Báo Công An Đà Nẵng

Nước cờ sai lầm?

Thứ tư, 07/05/2014 10:36

(Cadn.com.vn) - Ai Cập có thể đang đi một nước cờ sai lầm khi ra lệnh điều tra các nhà lãnh đạo nước ngoài với cáo buộc “làm gián điệp”.

Tổng công tố nước này Hisham Barakat đã liệt kê danh sách các nhà lãnh đạo nằm trong “danh sách đen” gồm: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Vụ việc được tiến hành theo sau việc luật sư Ahmed Abdel-Salam nộp đơn kiện các nhà lãnh đạo nói trên dựa vào các thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong nước. Tình báo chung bắt giữ 2 đường dây gián điệp bị cáo buộc gửi báo cáo về Ai Cập cho các cơ quan tình báo nước ngoài trong năm 2012, nhất là cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi hồi năm 2013.

Thậm chí, luật sư Abdel-Salam, người yêu cầu nhà chức trách Ai Cập đưa các nhà lãnh đạo này vào danh sách theo dõi tại sân bay quốc tế Cairo, nói thêm rằng, các gián điệp bị cáo buộc “vi phạm các thỏa thuận quốc tế và là hành động tuyên chiến với Ai Cập”. Ngoài ra, nguyên đơn cũng kêu gọi chính quyền cắt đứt quan hệ với 4 nước liên quan và đưa ra xét xử mọi công dân Ai Cập hợp tác hoặc cung cấp thông tin cho các nước này. Cairo cũng cần phải chấm dứt mọi hình thức hợp tác quân sự, cũng như cấm tàu thuyền của các quốc gia liên quan đi qua kênh đào Suez.

Tuy nhiên, người ta cho rằng, đây chỉ là vụ kiện mang tính hình thức ở Ai Cập. Bởi lẽ, các nhà lãnh đạo thế giới chắc chắn sẽ không bị thẩm vấn trực tiếp tại nước này. Vụ việc cũng chỉ càng tiếp tục đẩy mối quan hệ vốn đang rất ảm đạm giữa Mỹ và Ai Cập đến bên bờ vực thẳm. Mỹ đầu tiên bị lộ chính sách nghe lén gây chấn động toàn cầu vào năm 2013 sau tiết lộ của Edward Snowden - một chuyên gia máy tính và cựu nhân viên của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Từ đó, mối quan hệ Washington và Cairo bế tắc, đặc biệt là sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Hồi giáo lần đầu tiên được dân bầu cử Mohamed Morsi vào mùa hè năm ngoái, sau cuộc biểu tình lớn chống lại ông.

 Sau đó, Mỹ khấu trừ một phần lớn gói viện trợ trị giá 1,3 tỷ USD hàng năm cho quân đội Ai Cập để bày tỏ sự không hài lòng của mình tại một cuộc đàn áp bạo lực trên những người ủng hộ ông Morsi. Tuy nhiên, Washington vẫn cẩn thận và kiềm chế khi không tuyên bố hành động loại bỏ ông Morsi là “một cuộc đảo chính”. Đây là cách để duy trì mối quan hệ chiến lược với quốc gia đồng minh chính ở  Trung Đông này.

Nhưng giờ đây, Cairo đang ngày càng làm khó với Washington, có thể là cách để gây áp lực lên Nhà Trắng về số tiền viện trợ hằng năm béo bở.

 Thanh Văn