Báo Công An Đà Nẵng

Nữ "cửu vạn" ở chợ đêm Hòa Cường

Thứ ba, 28/11/2017 10:33

Chợ đầu mối Hòa Cường là nơi phân phối số lượng lớn các mặt hàng nông sản phục vụ cho Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Khoảng 1 giờ sáng hằng ngày chợ đã tấp nập, nhộn nhịp kẻ mua người bán. Khi những chiếc xe tải lớn chở hàng hóa cao ngất ngưởng trong Nam, ngoài Bắc đổ về thì một tốp khoảng vài chục người cửu vạn cả nam lẫn nữ tất bật chạy đến nhấc từng thùng hàng xếp lên xe rồi oằn mình, ghì chặt càng xe kéo đi đến các sạp trong chợ. Dáng vẻ ai cũng gấp gáp, chạy ngược, chạy xuôi.  Tôi gặp họ, lẫn giữa những người mua kẻ bán tấp nập tại khu chợ Hòa Cường. Giữa đêm lạnh nơi những cơn gió đông buốt da thịt vẫn thấy thấp thoáng những phụ nữ miệt mài trong vòng xoáy mưu sinh. Những tiếng í ới gọi nhau nhận hàng, những bước chân thoăn thoắt, những cánh tay gầy nhưng rắn rỏi của nhiều phụ nữ bốc hàng, gánh hàng, chuyển hàng cứ đan vào nhau giữa sự xô bồ náo nhiệt.

Vội vã đẩy xe để quay lại với chuyến hàng tiếp theo.

Len lỏi giữa đêm rộn ràng, không ít người gánh trên vai  những gánh hàng hóa nặng trĩu vai, có người khệ nệ bưng bê hay kéo xe hàng hóa nặng nề. Họ ở các địa phương đổ về, người gần cũng có, xa cũng có, có người ngay ở nội thành, Hòa Vang, những cũng có những chị em ở Quảng Nam, Huế, Quảng Ngãi... Công việc của họ bắt đầu từ 9 giờ tối đến 8 giờ sáng hôm sau. So với những cửu vạn là nam ở đây thì sức chịu đựng công việc nặng nề của họ cũng không hề thua kém. Trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi, chị Nguyễn Thị Hằng (41 tuổi, quê Phú Lộc, TT-Huế) lau vội những giọt mồ hôi đang chảy ròng trên khuôn mặt khắc khổ, cười xởi lởi cho biết chị thường làm từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng không nghỉ. Chỉ với đồ nghề là một chiếc đòn gánh cùng hai sợi dây thừng, chị vật lộn với cuộc mưu sinh ở đây trong nhiều năm qua. Lâu lâu, dành dụm được ít tiền chị mới dám bắt xe về nhà vài ba tiếng để nấu cho chồng bữa cơm, xem đứa con học bài rồi lại quày quả trở vào cho kịp giờ làm. Thường thì kiếm được 200-300 nghìn đồng/ngày, khá hơn thì được 400 nghìn đồng... Chị chia sẻ, hiện đang ở trọ cùng với 4 người từ các tỉnh khác đến, đều có hoàn cảnh khó khăn như nhau, vì vậy mà thường giúp đỡ nhau. Chị em ai cũng thương nhau cả, ai có khó khăn gì thì giúp, chứ không tranh giành hay giật mối làm ăn của nhau. Chị nói, rồi lại tất tả quẩy quang gánh đi khi phía bên kia có tiếng gọi.

