Báo Công An Đà Nẵng

Núi lửa tiếp tục phun trào, Tonga khốn đốn

Thứ ba, 18/01/2022 15:30

Australia, New Zealand điều máy bay khảo sát thiệt hại do núi lửa phun trào tại Tonga trong bối cảnh vương quốc này đang bị cô lập với thế giới do hệ thống internet bị hư hại.

Núi lửa dưới đáy biển Tonga phun trào. Ảnh: Reuters

Trung tâm khuyến cáo bụi núi lửa Darwin, có trụ sở ở Darwin, Australia, ngày 17-1 thông báo đã ghi nhận thêm một vụ phun trào lớn tiếp theo của núi lửa tại Tonga, 2 ngày sau vụ phun trào lớn gây ra các trận sóng thần ở khu vực Thái Bình Dương.  Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương cũng cho biết đã có những cơn sóng lớn trong khu vực và có thể do một vụ phun trào khác của núi lửa tại Tonga. Tuy nhiên, trung tâm trên không ghi nhận trận động đất có quy mô đáng kể gây ra đợt sóng này.

Núi lửa Tonga-Hunga Haapai ở Thái Bình Dương phun trào cuối tuần qua đã giải phóng một năng lượng lớn có thể tương đương 1.000 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945.  Vụ phun trào làm gián đoạn hệ thống liên lạc của Tonga, khiến quốc đảo Thái Bình Dương này gần như cô lập với thế giới. Ngay cả các trang web của chính phủ và các nguồn chính thức khác vẫn không có cập nhật cho đến chiều ngày 16-1. Hiện mạng lưới viễn thông đã được khôi phục dần dần, nhưng tro bụi núi lửa và những thiệt hại do sóng thần gây ra tiếp tục gây trở ngại cho người dân ở Tonga.

Ngày 17-1, Australia và New Zeland đã huy động các máy bay tuần tra tiến hành các chuyến bay khảo sát để đánh giá thiệt hại do núi lửa phun trào ở Tonga. Theo Bộ trưởng phụ trách khu vực Thái Bình Dương của Australia Zed Seselja, các báo cáo ban đầu cho thấy vụ núi lửa phun trào dẫn tới sóng thần xảy ra ngày 15-1 không gây thương vong lớn. Tuy nhiên, cảnh sát Australia đã đến khảo sát một số bãi biển và nhận thấy nhiều nhà cửa bị cuốn trôi. Phát biểu trên Đài phát thanh, Bộ trưởng Seselja cho biết có thiệt hại đáng kể, đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng. Riêng sân bay Tonga dường như vẫn trong tình trạng tốt.

Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết các máy bay thị sát sẽ giúp thu thập thông tin đánh giá tình hình tại hiện trường và cung cấp cho chính phủ Tonga những dữ liệu cần thiết để tiến hành các hoạt động cứu trợ. Bà Ardern cũng nhấn mạnh người dân tại Tonga hiện đang rất cần nước sạch. Australia và New Zeland cũng điều động các máy bay vận tải quân sự C-130 trực sẵn để thả hàng hóa cứu trợ hoặc hạ cánh để bàn giao hàng cứu trợ nếu các đường bay tại sân bay Tonga vẫn sử dụng được. Các máy bay tuần tra của 2 nước sẽ tiếp tục đánh giá tình hình ở các hòn đảo bên ngoài đang bị gián đoạn liên lạc hoàn toàn.

Phó trưởng phái đoàn ngoại giao của Tonga tại Australia Curtis Tu'ihalangingie cho biết, chính phủ nước này hiện đang cân nhắc các ưu tiên khi triển khai hoạt động cứu trợ. Chính phủ Tonga lo ngại hoạt động vận chuyển đồ cứu trợ sẽ kéo theo nguy cơ lây lan dịch COVID-19 vào đảo quốc vốn chưa ghi nhận sự xuất hiện của dịch bệnh này.

Chia sẻ trên Facebook, chủ nhân của khu nghỉ dưỡng Ha'tafu Beach Resort cho biết toàn bộ khu nghỉ dưỡng, cách thủ đô Nuku'alofa 21km về phía Tây, đã bị xóa sổ. Đại diện khu nghỉ dưỡng cũng cho biết toàn bộ vùng duyên hải phía Tây cùng với làng Kanukupolu đã bị tàn phá. Hội Chữ thập đỏ quốc tế đang huy động nhân lực và vật lực để hỗ trợ ứng phó tác động của vụ phun trào núi lửa được cho là tồi tệ nhất ở khu vực Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ qua.

KHẢ ANH