Báo Công An Đà Nẵng

Nữ nhân viên "múa miệng" lừa hơn 2,6 tỷ đồng

Thứ hai, 13/06/2016 09:08

(Cadn.com.vn) - Dù chỉ là một nhân viên bình thường nhưng Ngô Lê Thị Thủy (1987, trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) "nổ" có quan hệ rộng, dễ dàng xin việc tại nhiều cơ quan Nhà nước, qua đó chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ đồng của 13 người. Ngày 10-6, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử Thủy về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo cáo trạng, từ tháng 11-2013 đến 10-2014, Thủy là nhân viên vệ sinh Xí nghiệp Môi trường H. Hòa Vang (Đà Nẵng) nhưng Thủy luôn "nổ" có khả năng xin việc ở một số cơ quan trên địa bàn Đà Nẵng. Đặc biệt, Thủy ra giá cụ thể cho các suất "chạy việc" như: kế toán Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng từ 50-80 triệu đồng, nhân viên Cty Cấp nước Đà Nẵng 120 triệu đồng, kế toán Bệnh viện Hòa Vang 140 triệu đồng, nhân viên Bệnh viện Đà Nẵng 130 triệu đồng, Bệnh viện C 120 triệu đồng, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Lệ 150 triệu đồng. Không chỉ "chạy" suất biên chế cơ quan Nhà nước, Thủy còn bịa lo được cả các suất trong lực lượng vũ trang, như: đi nghĩa vụ ngành Công an 190 triệu đồng; học cử tuyển ngành Công an ở trường... quân đội giá 300 triệu đồng (?); vào phòng Hậu cần, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động 3 Bộ Công an (đóng tại Hòa Vang) giá 250 triệu đồng; Phòng Cảnh sát Môi trường giá 310 triệu đồng. Thậm chí, Thủy còn cả gan bịa chuyện "chạy" vào trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 2, Bộ Công an (đóng tại Quảng Nam) giá 400 triệu đồng; xin làm giáo viên trường này giá 260 triệu đồng.

Tin lời, nhiều bị hại đã gửi hồ sơ, tiền cho Thủy "chạy việc" và bị chiếm đoạt một số tiền lớn, trong đó, người bị lừa ít nhất là 50 triệu đồng, nhiều nhất là 410 triệu đồng. Không chỉ vậy, sau khi nhận tiền "chạy" việc, Thủy còn bịa ra các chi phí bôi trơn, chuyển hộ khẩu từ 5 - 15 triệu đồng/lần để chiếm đoạt thêm. Tại tòa, Thủy thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và cho biết vì thấy làm như vậy có tiền nên nổi lòng tham. Thủy khai số tiền chiếm đoạt được đã tiêu xài hết sạch, chỉ còn lại 1 lô đất, trả được gần 190 triệu đồng cho bị hại.

Bị cáo Thủy tại phiên tòa.

Có mặt tại phiên tòa, các bị hại cho rằng hành vi của Thủy có chủ đích từ trước, vì vậy đường đi nước bước của Thủy bao giờ cũng "sạch sẽ" để không thể ai phát hiện ra. Như trường hợp của người bị hại Phương (trú Quảng Bình) cho hay: Để tạo niềm tin, Thủy vẫn để chị tiếp xúc với tất cả những người thân trong gia đình Thủy. Thậm chí đi lại rất thân thiết, ăn uống cùng nhau nên khi phát hiện bị lừa chị vẫn không thể tin vào sự thật. Thậm chí, trong thời gian hứa hẹn xin việc cho con của chị Phương, bị cáo còn đề nghị con chị vào ở trọ ngay nhà bị cáo, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" mấy tháng liền. Điều đáng nói ở đây, bị cáo lại... trả lương cho những người có hồ sơ xin việc mặc dù những người này chưa hề đi làm ngày nào. Số tiền "lương" này bị cáo chuyển vào các tài khoản của người đi xin việc do bị cáo tự mở cho họ trước đó. Khi bị hại thắc mắc không hiểu lý do gì khi chưa đi làm nhưng lương vẫn có thì bị cáo nói rằng do đơn vị A-B đang lúc kiểm toán nên không cần đi làm. Đối với những trường hợp khác, bị cáo nhờ người giúp đỡ bằng cách gọi điện cho bị hại, tự xưng là cán bộ phòng tổ chức nhân sự bệnh viện và công an, xác nhận đã nhận hồ sơ của bị hại và đang bố trí công việc, do đó các bị hại mới tin tưởng và liên tục giao tiền.

Tất cả các bị hại yêu cầu bị cáo hoàn lại toàn bộ số tiền mà bị cáo chiếm đoạt của họ và đề nghị HĐXX phải làm rõ có hay không bị cáo đã tẩu tán tài sản. Bởi, theo các bị hại, số tiền hơn 2,6 tỷ đồng bị cáo làm thế nào "tiêu xài" hết nhanh đến vậy. Nhiều bị hại cũng cho rằng có người giúp sức cho bị cáo trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi trên thực tế có người gọi điện hứa hẹn, vậy người đó là ai (?). Chỉ vì tin vào sự dẻo miệng của bị cáo nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng, thậm chí đến hộ khẩu gia đình cũng chẳng còn. Nhiều bị hại cho biết, khi nhận hồ sơ chạy việc và nhận tiền, bị cáo đề nghị những người có nhu cầu xin việc này phải cung cấp hộ khẩu gia đình để làm thủ tục nhập khẩu. Vì vậy, có 13 bị hại đã đưa hộ khẩu cho bị cáo và đến nay hộ khẩu cũng đi luôn cùng với... tiền.

Có thể thấy trong thời gian gần đây những vụ án lừa chạy xin việc nhằm chiếm đoạt tài sản liên tục xảy ra và người bị lừa hầu hết là những trường hợp kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết. Trong vụ án này, đối với trường hợp của chị Phương đã sớm phát hiện ra, chất vấn Thủy, nhưng không sớm trình báo cơ quan chức năng nên bị cáo mới có cơ hội tiếp tục những chuỗi hành vi lừa đảo những người khác. Đồng tiền không làm ra bằng mồ hôi nước mắt ắt phải trả giá và việc hôm nay bị cáo đứng trước vành móng ngựa là một sự tất yếu không thể khác. Với hành vi lừa đảo hơn 2,6 tỷ đồng của 13 bị hại, HĐXX TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo Thủy 8 năm tù, buộc bị cáo tiếp tục bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

Trang Trần