Nước Mỹ trước giờ G
(Cadn.com.vn) - Trong khi bà Hillary Clinton đang được dọn đường đến Nhà Trắng, ông Donald Trump phải dọn dẹp nhiều chướng ngại vật trong những giờ phút cuối cùng trước ngày bầu cử 8-11.
Hôm nay (8-11), người Mỹ sẽ đi bầu tổng thống, trong cuộc đua gây tranh cãi và gay cấn nhất trong lịch sử nước này, giữa hai ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa.
Trong ngày 7-11, cả bà Clinton và ông Trump dành ngày tranh cử cuối cùng tại một số ít các bang quan trọng vốn có thể giúp xoay chuyển tình thế trong bối cảnh các cuộc thăm dò cho thấy đều nghiêng về phía vị nữ chính trị gia. Trong đó, ông Trump tiếp tục “tấn công” 5 bang chiến địa gồm Florida, Bắc Carolina, Pennsylvania, New Hampshire và Michigan - và kết thúc bằng cuộc tuần hành ban đêm ở Grand Rapids, bang Michigan. Trong khi đó, bà Clinton có 2 điểm dừng ở Pennsylvania và Michigan trước khi đến với cuộc tuần hành nửa đêm ở Raleigh, Bắc Carolina. Trước đó, vị ứng viên đảng Dân chủ cũng xuất hiện tại một cuộc tuần hành buổi tối tại Hội trường Độc lập ở Philadelphia với Tổng thống Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama, cũng như ngôi sao nhạc rock Bruce Springsteen.
Trong khi bà Hillary Clinton vui mừng vì được FBI “giải oan”, ông Donald Trump miệt mài |
Sẽ có nữ tổng thống đầu tiên?
Giới phân tích cho rằng, trong khi bà Clinton đang được dọn đường đến Nhà Trắng, ông Trump phải dọn dẹp nhiều chướng ngại vật trong ngày tranh cử cuối cùng. Trong ngày 7-11, ứng viên Clinton đã được Cục điều tra Liên bang (FBI) “giải oan” vào phút chót, động thái khiến những người ủng hộ vị cựu ngoại trưởng này nhiều kỳ vọng nước Mỹ sẽ có nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử.
Giám đốc FBI, ông James Comey tuyên bố giữ nguyên kết luận hồi tháng 7 rằng, bà Clinton sẽ không phải đối mặt với các cáo buộc hình sự liên quan bê bối email cá nhân. Trong thư gửi Quốc hội, Giám đốc FBI James Comey khẳng định kết quả điều tra mới nhất không phát hiện chứng cứ nào cho thấy bà Clinton vi phạm các quy định sử dụng tài khoản thư điện tử cá nhân đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Comey cho biết, kết luận này được đưa ra sau khi các nhân viên FBI xem xét tất cả các email mật mới phát hiện của Antony Weiner, chồng một trong những cố vấn thân cận nhất của bà Clinton, nhưng không phát hiện sai phạm. “Dựa trên kết quả điều tra và sự tôn trọng dành cho bà Clinton, FBI không thay đổi kết luận hồi tháng 7 đối với vụ việc này”, ông Comey nói. Tuy nhiên, ông Comey cho biết thêm FBI sẽ tiếp tục điều tra nếu phát hiện thêm các thư mới.
Động thái này của FBI được giới quan sát cho là có thể giúp thay đổi suy nghĩ và lá phiếu dành cho bà Clinton. Chỉ số chứng khoán Mỹ tăng hơn 1% và đồng USD cũng tăng cường trong phiên giao dịch tại Châu Á sau tuyên bố của FBI. Nhưng trên thực tế, có thể tỷ lệ lá phiếu sẽ không thay đổi nhiều khi hàng chục triệu người Mỹ đi bỏ phiếu sớm trong vòng 10 ngày qua. Những số liệu bầu cử mới công bố cho thấy, 33 triệu người Mỹ bỏ phiếu bầu chọn tổng thống kế tiếp, và con số này giúp những nhà phân tích dự đoán được ứng viên nào có thể đang có lợi thế trong cuộc đua ngày càng sít sao.
Ông Trump “khóc ròng”
Trong khi đội ngũ chiến dịch tranh cử của bà Clinton vui mừng khi vấn đề kéo dài đã được giải quyết, phe ông Trump thật sự lo lắng.
Phe Cộng hòa tiếp tục chỉ trích nhằm vào bà Clinton. “Bà ấy chỉ đơn giản là tin rằng mình đứng trên pháp luật và luôn nắm các quy tắc của riêng mình”, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết trong một tuyên bố, lập luận rằng việc sử dụng máy chủ email riêng của bà Clinton gây “tổn hại an ninh quốc gia”. Trong tuyên bố đưa ra hôm 7-11, ông Trump cáo buộc FBI sai lầm khi một lần nữa đã “giải oan” cho bà Clinton xung quanh vụ bê bối email đầy sóng gió này.
Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất được đưa ra trước khi bà Clinton được “giải oan” cho thấy, cựu ngoại trưởng dẫn trước 4-5 điểm so với ông Trump. Trong đó, lợi thế cho bà Clinton đến từ cử tri Mỹ da màu và cử tri nói tiếng Tây Ban Nha. Sự e ngại của cử tri nói tiếng Tây Ban Nha và cử tri da màu đối với tỷ phú Trump xuất phát từ việc ông tuyên bố sẽ trục xuất tới 6 triệu người nhập cư đang sinh sống tại Mỹ mà không có giấy tờ cư trú hợp pháp nếu đắc cử cũng như việc tuyên bố cấm cửa “người tị nạn”.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Mỹ đang công bố những kết quả thăm dò trái ngược về ứng viên chiếm ưu thế trong cuộc đua này. Tuy nhiên, vấn đề khiến cử tri lo ngại là theo giới truyền thông, dù những con số thăm dò rất khác nhau, không có nhân vật chiếm ưu thế rõ rệt trong cuộc đua tổng thống lần này.
Khả Anh
Hàng trăm quan sát viên giám sát bầu cử Mỹ Trước những cáo buộc gian lận bầu cử của ứng viên Donald Trump, hàng trăm quan sát viên quốc tế sẽ có mặt tại Mỹ trong ngày 8-11 để giám sát cuộc bầu cử quan trọng này. Theo Washington Post, các đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), từng tham gia giám sát cuộc bầu cử năm 2012 và 6 cuộc bầu cử khác tại Mỹ, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ năm nay. Và năm nay, lần đầu tiên, Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (OAS) được mời cử các quan sát viên tham gia. Cựu Tổng thống Costa Rica Laura Chinchilla dẫn đầu nhóm quan sát viên của OAS, có khoảng 30-40 người, đến Mỹ. Các nhóm quan sát viên làm việc cùng với các quan chức giám sát bầu cử của mỗi chính đảng trong quá trình bỏ phiếu.
T.Nguyên |