Báo Công An Đà Nẵng

Nữ “đại gia” phố núi lừa đảo gần 25 tỷ đồng

Thứ ba, 13/03/2018 06:47

Với lãi suất cao ngất ngưởng, thủ tục nhanh gọn, có thể rút gốc và lãi bất cứ lúc nào, gần 400 hộ dân ở các huyện Anh Sơn, Con Cuông… đã lần lượt sập bẫy lừa của nữ “đại gia” phố núi Nguyễn Thị Thảo (1959, trú thị trấn H. Con Cuông, Nghệ An). Chỉ đến khi Thảo bị bắt về hành vi “đánh bạc” thì người dân mới vỡ lở, ùn ùn kéo đến đòi lại số tiền đã gửi cho nữ “đại gia” này.

                         Rất đông bị hại có mặt tại phiên tòa.                                        Nguyễn Thị Thảo tại tòa.

Trong 3 ngày 6, 7 và 9-3, TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Thị Thảo (1959, trú thị trấn H. Con Cuông, Nghệ An). Rất đông người dân là bị hại trong vụ án đến dự khán, phần lớn họ là những người dân lao động nghèo ở các huyện miền núi nhưng do sự “nhẹ dạ cả tin” nên đã vội vàng  gửi tiền cho Thảo. Theo đó, người dân khi gửi tiền chỗ Thảo sẽ nhận được lãi suất 1%/tháng nghĩa là cứ 100 triệu đồng thì sẽ nhận được 1 triệu đồng/tháng. Khi gửi sẽ được cấp 1 biên lai có chữ ký và dấu đỏ của công ty nên người dân đã tin tưởng, “chọn mặt gửi vàng” cho Nguyễn Thị Thảo.

“Là nông dân, quanh năm làm lụng mới tích cóp được một số tiền nhỏ nên muốn gửi tiết kiệm khi về già. Thấy doanh nghiệp tư nhân Hùng Thảo kinh doanh, vàng bạc, xe máy lại có dấu công ty nên rất đông người dân vào gửi tiền. Nghĩ gửi chỗ bà Thảo vừa có tiền lãi lại vừa tiết kiệm được nên gia đình tôi gom góp được 100 triệu đồng là tiền bán trâu bò, bán gỗ keo để gửi. Nào ngờ…”, Bà N.T.M (trú thị trấn H. Con Cuông, Nghệ An) bức xúc.

Còn ông L.V.T. (ở TT Con Cuông, Nghệ An) cũng mong muốn dành dụm cho con trai một mảnh đất nhỏ nhỏ để cưới vợ nên đã gửi tiền cho Nguyễn Thị Thảo. Vợ chồng ông T. hàng ngày phải đi đánh cá ở lòng hồ để trang trải cuộc sống qua ngày. Tháng 2-2016, ông L. bàn với con trai làm nghề phụ xe cùng nhau gom góp được 300 triệu đồng gửi cho Nguyễn Thị Thảo vừa có chút tiền lãi để chờ thời điểm mua đất sẽ rút. “Giờ tôi chỉ mong bà Thảo trả cho gia đình tôi số tiền gốc mua cho con trai miếng đất để trước khi nhắm mắt tôi còn thấy yên tâm thôi” - ông T. bùi ngùi.

Số tiền mà ông T., bà M. gửi cho Nguyễn Thị Thảo chỉ một phần rất nhỏ trong tổng số gần 25 tỷ đồng mà Thảo đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 400 bị hại tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông. Có mặt tại phiên tòa, ông L.V.T. trú xã Chi Khê, H.Con Cuông tỏ ra buồn bã khi nghe đại diện VKSND tỉnh Nghệ An công bố cáo trạng. “Chắt chiu, dành dụm mãi, vợ chồng tôi mới có được số tiền 65 triệu đồng. Thấy bà Thảo có nhiều người gửi, thủ tục nhanh gọn mà khi cần có thể lấy ngay nên tôi đã bàn vợ gửi tiền cho bà Thảo vừa có tiền lãi lại có thể rút bất cứ khi nào. Em gái tôi cũng góp được 75 triệu đồng rồi cùng gửi cho bà Thảo. Không ngờ, khi hay tin bà Thảo bị bắt về hành vi “đánh bạc”, tôi đến nhà đòi thì mới nghe tin doanh nghiệp đã tuyên bố vỡ nợ, hết khả năng chi trả”, ông T. buồn bã.

Năm 1994, Doanh nghiệp tư nhân Hùng Thảo chính thức thành lập do ông Nguyễn Phi Hùng (1956, chồng bà Thảo) làm chủ. Doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh vàng bạc, đồ mỹ nghệ, mua bán xe máy. Tuy nhiên, mọi hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu do Nguyễn Thị Thảo điều hành. Mặc dù doanh nghiệp không có chức năng huy động vốn tiền gửi nhưng Nguyễn Thị Thảo vẫn phát hành phiếu tiền gửi rồi sử dụng con dấu của doanh nghiệp đóng lên phiếu gửi tiền để tạo lòng tin cho người dân nhầm tưởng rằng, việc huy động vốn là phục vụ cho kinh doanh vàng bạc, xe máy. Năm 2009, hoạt động nhận tiền gửi của người dân bắt đầu được Thảo thực hiện. Ngày 23-10-2015, Nguyễn Thị Thảo đã chỉ đạo Nguyễn Thị Phượng – kế toán doanh nghiệp soạn thảo quyết định  giải thể doanh nghiệp và thông báo giải thể doanh nghiệp đưa ra lý do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên không có khả năng chi trả cho nhân viên bán hàng, các chi phí phát sinh và gửi toàn bộ thủ tục giải thể doanh nghiệp đến Chi cục Thuế H.Con Cuông. Tuy nhiên, thông tin này không được thông báo cho chính quyền địa phương cũng như người dân đến gửi tiền nên hoạt động nhận tiền gửi của người dân vẫn tiếp tục diễn ra. Cho đến tháng 5-2016, khi Nguyễn Thị Thảo bị bắt giữ về hành vi “đánh bạc” thì người dân mới tá hỏa, ùn ùn kéo đến nhà đòi tiền của gia đình mình. Tuy nhiên, do không có khả năng chi trả nên một số chủ nợ đã “hóa giá” các tài sản trong gia đình để siết nợ và trình báo CA. Cơ quan chức năng đã làm rõ, trong thời gian hoạt động cho đến thời điểm bị bắt, Nguyễn Thị Thảo đã huy động khoảng 25 tỷ đồng từ người dân và không có khả năng trả nợ. Các nạn nhân của bà Thảo chủ yếu sinh sống ở hai huyện Anh Sơn và Con Cuông.

Trong phiên xét xử, trước những câu hỏi của chủ tọa phiên tòa và đại diện VKS, bị cáo Nguyễn Thị Thảo đã thừa nhận có nhận tiền gửi của dân nhưng vẫn một mực quanh co chối tội cho rằng đó không phải là lừa đảo. Bị cáo Thảo trình bày: Bản thân bị cáo không huy động tiền gửi mà do dân tự đến gửi nên bị cáo nhận. Số tiền này được bị cáo mua xe máy với số lượng 1.589 chiếc rồi bán lại cho người dân H.Kỳ Sơn và hiện số tiền này người dân đang nợ bị cáo.

Tại phiên tòa, các bị hại cho rằng cơ quan điều tra bỏ sót người lọt tội đối với Nguyễn Phi Hùng (chồng bị cáo) và Nguyễn Cao Cường (con trai bị cáo) vì hai người này có liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng do ông Hùng là chủ doanh nghiệp nhưng mọi hoạt động nhận tiền gửi đều do bị cáo điều hành, ông Hùng không hay biết số tiền bị cáo nhận để ở đâu. Còn Nguyễn Cao Cường có nhận số tiền hơn 1 tỷ từ người dân nhưng sau đó đã chuyển trực tiếp cho bị cáo. Do đó, không đủ căn cứ để xác định ông Hùng và Cường có yếu tố đồng phạm.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thảo án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và buộc bồi thường toàn bộ số tiền 24.893.788 nghìn đồng thiệt hại cho 383 bị hại.

D.Hóa