Nước Anh khủng hoảng vì Brexit
(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Anh David Cameron - người đứng đầu chiến dịch vận động kêu gọi “ở lại EU” – ngày 19-6 cho rằng, nước Anh phải đối mặt với “sự lựa chọn sinh tử” trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23-6 tới, trong đó London sẽ “không có cơ hội quay đầu trở lại”.
Người dân biểu tình phản đối việc Anh rời khỏi EU. Ảnh: Reuters |
Sau khi tạm đình chỉ tất cả các chiến dịch vận động cử tri Anh bỏ phiếu ở lại hoặc rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) - còn gọi là hiện tượng Brexit - sau vụ việc nữ nghị sĩ Jo Cox - một người ủng hộ ở lại EU - bị bắn chết, các phong trào vận động đã được nối lại vào ngày 19-6.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 19-6, ông Cameron cho biết, lựa chọn để rời khỏi EU trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 23-6 tới sẽ là “sai lầm lớn” và dẫn đến “suy nhược” cho đến một thập kỷ. Nhà lãnh đạo Anh cũng nói rằng, cuộc bỏ phiếu ở lại EU là “dân chủ cuối cùng” và hiện thân cho những gì mà nữ nghị sĩ đảng Lao động Jo Cox, đã đấu tranh. Viết trên tờ Sunday Telegraph, ông Cameron, khẳng định, cuộc trưng cầu dân ý “không thể đảo ngược” là “thời điểm bước ngoặt” của Anh.
Trái ngược lại, trong cuộc phỏng vấn với tờ Sun hôm 19-6, cựu Thị trưởng London Boris Johnson - người đứng đầu chiến dịch vận động “Rời khỏi EU” cho biết, Anh đang đứng trước “cơ hội duy nhất trong đời”. Theo ông, mọi người dân không có gì để lo sợ bởi “bản thân tự quyết định” và bỏ phiếu để rời khỏi EU. “Nếu chúng ta làm được điều này, chúng ta đã lên tiếng cho dân chủ không chỉ ở Anh mà còn trên toàn Châu Âu và nó sẽ là một điều tốt đẹp để lại cho thế hệ sau”, ông nói.
Vị chính trị gia nổi bật này cũng đặt ra những gì ông sẽ làm trong trường hợp Brexit, nói rằng, ưu tiên hàng đầu của ông sẽ bao gồm việc rút khỏi thẩm quyền của Tòa án Công lý Châu Âu và “giành lại quyền kiểm soát biên giới của chúng ta”. Michael Gove - người cùng chiến dịch “Rời khỏi EU” nói với tờ Sunday Telegraph rằng - nước Anh có thể đánh dấu “cột mốc tiến bộ” bằng cách rời khỏi EU.
Kết quả thăm dò mới nhất của tổ chức Opinium/Observer cho thấy, tỷ lệ ủng hộ rời khỏi và ở lại EU hiện ngang bằng nhau, trong khi 10% chưa quyết định. Vì vậy, cả hai phe đang tận dụng những ngày còn lại để lấy lòng những cử tri còn do dự cũng như thuyết phục các cử tri thay đổi lựa chọn. Tuy nhiên, trong bối cảnh dư luận Anh còn chưa hết bàng hoàng sau vụ sát hại nữ nghị sĩ Jo Cox - cả hai phe cho biết, họ vận động theo xu hướng điềm đạm hơn.
Tuy nhiên, có thể thấy, dù kết quả thế nào, cuộc trưng cầu ý dân cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Anh và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế ở nước này và cả kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Brexit có thể khiến đồng bảng Anh xuống giá, dẫn đến những bất ổn trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới. Theo nghiên cứu công bố hôm 18-6 của tờ Finacial Times, kịch bản Brexit còn có thể sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế Châu Á, dù không quá lớn, do thị trường Anh hiện chỉ chiếm khoảng 0,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Châu Á.
Vấn đề đặt ra hiện nay Brexit chắc chắn sẽ châm ngòi cho nhiều vấn đề nảy sinh tại thị trường Châu Âu và tác động gián tiếp đến Châu Á. Thậm chí, giới quan sát lo ngại, việc Anh rời khỏi EU sẽ gây ra hiệu ứng domino. Trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Tagesspiegel am Sonntag hôm 19-6, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn nhận định, Brexit có thể làm bùng nổ động thái tương tự ở các nước thành viên khác trong EU.
“Không thể loại trừ khả năng Brexit dẫn đến hiệu ứng domino ở Đông Âu”, ông Asselborn nói. Theo ông, đây sẽ là “sai lầm lịch sử” của Thủ tướng David Cameron - nhà lãnh đạo đã kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý, như một cách được xem là nhằm “dằn mặt” EU.
Khả Anh