Báo Công An Đà Nẵng

“Nước Mỹ trên hết” đang biến thành “Nước Mỹ đơn độc”

Thứ hai, 16/10/2017 08:44

Tổng thống Donald Trump đã đánh canh bạc lớn với uy tín ngoại giao của Mỹ khi ra đòn tấn công nhằm vào thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran mà chính Washington và các đồng minh Châu Âu đã từng trân trọng như là một chuẩn mực bước ngoặt cho hợp tác quốc tế.

Tổng thống Donald Trump nói về chính sách Iran từ Phòng Ngoại giao của Nhà Trắng. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giáng một đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), khi không xác nhận Tehran đang tuân thủ thỏa thuận này, đồng thời cảnh báo ông cuối cùng có thể “giết chết” nó. 

Ông Trump đã thông báo sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng vào cuối tuần qua, theo đó nêu ra chi tiết một cách tiếp cận đối đầu hơn đối với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tehran, cũng như việc nước này hỗ trợ các nhóm cực đoan ở Trung Đông. Tổng thống Trump nhấn mạnh, mục tiêu của ông là đảm bảo Iran không bao giờ sở hữu một vũ khí hạt nhân. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ông Trump đang đánh canh bạc lớn nhằm vào uy tín của Mỹ trên trường quốc tế.

“Học thuyết rút lui”

Bởi khi làm như vậy, Tổng thống Trump đã tự biến chính sách ngoại giao “Nước Mỹ trên hết” thành “Nước Mỹ đơn độc” khi ông sẽ tự đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Giữa các bài phát biểu đầy tính dân tộc chủ nghĩa và những tuyên bố bùng nổ trên Twitter, các nhà quan sát rất khó xác định chiến lược rõ ràng sau quyết định của Trump. Nhưng một chủ đề nổi bật thấy rõ khi ông quyết định rút khỏi các thỏa thuận thương mại khiến các quốc gia đồng minh và cả cộng đồng quốc tế nhận định rằng, không có mối quan hệ quốc tế nào có thể ràng buộc ông Trump.

Mỹ nổi lên như một cường quốc không thể thiếu trong thời Thế chiến II thông qua việc dẫn đầu trong hệ thống hiệp ước và liên minh dựa trên luật lệ toàn cầu. Tuy nhiên, như ông Trump đã nói rõ trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, tầm nhìn của ông là về một thế giới mà nước Mỹ là cường quốc lớn mạnh duy nhất trong một mạng lưới các quốc gia có chủ quyền. “Chủ đề trong chính sách đối ngoại của ông Trump là “Học thuyết rút lui”, một chuyên gia nhận định.

Tổng thống Trump chưa rút khỏi thỏa thuận của Iran mặc dù ông nói rõ ràng sẽ sẵn sàng làm như vậy nếu Quốc hội và các đồng minh của Mỹ không nhất trí với các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Tehran. Trong tuần qua, ông Trump đã quyết định rút khỏi Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của LHQ (UNESCO). Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – “đứa con cưng” của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama – cũng đã bị sụp đổ dưới thời ông Trump. Và ông chủ Nhà Trắng hiện nay dường như cũng đã sẵn sàng “tiêu diệt” Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ông Trump cũng đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với các đồng minh của NATO, và ông đã kêu gọi cải tổ LHQ. Ông thậm chí còn tuyên bố, Mỹ sẽ ra khỏi thỏa thuận quan trọng nhất - phù hợp với lịch sử thế giới nhất -  thỏa thuận khí hậu Paris.

Nhiều chính trị gia Mỹ đang tức giận và bối rối trước những gì mà họ coi như là sự thoái vị của lãnh đạo Mỹ. “Một lần nữa, ông Trump lại đang đặt câu hỏi về việc Mỹ giữ cam kết của mình đối với các hiệp định quốc tế”, cựu cố vấn cao cấp Ben Rhodes nói. “Và rồi, các quốc gia khác sẽ không muốn ký thỏa thuận với Mỹ”, ông cảnh báo.

Chờ thông điệp từ Đồi Capitol

Tổng thống Trump đã đẩy số phận của JCPOA cho Quốc hội Mỹ quyết định, đồng thời yêu cầu Đồi Capitol giải quyết “những điểm sai lầm nghiêm trọng” trong thỏa thuận này.

Mọi con mắt đổ dồn vào Đồi Capitol - nơi sẽ có 60 ngày xem xét đưa ra quyết định liệu có áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt cụ thể với Tehran vốn đã được dỡ bỏ khi ký thỏa thuận. Áp lực đang đè nặng lên các nghị sĩ Mỹ khi cơ quan này hiện chịu trách nhiệm cho khả năng đổ vỡ thỏa thuận, nhất là trong bối cảnh ông Trump cũng cảnh báo, nếu “Mỹ không đạt được giải pháp khi phối hợp với Quốc hội và các đồng minh, thỏa thuận này sẽ bị chấm dứt”. 

Việc đẩy trái bóng trách nhiệm sang cho Đồi Capitol sẽ khiến căng thẳng giữa Washington và Tehran tăng cao, cũng như đẩy Mỹ vào thế bất đồng đối với Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, và Liên minh Châu Âu (EU).  Hiện nay, các cường quốc trên thế giới, kể cả các đồng minh quan trọng của Mỹ, cho biết, họ vẫn mạnh mẽ ủng hộ thỏa thuận này đến cùng bất chấp đe dọa của Tổng thống Trump.

Ngày 14-10, Pháp kêu gọi Quốc hội Mỹ không phá vỡ thỏa thuận. Trả lời phỏng vấn, nhấn mạnh bối cảnh các cuộc đàm phán với Triều Tiên, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói: “Chúng tôi hy vọng Quốc hội Mỹ không gây nguy hại cho thỏa thuận này. Nếu chúng ta bãi bỏ một thỏa thuận đã được tuân thủ, điều này sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm”. Phía Nga khẳng định thật “cực kỳ đáng lo ngại” khi Tổng thống Trump nêu ra các nghi vấn vốn được giải quyết khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký hồi năm 2015. Moscow kêu gọi tất cả các bên giữ cam kết đối với thỏa thuận này. 

Bóng đang ở bên sân Quốc hội. Nhưng theo phần lớn giới quan sát, sẽ rất khó để các nghị sĩ phản đối hoàn toàn một thỏa thuận do Mỹ ký kết và được tất cả các bên tuân thủ.

KHẢ ANH