Nước cờ cuối cùng của ông Trump
Trong bối cảnh vị chủ nhân của Nhà Trắng trong 4 năm tới dường như đã được định đoạt cho ông Joe Biden, giới phân tích cho rằng, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn còn cơ hội cuối cùng.
Tổng thống Trump và “Phó tướng” Mike Pence. Ảnh: AFP |
Đó là Phó Tổng thống Mike Pence
Ông Trump đã thua phiếu phổ thông, phiếu đại cử tri và cả 59 phiên tòa tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử trước đối thủ Biden. Trong khi ngày giờ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden đang đến gần, một số người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông Trump vẫn tìm thấy 1 tia hy vọng cuối cùng: Phó Tổng thống Mike Pence – nhân vật sẽ chủ trì phiên họp lưỡng viện Quốc hội ngày 6-1 để kiểm phiếu đại cử tri và tuyên bố ứng viên chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Trong một diễn biến gây tranh cãi, hôm 28-12, nghị sĩ đảng Cộng hòa Louie Gohmert của bang Texas đệ đơn kiện ông Pence. Trong đơn kiện, ông Gohmert và một số thành viên khác của đảng Cộng hòa đề nghị thẩm phán liên bang Jeremy Kernodle ra phán quyết tuyên bố rằng, ông Pence là người có thẩm quyền duy nhất để chọn hay không chọn đại cử tri (người trực tiếp bầu ra tổng thống) ở một bang nhất định nào đó, chứ không đơn giản là người giám sát việc kiểm phiếu của cử tri đoàn. Theo ông Gohmert, đây là điều được nêu trong Tu chính án thứ 12. “Theo Tu chính án thứ 12, bị đơn Pence có quyền độc quyền và toàn quyền quyết định để mở và cho phép kiểm phiếu đại cử tri của một tiểu bang nhất định, của nơi có các nhóm đại cử tri cạnh tranh hoặc nơi có sự phản đối đối với bất kỳ nhóm đại cử tri nào. Bị đơn có quyền chọn phiếu của nhóm đại cử tri, hoặc không tính phiếu của nhóm đại cử tri nào”, nội dung đơn kiện nêu rõ.
Ông cũng cho rằng, tòa án nên tuyên bố Đạo luật Kiểm phiếu đại cử tri năm 1887 là vi hiến vì mâu thuẫn với Tu chính án thứ 12. Lập luận này của ông Gohmert có nghĩa là ông Pence hoàn toàn có quyền thay thế đại cử tri đã bỏ phiếu cho ông Biden bằng đại cử tri ủng hộ ông Trump.
Cơ hội nào cho ông Trump?
Theo giới phân tích, vụ kiện này rõ ràng là một trong những nước cờ cuối nhằm lật ngược kết quả của nhóm ủng hộ ông Trump. Nhóm nghị sĩ Cộng hòa đồng minh của ông Trump trước đó đã tự chọn ra các "đại cử tri thay thế" ở các bang và gửi kết quả bỏ phiếu lên quốc hội mặc dù gần như chắc chắn các lá phiếu đó không được chấp nhận về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vụ kiện gần như không có khả năng mang lại kết quả dù người thụ lý vụ kiện là thẩm phán Jeremy Kernodle của bang Texas, một người do ông Trump bổ nhiệm. “Đây là một vụ kiện vô vọng. Không có từ ngữ nào để nói về việc này”, Rick Hasen, chuyên gia luật tại Đại học California, bình luận. Joshua Geltzer, giám đốc điều hành một viện nghiên cứu thuộc Đại học Georgetown, nhận định: "Vụ kiện sẽ không đi đến đâu". Giáo sư Steven Vladeck tại Đại học Texas, nhận xét: "Nếu Tu chính án 12 cho phó tổng thống quyền đơn phương hủy bỏ phiếu đại cử tri để mang lại lợi ích cho đảng của họ hay thậm chí cho chính họ, các phó tổng thống trước kia đã làm vậy rồi".
Quốc hội Mỹ sẽ họp vào ngày 6-1 tới để kiểm phiếu đại cử tri và chính thức xác nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri (ông Biden giành 306 phiếu, ông Trump giành 232 phiếu). Phó tổng thống Mike Pence với vai trò chủ tịch Thượng viện sẽ chủ trì cuộc họp và công bố tên tổng thống đắc cử. Theo quy định của hiến pháp Mỹ, ông Pence có nhiệm vụ mở tất cả phong bì thư đảm bảo chứa các giấy xác nhận bỏ phiếu của đại cử tri đoàn ở các bang. Vai trò của ông Pence chỉ mang tính thủ tục và ông gần như không có quyền hạn trong việc đơn phương hủy bỏ bất cứ phiếu đại cử tri nào.
KHẢ ANH