Báo Công An Đà Nẵng

Núi rừng xứ Quảng trong “Âm vang đại ngàn”

Thứ bảy, 03/02/2018 11:16

Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội VHNT tỉnh Quảng Nam (1997-2017), 40 năm thành lập Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng (1977-2017), 15 năm thành lập Chi hội VHNT các Dân tộc thiểu số Quảng Nam, Hội VHNT  Quảng Nam vừa xuất bản tập sách “Âm vang đại ngàn” giới thiệu một số tác phẩm văn, thơ, nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật của các tác giả Quảng Nam từng gắn bó nơi núi cao, rừng thẳm và bà con các dân tộc thiểu số Quảng Nam.

Một số hình ảnh văn hóa miền núi xứ Quảng được giới thiệu trong tập sách.

Đọc “Âm vang đại ngàn” điều đầu tiên ấn tượng, cuốn hút người đọc là mạch nguồn cảm xúc. Tất cả đều là những câu chuyện có thật, là những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn của những con người đã trải qua nỗi nhớ cao nguyên đến tái tê lòng. Đồng bào dân tộc thiểu số vùng rừng núi miền Tây Quảng Nam sống phóng khoáng, tự do, chân thật, nghĩa tình, thủy chung. Đặc biệt, mỗi dân tộc có đời sống văn hóa đặc sắc, riêng biệt. Với họ có thể đói cơm, lạt muối, mặc rách, nhưng trong cuộc sống thường ngày, trong mỗi gia đình, trong mỗi làng nóc, hay trong các lễ hội của địa phương không thể thiếu tiếng cồng chiêng, tiếng trống, tiếng đàn, tiếng ca, điệu múa... Và đến nay, nhiều loại hình văn nghệ dân gian của các dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Nam đã trở thành Di sản Văn hóa Quốc gia, Văn hóa phi vật thể như: Vũ điệu tung tung - da dá, Hát lý- nói lý của đồng bào Cơ Tu, hay bộ Gu của đồng bào Cor...

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954- 1975), đồng bào các dân tộc miền Tây Quảng Nam đã không sợ hy sinh để che chở, nuôi giấu, bảo vệ các thế hệ cán bộ, đã dốc sức người, sức của phục vụ kháng chiến. Đặc biệt từ năm 1960 đến năm 1975, vùng rừng núi miền Tây Quảng Nam  đã trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau năm 1975, đặc biệt là sau ngày tái lập tỉnh (1997), vùng rừng núi Quảng Nam đã có những thay đổi bất ngờ, kỳ diệu. Từ sườn núi Ngọc Linh (Nam Trà My) đến sườn Đông dãy Tà Xiên (Tây Giang), đường ô-tô, xe máy, điện thắp sáng, trường học, bệnh xá đã đến tận các xã thôn, làng nóc; đồng bào đã ổn định nơi ăn, chốn ở…; nhiều gia đình đã có nhà kiên cố, biệt thự, trang trại rộng lớn, có gia đình đã trở thành tỷ phú... Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, quyến rũ, truyền thống đấu tranh cách mạng; đời sống văn hóa phong phú, độc đáo, sự thay đổi, phát triển nhanh chóng về tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Nam không chỉ thu hút các nhà làm kinh tế, du khách mà còn là nguồn cảm hứng mãnh liệt đối với giới văn nghệ sĩ, báo chí  trong lao động sáng tạo khi đến nơi đây.

Qua “Âm vang đại ngàn”  bạn đọc gần xa sẽ biết, hiểu và yêu quý hơn về vùng rừng núi, về bà con các dân tộc thiểu số miền Tây đất Quảng - “Thánh địa cách mạng” của Khu V. Với nhiều thể loại đa dạng như: tản văn, ký, ghi chép, thơ, nhạc, mỹ thuật, ảnh nghệ thuật…, nhiều tác phẩm mang đậm hơi thở, nhịp sống của núi rừng cao nguyên như: Qua những nẻo đường vùng cao (Hà Văn Đa), Trà My một thuở (Duy Hiển), “Tây du” Tắk pỏ (Ngô Phú Thiện), Vai núi gù nặng tình dân (Huỳnh Trương Phát), Mùa cao su thay lá (Hà An)… Có thể cảm nhận rằng, với những ai chưa một lần đến với vùng núi xứ Quảng thì “Âm vang đại ngàn” sẽ là “kim chỉ nam”, dẫn lối, đưa những bước chân xa lạ về với đại ngàn trong sự luyến lưu, thổn thức chẳng rời xa…

PHI NÔNG