Bà Bùi Thị Sáu (47 tuổi, quê H. Quế Sơn, Quảng Nam) chồng mất sớm, một mình làm ruộng, trồng rau nuôi con gái ăn học. Niềm hạnh phúc khi con thi đỗ Trường Đại học Y Dược Huế chưa lâu thì nỗi lo âu về chi phí học hành, sinh hoạt cho con trong những năm sắp đến lại đè nặng lên vai bà. Từ ngày con gái ra Huế nhập học bà cũng quyết định ra Đà Nẵng làm thuê ở chợ Hòa Cường mong kiếm được nhiều tiền hơn lo cho con. Chị Võ Thị Thơm là một trong những nữ cửu vạn làm việc lâu năm ở chợ Hòa Cường chia sẻ: "Làm nghề này phải có sức khỏe dẻo dai mới bám trụ được. Ở đây chúng tôi làm chẳng biết ngày nghỉ là gì, có sức khỏe ngày nào thì phải tranh thủ kiếm tiền ngày đó. Làm nghề cửu vạn kéo xe này nhìn cô nào cũng hốc hác, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Họ cứ gặp đâu ngủ đấy, tranh thủ lúc không có hàng thì vào mái hiên chợ để chợp mắt tí lấy lại sức. Lúc trước ở chợ này nữ cửu vạn cũng đông lắm, nhưng nhiều cô vì kéo hàng nặng lâu ngày bị chấn thương, rạn xương nên nghỉ dần".

Khó nhọc kéo chiếc xe đầy hàng.

Tôi nhìn quanh, những dáng tóc dài lần lượt lướt qua, những dáng người nhỏ bé mà sức chịu đựng thật bền bỉ. Trên khuôn mặt họ, thi thoảng vương lại nụ cười. Những "cánh vạc" mảnh mai ấy cứ cặm cụi làm việc. Khi những chiếc xe tải ùn ùn kéo đến và đi thẳng vào trong chợ, lối đi chật hẹp, những chiếc xe tuýt còi inh ỏi, kèm theo những lời mắng dọa của những lái xe khi bị những nữ cửu vạn choán mất đường của họ... Để gánh hàng được nhanh hơn, nhanh còn gánh chuyến khác, có những người không ngần ngại băng ngang qua chiếc xe tải đang chạy, nhìn thật quá nguy hiểm. Dừng lại nghỉ sau gánh hàng nặng oằn vai, bà Phan Thị Mì (quê Quảng Ngãi) lẽ ra đã ở cái tuổi an nhàn, con cháu đề huề, nhưng vẫn phải oằn mình vật lộn trong cuộc mưu sinh. Chồng bà bệnh nặng, mất khả năng lao động, tiền thuốc men hàng tháng làm không đủ trả. Bà cũng sinh được hai người con trai, cả hai đã lập gia đình nhưng cũng còn thiếu thốn khó khăn nhiều lắm. "Mình lớn tuổi hơn nên cũng yếu, thường thì làm chậm và có ít người thuê hơn. Nhưng được đồng nào hay đồng ấy. Còn sức thì còn làm, đỡ phiền đến con cháu, sau này già yếu thì mới dám cậy nhờ chúng nó!". Vừa nói, bà vừa rút trong túi ra đếm được 60 nghìn đồng khoe thành quả của một đêm. Nụ cười rạng rỡ, ánh mắt trân trọng những đồng tiền mà bà đã tốn mất bao nhiêu công sức làm ra. Bà trầm ngâm nhìn vào chuyến xe vừa chạy qua, bảo cũng nhớ quê và lo lắng chồng không biết ốm đau thế nào, thuốc men, ăn uống có đầy đủ không...

Tuy nhọc nhằn khốn khó nhưng những người phụ nữ này vẫn có một niềm tin để hy vọng, đó là gia đình nhỏ bé của mình, là những đứa con với tương lai rạng người. Chị Hằng chia sẻ, có hai người con, con trai lớn đang học lớp 12. Chồng chị ở nhà làm thợ xây. Cuộc sống kinh tế khó khăn khi phải nuôi hai con đi học, mong ước có thể để con học trường đại học, sau này có việc làm ổn định, không phải vất vả như cha mẹ nên chị luôn cố gắng làm việc. Chính những đồng tiền chắt chiu từ những chuyến gồng gánh kia đã nuôi biết bao người con khôn lớn, vào đại học, thành tài... Đêm gió đông kèm theo mưa bụi rét như cắt, dòng người vẫn tấp nập vội vã, những thân cò lại lặn lội với từng chuyến hàng trên đôi vai gầy guộc. Tôi cũng thầm mong họ luôn khỏe mạnh, con cái mau trưởng thành để không phải oằn mình với những gánh hàng nặng nề, không phải bon chen với cuộc sống mưu sinh vất vả.

MỘNG TRINH -MINH NGỌC