Báo Công An Đà Nẵng

Hưởng ứng “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”:

Nụ cười công chức, tại sao không?

Thứ tư, 12/03/2014 08:21

(Cadn.com.vn) - Ai cũng biết hoặc từng nghe qua những thành ngữ, danh ngôn khẳng định và tôn vinh giá trị của nụ cười, như: “Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ”, “nụ cười mở đầu câu chuyện”, ”nụ cười xóa bỏ mọi khoảng cách”, “nụ cười không biên giới”...

Ông Nguyễn Hồng Sơn

Bởi vậy, có lẽ rất thừa nếu lại diễn giải thêm về ý nghĩa và tầm quan trọng của nụ cười đối với nhân sinh, công việc và giao tiếp, nên xin đi ngay vào vấn đề: Tại sao không xây dựng “nụ cười Đà Nẵng” như là một thương hiệu của đội ngũ cán bộ, công chức – những người đại diện của chính quyền hằng ngày trực tiếp tiếp xúc với nhân dân, doanh nghiệp, bạn bè, đối tác... của thành phố này?

Xét từ nền tảng xã hội, người dân Đà Nẵng đoàn kết nên đã xây dựng được những giá trị nhân văn tốt đẹp như một tài sản vô giá trên hành trình phát triển, trong đó, nổi bật hơn cả là sự đồng thuận, khoan hòa, hiếu khách.

Trên nền tảng đó, không lẽ nào đội ngũ cán bộ, công chức thành phố lại không chủ động vào cuộc mạnh mẽ hơn nhằm phát huy những giá trị ấy, nhằm thay đổi chính mình, đơn vị mình để hoàn thiện bộ máy quản lý, đổi mới thủ tục hành chính theo tinh thần phục vụ con người một cách hoàn thiện nhất. Tất nhiên, để đi đến cái đích sau cùng ấy – phục vụ con người một cách hoàn thiện nhất - đòi hỏi những nỗ lực, nguồn lực hết sức to lớn, chứ không chỉ hô hào suông.

Nhưng tôi tin rằng, Đà Nẵng có thể bắt đầu ngay được, mà chẳng tốn thêm một xu nào của ngân sách, chẳng cần bỏ công bỏ sức gì cho lắm, mà chỉ bằng cách thức xưa cũ, giản đơn mà cũng vô cùng quý giá: Nụ cười.

Cải cách thủ tục hành chính là chủ trương lớn của chính phủ, các bộ ngành và mọi địa phương trên cả nước, nhưng tại sao khi các thủ tục, cơ chế đã thay đổi rất nhiều rồi mà kết quả hài lòng của dân về thủ tục hành chính của nhiều địa phương, đơn vị vẫn không được cải thiện?

Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Đà Nẵng vừa qua bị tụt giảm khá nhiều, đến nỗi thua cả một số tỉnh còn nghèo khổ, khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn..., là một thực trạng rất đáng buồn. Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là cán bộ, công chức còn thiếu tư duy chân - thiện - mỹ, thiếu chữ tâm trong công việc, từ đó mà thiếu “nụ cười công chức”. PCI giảm sút cũng một phần từ nguyên nhân ban đầu tưởng như nhỏ nhoi này.

Chúng ta cũng nên tự vấn, tại sao hầu hết người nước ngoài đến Việt Nam công tác, làm việc hay du lịch... phần lớn họ đều chủ động tươi cười trước với ta? Và, mặc dù không cùng chung ngôn ngữ nhưng chắc chắn mỗi chúng ta khi nhận được nụ cười đó sẽ cảm thấy hài lòng và cảm mến với văn hóa nụ cười này của những người nước ngoài này?

Còn ở ta, không ít nơi, vẫn còn một số các cán bộ trẻ trình độ chuyên môn đào tạo chưa đến nơi đến chốn hoặc trái chuyên ngành lại được xếp vào các bộ phận tiếp dân nên thiếu kinh nghiệm, bộ mặt cau có, lạnh lùng, lại nói năng cộc lốc, trống không với dân là những người lớn tuổi như ông bà cha chú mình sẽ rất phản cảm và mất đi hình ảnh đẹp của công chức.

Tất nhiên, khi nói đến nụ cười nơi công sở, nụ cười của những người đại diện chính quyền, tôi không nói đến một động tác cơ học trên khuôn mặt! Đó phải là nụ cười nhân văn, nhân bản, xuất phát từ ý thức, trách nhiệm và trái tim của mỗi con người. Nụ cười mà mọi người mong muốn nhận được từ nhau không phải là nụ cười gượng gạo, nhếch mép, ngượng ngùng... mà phải là nụ cười trong sáng, rạng ngời, làm sao cho mỗi người đối diện phải cảm thấy an tâm, hạnh phúc.

