác Đảng, công tác chính trị ở đơn vị. Những ngày nhậm chức chị vô cùng lo lắng, thậm chí đã khóc vì biết mình sẽ ngồi "ghế nóng" trong khi lâu nay chỉ thuần túy chuyên môn. Gắn bó với Bệnh viện 17 đã 35 năm, chị thuộc hết từng cái tên cán bộ, nhân viên ở đây, thấy được khả năng của từng người. Nhiều bác sĩ trẻ được đề bạt, đặt đúng vị trí đã phát huy hiệu quả, tạo sức bật mới ở các khoa. Chị tham khảo các bệnh viện khác, tham mưu cho Quân khu có chế độ đãi ngộ xứng đáng với những bác sĩ học chuyên khoa 1, chuyên khoa 2; khuyến khích cán bộ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng số tiến sĩ từ 1 nay lên 5 người. Chị quyết liệt cùng Đảng ủy, Ban Giám đốc đề ra nhiều biện pháp lãnh đạo nhằm đưa đơn vị từng bước phát triển toàn diện, xây dựng hình ảnh Bệnh viện 17 xứng tầm là tuyến cuối Quân khu, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của quân và dân trên địa bàn.

Bác sĩ Phạm Thị Vệ Hà khám bệnh cho nhân dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Là bác sĩ có tay nghề giỏi, chị sắp xếp công việc, dành thời gian khám chữa bệnh, nhất là tham gia nội soi đại tràng, dạ dày, vừa gánh vác cùng anh chị em trong khoa vừa không để ""lụt" tay nghề. Chính qua tiếp xúc với bệnh nhân, chị có dịp lắng nghe, hiểu thêm những vướng mắc phát sinh hoặc thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên mình từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Nữ bác sĩ ở Bệnh viện 17 hầu hết là trẻ. Với kinh nghiệm đi trước, chị gần gũi tâm tình, "bày" cho họ chọn các mốc thời gian sau khi về công tác để học nâng cao, không "lép vế" trước nam giới. Nhiều hoạt động phong trào của phụ nữ được chị gợi ý, phát huy tốt như duy trì "Nồi cháo nghĩa tình" mỗi tháng 2 lần cho bệnh nhân nghèo; thăm, tặng quà cho trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam; mở các cuộc tọa đàm về y đức, giao lưu văn nghệ, thể thao...

Ba năm nay, những chuyến đi miền núi, hải đảo khám chữa bệnh cho đồng bào luôn có sức cuốn hút đối với chị. Còn nhớ chuyến đi đảo Bé (Lý Sơn, Quảng Ngãi) năm 2014, ra đến nơi sóng gió dập cho mệt lừ, vậy mà không kịp nghỉ ngơi chị cùng đồng nghiệp khẩn trương khám chữa bệnh. Chị hy vọng có dịp trở lại tặng quà là những chiếc máy đo huyết áp cho các bệnh nhân trên đảo mà qua kiểm tra, ngư dân ở đây do ăn mặn, bị huyết áp cao rất nhiều. Mẹ là dược sĩ; cha, chồng, em trai cũng là bác sĩ, hai cậu con trai ngoan đã qua đại học cho chị nghị lực và nguồn động viên để dành hết tâm huyết cho cơ quan. Hai năm học ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chị vẫn thấy chưa đủ nên luôn miệt mài trau dồi kiến thức ở tài liệu, đồng nghiệp trong và ngoài quân đội. Khéo tay từ chụp ảnh đến quay video clip và khả năng trình bày, nhiều báo cáo về công tác chính trị được chị tự làm "slide" trình chiếu, tạo sự sống động, hấp dẫn, dễ thuyết phục người nghe.

Trời phú cho chị nét duyên, mềm mại, nhẹ nhàng trong công việc chuyên môn của một bác sĩ, lại có tính cách mạnh mẽ của nữ Chính ủy để luôn tạo niềm tin của mọi người về mình. Đại tá Phạm Thị Vệ Hà tâm tình: "Mình đã sắp đến tuổi hưu. Tin rằng, Bệnh viện Quân y 17 ngày càng đi vào nền nếp sẽ là tiền đề quan trọng để làm yên lòng đội ngũ cán bộ kế cận trong vai trò quản lý" .

Hồng Vân