Báo Công An Đà Nẵng

"Nụ cười Đà Nẵng"

Thứ hai, 13/02/2017 09:28

(Cadn.com.vn) - Đều đặn trưa thứ 2, 4, 6 hàng tuần, quán cơm thiện nguyện tại số 10 Ngô Gia Tự, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng lại phục vụ hàng trăm suất cơm cho những người lao động nghèo, học sinh, sinh viên. Đúng như tên gọi "Nụ Cười Đà Nẵng-Quán cơm 2 ngàn đồng", mỗi suất cơm được bán ra chỉ 2 ngàn đồng nhưng rất ngon miệng và đem lại niềm vui, xoa dịu nỗi nhọc nhằn cho hàng trăm mảnh đời khó khăn.

"Nụ Cười Đà Nẵng-Quán cơm 2 ngàn đồng" do chị Trần Thị Minh Nguyệt (39 tuổi) cùng một số anh em, bạn bè sáng lập vào năm 2015. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyệt cho biết, từ lâu đã ấp ủ ý định làm một việc gì đó để sẻ chia khó khăn với những mảnh đời bất hạnh, cho đến khi biết được mô hình "Quán cơm Nụ Cười" tại TPHCM chuyên phục vụ những người bán vé số và xích lô, xe thồ, người lao động nghèo thì ý tưởng "Quán cơm 2 ngàn đồng" tại quê hương Đà Nẵng được hình thành trong chị. Phải mất một thời gian dài chuẩn bị, đến đầu năm 2015 chị Nguyệt viết thư gửi vào TPHCM xin được sử dụng thương hiệu "Quán cơm Nụ Cười" tại Đà Nẵng và đã được chấp thuận. "Nụ Cười Đà Nẵng-Quán cơm 2 ngàn đồng" nhanh chóng được đưa vào phục vụ bà con nghèo. Ban đầu quán nằm trên đường Phan Thanh, Q.Thanh Khê, nhưng do tiền thuê mặt bằng cao quá nên quán đã chuyển về đường Ngô Gia Tự, dưới sự giúp đỡ hỗ trợ mặt bằng của UBND P.Hải Châu 1.

Rất đông những người lao động nghèo đến với "Nụ Cười Đà Nẵng-Quán cơm 2 ngàn đồng"

Hiểu rõ đời sống mưu sinh vất vả của nhiều người lao động nghèo, sinh viên khó khăn, người khuyết tật, cơ nhỡ, cùng với đội ngũ tình nguyện viên là các bạn sinh viên ở các trường trên địa bàn TP Đà Nẵng, anh em, bạn bè và cả người nhà của mình, chị Nguyệt đã dần đưa quán cơm 2 ngàn đi vào ổn định, chia sẻ khó khăn với không biết bao nhiêu cảnh đời cơ cực. "Nụ Cười Đà Nẵng-Quán cơm 2 ngàn đồng" đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của người nghèo. Mỗi một suất ăn tuy rất rẻ nhưng chứa đựng biết bao nỗi niềm, người dùng sẽ luôn cảm thấy ngon miệng hơn khi mà thực đơn luôn thay đổi theo từng ngày với đầy đủ các món mặn, xào, canh, món tráng miệng... Niềm vui của chị Nguyệt và các tình nguyện viên là nụ cười hạnh phúc trên gương mặt khắc khổ của những người nghèo sau mỗi bữa ăn... Những lúc quán đông khách, các tình nguyện viên còn tự nguyện nhường luôn suất ăn của mình cho những người đến sau nhưng hết cơm. Điều đặc biệt là quán không kêu gọi hỗ trợ, mọi khoản đóng góp đều do các nhà hảo tâm tự nguyện tới đặt vấn đề và nguyên tắc là chỉ nhận hỗ trợ bằng hiện vật như gia vị, gạo hoặc thịt, rau...mà không nhận tiền.

Là khách thường xuyên của quán, bà Lê Thị Thiện (62 tuổi) ở Quảng Ngãi ra Đà Nẵng bán vé số, tâm sự: chồng mất sớm, không có con cái, cuộc sống ở quê nhà cơ cực, vất vả quá, nên bà ra Đà Nẵng bán vé số dạo. Mỗi ngày tất tả ngược xuôi bà cũng chỉ kiếm được vài ba chục ngàn đồng. Từ ngày biết đến quán cơm 2 ngàn đồng, bà hay đến ăn, nhờ thế, khó khăn vơi bớt phần nào. Đến đây, những người lao động, sinh viên nghèo nhận được sự phục vụ tận tình của các tình nguyện viên. Ông M. (làm nghề xe thồ) chia sẻ: "Chúng tôi cảm nhận được tình cảm của chị chủ quán qua từng suất cơm dành cho những người nghèo đến đây. Bước vào quán cơm, tôi tự tin mình là khách hàng đến mua cơm và tôi vô cùng trân trọng từng bữa ăn ở đây. 2 ngàn đồng không thấm vào đâu so với suất cơm chúng tôi được bán, "của cho không bằng cách cho", hiểu được tâm lý e ngại và mặc cảm của người nghèo, với tấm lòng nhân ái chị chủ quán đã nhiệt tâm giúp đỡ, sẻ chia với chúng tôi bằng cách bán cơm với giá 2 ngàn đồng...". Với sự nhiệt tâm phục vụ, chân thành trong từng lời nói và hành động của những người có tấm lòng thiện nguyện nên dù quán không quảng cáo nhưng luôn đông khách. Người đến ăn ấn tượng bởi sự sạch sẽ, ngon miệng và phục vụ chu đáo...

Quán cơm nghĩa tình 2 ngàn đồng chất chứa biết bao tình cảm của người bán và nhận được rất nhiều sự trân trọng của người mua. Mỗi suất cơm chỉ có giá 2 ngàn đồng nhưng đã giúp hàng trăm người có được những bữa ăn no, đủ chất, góp phần tiết kiệm được phần nào chi phí sinh hoạt hằng ngày để giảm bớt gánh nặng mưu sinh.

Thanh Hoa