Muốn duy trì được nụ cười thường trực trên môi khi tiếp xúc với dân thì cán bộ công chức cần quy định và tập cười với nhau trước trong từng nội bộ các sở, ban, ngành, đơn vị,  tập cười giữa công chức với công chức, giữa cấp trên với cấp dưới và ngược lại mỗi khi gặp nhau dù trong hay ngoài công sở.

Cán bộ lãnh đạo phải thật gương mẫu trong vấn đề này, bước vào công sở buổi sáng, buổi chiều phải chủ động nở nụ cười tươi, những câu chào hỏi hoặc bắt tay chân thành. Chừng nào trong nội bộ các đơn vị hành chính không có thói quen tươi cười được với nhau thì từng công chức, kể cả lãnh đạo sẽ rất khó có nụ cười thường trực được với dân khi tiếp xúc, giải quyết công việc. Khi đó “cải cách hành chính” hay “nụ cười công sở”... vẫn chỉ mãi là các câu khẩu hiệu vô hồn.

Lãnh đạo mỗi đơn vị càng làm gương tốt trong mọi quan hệ ứng xử, giao tiếp cả trong cơ quan, đơn vị lẫn cuộc sống đời thường, biết quan tâm chăm sóc cho mọi nhân viên của mình có môi trường làm việc thân thiện, thu nhập ổn định, công tâm minh bạch... thì chắc chắn nhiều nụ cười sẽ nở trên môi của nhân viên, vì khi nhân viên của mình hạnh phúc thật sự thì họ sẽ luôn biết phải làm gì, phải cười như thế nào là phù hợp nhất để làm cho mọi người dân- đối tượng phục vụ của đơn vị mình được hài lòng, hạnh phúc.

Các cấp ngành cũng nên mở các lớp tập huấn, các hội thảo chuyên đề, định kỳ về kỹ nẵng giao tiếp, các lớp tập cười cho công chức (ở Nhật Bản, họ thường tổ chức các lớp học như thế này, rất bài bản).

Tại các công sở, trong khu vực tổ 1 cửa, ở từng vị trí tiếp dân nên chụp và dán ảnh của từng công chức một cách to rõ, trang trọng tại từng vị trí trong tư thế có nụ cười đẹp nhất, cùng chú thích rõ họ tên, chức vụ..., để mọi công dân đến giao dịch có thể nhận diện và liên lạc đúng người đúng việc nhất.

Sau đó định đề cần có tiêu chí bình chọn và tôn vinh công khai trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng của thành phố và tại các bảng thông tin công cộng của ban ngành, địa phương, đơn vị để cho toàn dân biết; tối thiểu cũng cần phóng to hơn các tấm ảnh chân dung của những công chức có nụ cười công sở, thái độ tiếp dân, hiệu quả công việc cao nhất qua bình chọn để tôn vinh họ và nhân điển hình tiên tiến cho các công chức khác trong đơn vị noi theo.

Bên cạnh việc tuyên truyền, tôn vinh nụ cười công chức, cũng rất cần những chế tài nghiêm khắc để xử lý kỷ luật, cảnh cáo, thuyên chuyển công tác khác hoặc buộc thôi việc... đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm, quan liêu hách dịch, lạnh lùng, vô cảm trước dân, bị dân phản ánh kiến nghị lên cấp trên...

Năm 2014, thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp sẽ xây dựng biểu mẫu đánh giá, chấm điểm sự hài lòng của từng doanh nghiệp sau mỗi đợt tiếp xúc, giải quyết các vấn đề liên quan với công chức từ địa phương xã, phường đến các sở, ban, ngành thành phố.

Để khuyến khích, tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiên tiến có nụ cười công sở đẹp nhất, hiệu quả nhất trong đội ngũ công chức TP Đà Nẵng trong “Năm Doanh nghiệp 2014”, cộng đồng doanh nghiệp mà nòng cốt là Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng đã họp bàn và thống nhất sẽ tiến hành bình chọn công tâm theo tiêu chí đánh giá của doanh nghiệp, trao thưởng và vinh danh cho 10 công chức tiêu biểu nhất trong năm với nhiều phần thưởng xứng đáng.

Hy vọng với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, giới công chức thành phố trên mọi cương vị công tác sẽ hưởng ứng “Năm Doanh nghiệp ĐN 2014” bằng những chuyển biến tích cực nhất, bắt đầu từ việc trao tặng nhau "Nụ cười công sở" thường trực trên môi mỗi người từ hôm nay.

Nói cách khác, cán bộ, công chức của thành phố hãy cứ xúc tiến những công việc to lớn, như thiết kế bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, cắt giảm thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học kỹ thuật  hiện đại..., nhưng đừng quên nở những nụ cười.

Nguyễn Hồng Sơn
Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng