Báo Công An Đà Nẵng

Nữ nhà giáo có nhiều cống hiến cho ngành Y

Thứ ba, 21/11/2017 10:19

Với niềm say mê nghiên cứu khoa học (NCKH) về lĩnh vực y dược học, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài, giảng viên Trường Đại học Y Dược Huế là một trong hai gương mặt của Việt Nam vừa vinh dự nhận được giải thưởng L’Oreal - UNESCO - Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học 2017 về lĩnh vực nói trên. Đây là giải thưởng tôn vinh những phụ nữ đã có quá trình nghiên cứu khoa học (NCKH), đóng góp lâu dài vào sự phát triển của khoa học.

PGS Hoài đã tìm ra các bài thuốc từ thiên nhiên giúp bệnh nhân giảm gánh nặng chi phí.

Tốt nghiệp Trường Đại học Dược Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hoài (1977) về giảng dạy tại Khoa Dược Trường Đại học Y Dược Huế. Năm 2003, chị hoàn thành chương trình thạc sĩ và bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2008. Năm 2012, Nguyễn Thị Hoài vinh dự được công nhận chức danh Phó Giáo sư, trẻ nhất Đại học Huế thời điểm đó khi vừa tròn 35 tuổi. Không chỉ giảng dạy, dìu dắt nhiều thế hệ sinh viên, trong thời gian công tác, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài đã nỗ lực tham gia thực hiện 16 đề tài các cấp, trong đó chủ nhiệm 6 đề tài cấp Bộ. Chị có 84 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học, trong đó có 21 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành... Hiện, chị là Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Huế.

GS.TS.BS Võ Tam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế, người thầy cũng là người đồng nghiệp của PGS Hoài chia sẻ: “Gần 18 năm công tác ở Trường ĐH Y Dược Huế, cô Hoài luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Điều đáng khâm phục là cô Hoài lại mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Vừa phải chống chọi với bệnh tật vừa “truyền lửa” cho các lớp sinh viên vừa say mê nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài mới giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị tốt hơn. Cô Hoài là tấm gương sáng để nhiều thế hệ sinh viên, thầy cô giáo học tập, noi theo”.

Trong số hàng chục đề tài NCKH mà PGS Hoài làm chủ nhiệm, có những đề tài cấp Bộ được đánh giá rất xuất sắc, định hướng trong nghiên cứu và phát triển thuốc mới chữa trị bệnh ung thư. Đó là đề tài “Nghiên cứu các cây thuốc của đồng bào Pacô- Vân Kiều ở miền Trung theo hướng tác dụng chống oxy hoá, diệt tế bào ung thư”.  Đề tài là bước khởi đầu cho việc nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ trong điều trị ung thư và các bệnh liên quan đến tác dụng chống oxy hóa.  PGS Hoài nhớ lại: “Để thực hiện đề tài này, mình và các cộng sự cùng ăn, cùng ở nhiều ngày với bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện miền núi khắp những tỉnh miền Trung”. Kết quả thật bất ngờ khi chị đã điều tra thu thập 102 cây thuốc được đồng bào Pako - Vân Kiều ở miền Trung được sử dụng để chữa bệnh nhiều loại bệnh khác nhau.

Sau những tháng ngày “nằm vùng” ở miền núi, PGS Hoài lại mất cả năm trời kiên trì trong phòng thí nghiệm để phân tích, nghiên cứu, sàng lọc các mẫu dịch chiết dược liệu. “Kết quả đã phân loại được 30 cây thuốc của đồng bào Pako - Vân Kiều ở Miền Trung theo hướng liên quan đến tác dụng chống ung thư và chống oxy hóa; xây dựng bộ dữ liệu 14 cây thuốc liên quan đến tác dụng chống ung thư; xây dựng bộ dữ liệu 16 cây thuốc liên quan đến tác dụng chống oxy hóa; sàng lọc tác dụng chống oxy hóa và diệt tế bào ung thư 30 cây thuốc của đồng bào Pako – Vân Kiều ở Miền Trung. Quan trọng nhất là đã xác định 2 cây thuốc có hoạt tính mạnh nhất để tiếp tục nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng sinh học đó là cây Bù dẻ tía với hoạt tính diệt tế bào ung thư và cây Mán đỉa với hoạt tính chống oxy hóa”, PGS Hoài cho biết.

Một đề tài khoa học cấp Bộ khác của PGS Hoài cũng được đánh giá rất cao, đó là nghiên cứu tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư từ các loài thuộc chi Hedyotis thuộc họ cà-phê có ở Việt Nam. Theo PGS Hoài, tính mới và sáng tạo của chi Hedyotis đã được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu trong thời gian gần đây và đã được phát triển thành sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư ở thị trường Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu 30 loài trong chi này ở Việt Nam đã tìm ra loài có hoạt tính tốt để tiếp tục nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học là cây An điền nón. Loài này chưa từng được nghiên cứu trước đó ở cả Việt Nam cũng như trên thế giới. Hay đề tài được xếp loại xuất sắc là “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất glucomannan trong củ nưa trồng tại TT-Huế” mà PGS Hoài đã dày công nghiên cứu bước đầu mở ra nhiều triển vọng trong điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường, béo phì, cholesterol cao...

Với chặng đường âm thầm NCKH, tìm ra nhiều phương pháp, loại thuốc mới điều trị cho bệnh nhân, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài rất xứng đáng khi đoạt giải giải thưởng L’Oreal - UNESCO - Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học tại Việt Nam. Đây là giải thưởng danh giá của thế giới nhằm tôn vinh các nhà nghiên cứu khoa học nữ từ khắp thế giới.

H.LAN