Báo Công An Đà Nẵng

Nước Anh sắp mở cửa, chấp nhận sống chung với COVID-19

Thứ tư, 07/07/2021 12:12

Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại Anh tăng mạnh trong những ngày qua, nhưng chính phủ Thủ tướng Boris Johnson vẫn quyết tâm mở cửa trở lại và chấp nhận sống chung với dịch bệnh.

Vào ngày 19-7 tới, Anh sẽ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang.  Ảnh: AFP

Vào ngày 19-7 tới, Anh sẽ chính thức dỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch COVID-19 còn lại, trong đó sẽ bỏ quy định giãn cách, làm việc tại nhà, bắt buộc đeo khẩu trang. Các nhà hàng, quán rượu không phải yêu cầu khách khai báo thông tin chi tiết trong khi quầy bar cũng được phép mở cửa trở lại.

Chính phủ Anh ban đầu dự kiến mở cửa trở vào ngày 21-6, nhưng sau đó hoãn lại 4 tuần do biến thể Delta hoành hành và nước này cần thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine cho người dân. Và hiện nay, với 62% người trưởng thành được tiêm đầy đủ, các nhà khoa học nói rằng, đã đến lúc quyết đoán để mở cửa trở lại. Nhưng trong bối cảnh số ca bệnh mới hằng ngày vẫn còn cao, giới chuyên gia y tế cảnh báo chính phủ không nên bất chấp mở cửa trở lại, nhất là việc bỏ quy định không bắt buộc đeo khẩu trang. 

Theo các chuyên gia, có niềm tin với tỷ lệ tiêm vaccine cao, Thủ tướng Boris Johnson quyết định mở cửa trở lại để từng bước phục hồi nền kinh tế vốn đã khốn đốn do đại dịch. Đây thật sự là canh bạc lớn trong thử nghiệm “cuộc sống chung với Covid-19” của nhà lãnh đạo này bởi thực tế hiện nay là biến thể Delta vẫn lây lan nhanh dù tỷ lệ ca nhập viện không nhiều. Và trong vài tuần nữa, cả thế giới sẽ có câu trả lời liệu Thủ tướng Boris Johnson có thắng trong canh bạc này hay không.

Người đứng đầu chương trình y tế công cộng toàn cầu tại Đại học Edinburgh Devi Sridhar cho rằng, Anh là một quốc gia hiện thân của sự thay đổi quan điểm chống dịch nổi bật, từ một quốc gia thờ ơ với đại dịch rồi sau đó phải phong tỏa nghiêm ngặt trở thành nơi triển khai tiêm vaccine nhanh nhất và giờ là mở cửa trở lại.

Anh là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh khi ghi nhận gần 130.000 người đã tử vong vì COVID-19, cao nhất Châu Âu. Đại dịch cũng khiến nền kinh tế Anh năm 2020 trải qua đợt suy giảm tồi tệ nhất trong 3 thế kỷ và buộc chính phủ nước này phải chi hàng trăm tỷ bảng để cứu các doanh nghiệp và đảm bảo việc làm cho người lao động.

Người dân Anh đã phải chịu đựng nhiều lần phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài trong suốt hơn 1 năm qua trước khi bắt đầu nới lỏng từ hôm 17-5, ngày đánh dấu “sự tự do” đáng giá sau những tháng ngày sống cùng “bóng ma” COVID-19. Trên thực tế, trong những tháng qua, các bản tin nóng về dịch Covid-19 toàn cầu không còn “điểm danh” Anh trong mục thống kê những nước có số ca mắc mới cao. Tình hình dịch bệnh ở Anh đã yên ắng hơn rất nhiều dù biến thể Delta cũng đang tấn công mạnh mẽ. 

Có thể thấy, từ tâm dịch kinh hoàng nhất Châu Âu của năm 2020, nước Anh đã từng bước vượt qua vũng lầy COVID-19 và đang sẵn sàng trở lại cuộc sống bình thường dù thật sự phải “học cách sống chung với COVID-19 như đã từng làm với bệnh cúm”.

KHẢ ANH